07/04/2014 - 20:13

Động lực để các trường phát triển

Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (gọi tắt NQ 29). Đây được xem là nghị quyết quan trọng nhằm cải cách một cách căn cơ nền giáo dục nước nhà. Quan trọng hơn, NQ 29 tạo động lực để các cơ sở giáo dục đại học cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo…

* Kiện toàn nguồn lực

Theo lãnh đạo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ, NQ 29 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thời gian tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đơn cử như, các trường: ĐH Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ… đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu NQ 29 đề ra “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”. Tiến sĩ Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ 29 và triển khai quán triệt NQ từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tế hoạt động; sắp xếp bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng”. Song song thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học, thực hành, Trường CĐ Cần Thơ chú trọng rèn luyện kỹ năng cho học sinh sinh viên (HSSV), tạo điều kiện thuận lợi để các em có môi trường học tập, nghiên cứu tốt nhất. Phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp tại địa phương và khu vực để tìm hiểu thị trường lao động; xây dựng và đề xuất Bộ GD&ĐT về những ngành nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Trong đó, tập trung các ngành chủ lực, mũi nhọn, phù hợp thực tế địa phương, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho TP Cần Thơ và ĐBSCL…

 Sự ra đời của NQ29 đã tạo thêm động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Giờ học thực hành của sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, để thực hiện đổi mới, trường đã cải cách chương trình và xã hội hóa đào tạo. Chương trình đào tạo cần được phát triển và quản lý với sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và chính quyền địa phương; qua đó, tăng cường trách nhiệm cơ sở đào tạo đối với người sử dụng lao động; người sử dụng lao động đối với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao.

* Xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh

Để thực hiện thành công NQ 29, một trong yếu tố quan trọng là con người- đội ngũ nhà giáo. Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, nói: “Nhiều năm qua, trường đã xây dựng quy trình tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy rất chặt chẽ. Chẳng hạn, trường ưu tiên tuyển chọn thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và tổ chức cho ứng viên giảng thử để kiểm tra năng lực sư phạm, khả năng giao tiếp, nhất là lòng yêu nghề... Nếu trúng tuyển, trường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên và ứng viên chính thức trở thành cán bộ giảng dạy sau một năm tập sự. Nhà trường lập kế hoạch đào tạo dài hơi, ngành nghề, học vị từng giai đoạn cụ thể 5-10 năm. Cán bộ, giảng viên sẽ đăng ký thời gian, ngành nghề học”. Đồng thời, lãnh đạo trường quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn như: tổ chức thi giảng viên giỏi cấp trường, cấp thành phố… Để khuyến khích thầy, cô học tập nâng cao trình độ, trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí giờ dạy hợp lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ đi học. Đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ, trường còn chú trọng việc bố trí đúng người, đúng việc và mạnh dạn luân chuyển cán bộ năng lực sư phạm, trình độ chưa đạt chuẩn, sang vị trí công tác khác. Trường hiện có 206 cán bộ, công nhân, viên chức (6 tiến sĩ và 111 thạc sĩ); trong đó, có 162 giảng viên, với trên 75% người trình độ sau đại học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy hơn 6.200 HSSV.

Tương tự, Trường CĐ Cần Thơ, tùy nhu cầu thực tế, hằng năm, trường sẽ quy hoạch đội ngũ giảng viên đào tạo nâng cao trình độ, nhất là trình độ sau đại học, đảm bảo tính đồng đều ở các chuyên ngành. Với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường tập trung nâng cao trình độ cán bộ giảng viên; như tranh thủ mọi nguồn lực và chính sách để đào tạo lực lượng cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Lãnh đạo TP Cần Thơ hỗ trợ tích cực (tăng cường 16 thạc sĩ từ Đề án 150 về trường và phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực cán bộ của trường giai đoạn 2010-2020, với kinh phí khoảng 64 tỉ đồng). Mới đây, Bộ GD&ĐT cấp cho trường 9 suất học bổng đào tạo tiến sĩ nước ngoài từ Đề án 911. Ngoài ra, trường luôn động viên cán bộ tranh thủ thêm các nguồn học bổng khác, đã có 4 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh và 3 cán bộ đang học thạc sĩ nước ngoài.

* Cần trợ lực để phát triển

Không thể phủ nhận nỗ lực của các trường, thế nhưng để các trường thực hiện đạt mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”, nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi sự hỗ trợ rất nhiều từ Trung ương, địa phương. Một trong vấn đề khiến các trường băn khoăn là nguồn kinh phí đầu tư vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Tiến sĩ Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho rằng: “Để NQ thật sự đi vào cuộc sống, cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý, nhất là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo; lộ trình và chương trình hành động từng giai đoạn. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng viên chuyên môn, làm nòng cốt để nâng cao chất lượng giảng dạy; tăng cường cơ sở thực hành cho các trường, nhất là các trường công lập (do mức thu học phí các trường công lập hiện tại còn thấp)”.

Còn theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, để thực hiện tốt NQ 29, cần phải có những chính sách đặc thù về đào tạo nguồn lực cán bộ, về chính sách ưu tiên đầu tư của nhà nước cho ĐBSCL, được đánh giá “vùng trũng” về GD&ĐT. Ông Công khẳng định: “Trường phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học có uy tín, đào tạo chuyên sâu các ngành kỹ thuật, công nghệ. Trường mong muốn tiếp tục được Trung ương và địa phương quan tâm, để thúc đẩy công tác đào tạo và “sản phẩm” có chỗ đứng trên thị trường lao động”.

Bài, ảnh: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết