26/12/2015 - 15:01

Điện ảnh thế giới

Đột phá về nghệ thuật và thương mại

Năm 2015, điện ảnh thế giới gặt hái thành công ngoài mong đợi cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Chưa năm nào có nhiều phim đạt doanh thu lên đến tỉ USD như năm nay bằng kịch bản độc đáo, có sức cạnh tranh cao về công nghệ và nghệ thuật, tiêu biểu là "Jurassic World", "Fast & Furious 7", "Avengers: Age of Ultron", "Minions"…

Hồi sinh nhiều thương hiệu kinh điển

Năm 2015 được xem là năm hồi sinh của nhiều thương hiệu kinh điển thể hiện sức mạnh của Hollywood. Hàng loạt tác phẩm "Mad Max: Fury Road", "Jurassic World", "Star Wars: The Force Awakens"… đáp ứng kỳ vọng của khán giả, công phá các rạp với doanh thu tỉ USD. Các "bom tấn" này khác với những tác phẩm làm lại về nghệ thuật và cách tiếp cận khán giả. Điển hình, "Star Wars: The Force Awakens" (thu về 238 triệu USD trong tuần đầu công chiếu, trở thành phim có doanh thu trong tuần đầu tiên cao nhất mọi thời đại và nhanh chóng đạt hơn 700 triệu USD trên toàn cầu) vốn là "đứa con tinh thần" của đạo diễn George Lucas sản xuất từ năm 1977, là thương hiệu ăn khách qua nhiều thập kỷ và được George Lucas bán cho hãng Walt Disney vào năm 2012. "Star Wars: The Force Awakens" chính là phần đầu tiên được làm lại từ thương hiệu này và dưới sự chỉ đạo của đạo diễn J. J. Abrams và một lần nữa tạo đột phá cho chuỗi phim kinh điển này. Cái hay của J. J. Abrams là vẫn giữ được phong cách của "Star Wars", khi vận dụng nhuần nhuyễn và tối ưu hóa những ưu điểm cách làm phim truyền thống trong bối cảnh hiện đại để tạo nên tác phẩm chân thực nhất. Hầu hết bối cảnh phim đều thật, các nhân vật ngoài hành tinh đều do diễn viên hóa trang, ghi lại hành động bằng công nghệ CGI… Nội dung của "Star Wars: The Force Awakens"  có chút thay đổi với nhiều nhân vật mới xuất hiện như: Rey, Finn… để chuyển tải câu chuyện hơi siêu thực một cách gần gũi hơn. Sự kết hợp hài hòa giữa một Star Wars cổ điển và những thay đổi hiện đại đã khiến "Star Wars: The Force Awakens"  thực sự là tác phẩm điện ảnh chất lượng, khác biệt và hấp dẫn.

“Star Wars: The Force Awakens” -  Tác phẩm đang gây “sốt” phòng vé, được kỳ vọng sẽ đánh bại  “Jurassic World” về doanh thu để lên ngôi Phim có doanh thu cao nhất năm 2015. 

Trong khi đó, tác phẩm "Jurassic World" của đạo diễn Colin Trevorrow cũng khiến người hâm mộ thán phục khi phục sinh thế giới khủng long tưởng chừng đã mất trong "Jurassic Park" của đạo diễn Steven Spielberg ra mắt năm 1993. "Jurassic World" không chỉ tạo ra chuẩn mực mới về kỹ xảo điện ảnh mà còn trở thành một trong những phim ăn khách năm 2015. Thoạt đầu dự án gây lo ngại bởi cái bóng của Steven Spielberg quá lớn, khó có ai có thể vượt qua nhưng Colin Trevorrow làm được hơn thế. So với phiên bản đầu, "Jurassic World" vẫn giữ đúng chất phiêu lưu đầy mạo hiểm, nhưng về kỹ thuật đã có sự thay đổi ngoạn mục. Thế giới khủng long gần như thật với những mô hình, rô-bốt khủng long, chứ không là thế giới ảo trên máy tính. Thành công của "Jurassic World" thấy rõ nhất từ doanh thu trên 1,6 tỉ USD, trở thành phim thứ ba ăn khách nhất mọi thời đại, chỉ sau "Avatar" và "Titanic".

Bất ngờ nhất có lẽ là "bom tấn" hành động "Mad Max: Fury Road" lọt vào danh sách đề cử Quả cầu vàng 2016 "Phim xuất sắc nhất thể loại chính kịch" và "Đạo diễn xuất sắc nhất", cũng là phim hay nhất năm 2015 do Hiệp hội phê bình phim quốc tế (FIPRESCI) bình chọn. Mới đây, "Mad Max: Fury Road" còn dẫn đầu danh sách đề cử giải thưởng Hiệp hội phê bình điện ảnh 2016 với 13 đề cử, gồm các hạng mục quan trọng: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất… Đây được xem là lần đầu tiên phim thuần giải trí và thương mại được giới phê bình đánh giá cao như vậy. "Mad Max" là thương hiệu đã có từ năm 1979 và đạo diễn George Miller, lần này không chỉ được hồi sinh mà còn nâng lên tầm cao mới. Bên cạnh việc giữ đúng phong cách của thương hiệu với những cảnh hành động, truy đuổi mãn nhãn, George Miller còn làm mới nội dung, nhất là tính nữ quyền được đề cao, thậm chí lấn át nam chính. Mạch phim liên tục với những phân cảnh truy đuổi, chiến đấu, cháy nổ… khiến khán giả không thể rời màn hình.

“Mad Max: Fury Road” – Tác phẩm đang gây chú ý với sự đánh giá cao từ giới phê bình.

Nhiều năm qua, các phim làm lại ít được đánh giá cao. Nhưng năm 2015, thành công về doanh thu và chất lượng của "Jurassic World", Mad Max: Fury Road", "Star Wars: The Force Awakens"… không chỉ làm sống lại các thương hiệu kinh điển mà còn mở ra sự kỳ vọng về đổi mới, nâng chất các tác phẩm vốn bị đánh giá là sản xuất vì thương mại.

Kể chuyện phim bằng hình ảnh

Với sự tiến bộ của công nghệ, nhất là 3D hay màn hình cực đại IMAX (Image Maximum), hình ảnh của nghệ thuật thứ bảy hiện nay được chăm chút hơn. Năm 2015, điện ảnh nở rộ những câu chuyện kể bằng hình ảnh, bất kể đó là tác phẩm thương mại hay nghệ thuật. Hàng loạt phim "Everest", "The Walk", "The Martian", "In The Heart of the Sea", "The Revenant"… đều mang đến cho khán giả hình ảnh trung thực, đầy cảm xúc. Cuộc đấu tranh sinh tồn giữa cơn bão tuyết trong "Everest" thực đến nỗi người xem phải rùng mình; những cuộc chạm trán đầy nguy hiểm với cá nhà táng giữa đại dương trong "In The Heart of the Sea" khiến người xem phải đau tim… Tất cả hình ảnh này sống động như thật nhờ công nghệ. Greg Foster- Giám đốc điều hành của IMAX Corporation, cho biết: "Năm 2015 các nhà làm phim biết tận dụng hình ảnh để kể những câu chuyện thu hút khán giả".

Kormakur- đạo diễn phim "Everest"- thẳng thắn: "Sự hùng vĩ, chất lượng của màn hình cực đại giúp tôi chăm chút hơn cho hình ảnh. Bằng những hình ảnh tinh tế, câu chuyện chắc chắn sẽ giàu cảm xúc hơn". Đồng quan điểm, Zemeckis- đạo diễn của "The Walk", thừa nhận: "Với công nghệ mới, các nhà làm phim phải kể những câu chuyện ấn tượng bằng hình ảnh và đủ tinh tế thì mới thu hút khán giả". Trên thực tế, các rạp đều đồng loạt trang bị màn hình định dạng 3D hay cực đại. ReaID- đơn vị cung ứng màn ảnh định dạng 3D, cho biết đã tăng màn hình của hãng lên hơn 27.000, tăng 6% so với năm 2014. Trong khi đó, các chuỗi rạp Cinemark, Regal, AMC…đều vận hành hơn 430 màn hình cực đại chuẩn, tăng 34% so với con số 320 của năm 2013. Riêng IMAX Corporation đã có hơn 1.000 rạp sử dụng màn hình cực đại. Ưu điểm của các định dạng này, ngoài mang lại hình ảnh sắc nét, sống động còn làm gia tăng sự tương tác của người xem với phim. Ron Howard- đạo diễn phim "In The Heart of the Sea", thừa nhận: "Công nghệ mới này giúp phim tiếp cận cảm xúc khán giả nhiều hơn. Người xem được trải nghiệm như chính nhân vật trong phim đang trải qua".

Kể chuyện bằng hình ảnh với sự tận dụng tối đa ưu điểm của công nghệ từng được bắt gặp trong vài tác phẩm trước đây: "Life of Pi" (2012), "Gravity" (2013), "Birdman" (2014)… Nhưng đến năm 2015, phương pháp làm phim này trở thành xu hướng khi các nhà sản xuất nhận ra hình ảnh chân thực nhờ hỗ trợ của công nghệ tiên tiến có sức thuyết phục cao.

Ái Lam
(Tổng hợp từ nytimes, variety, hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết