11/03/2018 - 15:45

Đồng hành để doanh nghiệp “tăng về lượng, mạnh về chất” 

Năm 2018, TP Cần Thơ sẽ phát triển thêm 1.700 doanh nghiệp (DN). Để đạt mục tiêu này, chính quyền thành phố đề ra nhiều giải pháp tổng thể trong việc khuyến khích phát triển, khởi sự DN. Song song đó cam kết tạo mọi điều kiện cho DN mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

Tín hiệu khả quan

Để khuyến khích phát triển DN, TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về khởi sự DN trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 (Kế số hoạch 41) vào tháng 3-2017. Đến tháng 7-2017, thành phố ra Quyết định số 1784/QĐ-UBND ban hành một số giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch 41 (Quyết định số 1784). Kế hoạch 41 được xây dựng nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong kinh doanh cho tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp, thành lập DN có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu quả dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn thành phố. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ với ý chí cầu tiến, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng.

Lãnh đạo thành phố tham quan, tìm hiểu quy trình gia công giày của Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ.

Từ “bộ khung” này, từ năm 2017 đến nay, TP Cần Thơ đề ra nhiều giải pháp phát triển cũng như khuyến khích DN khởi nghiệp và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong năm 2017, TP Cần Thơ cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.328 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký 5.892 tỉ đồng, tăng 8,1% về số DN đăng ký mới và tăng 22,7% về số vốn so với năm 2016. Trong 2 tháng đầu năm 2018, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 203 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 1.087,8 tỉ đồng, tương đương về số DN đăng ký mới và tăng 56,7% về số vốn so với cùng kỳ. TP Cần Thơ cũng ghi nhận 27 DN giải thể, với số vốn 93,4 tỉ đồng, tăng 13 DN giải thể và tăng 33,8% về số vốn so với cùng kỳ. Theo đánh giá của một số sở ngành hữu quan, kết quả này vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng nhưng là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, các DN trên địa bàn thành phố không ngừng phấn đấu để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; mạnh dạn bắt tay vào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Ngọc Lợi, huyện Thới Lai, được thành lập từ tháng 3-2014, công ty chuyên về chế biến gạo với mặt hàng sản xuất chủ lực là gạo thơm chất lượng cao. Với phương thức làm ăn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, công ty đã thành lập được mạng lưới thu mua lúa trải rộng tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nhờ dó, công ty chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xay xát, chế biến và dần tạo được uy tín tại thị trường nội địa.  Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Phong trào khởi nghiệp đang được triển khai rầm rộ và được sự ủng hộ từ các cấp chính quyền. Đó là một trong những động lực để chúng tôi mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp ở lĩnh vực nông sản sạch. Hiện tại, mức sống và nhận thức của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được nâng cao. Về thị trường xuất khẩu, nông sản là một mặt hàng lợi thế của Việt Nam do đó khả năng mở rộng thị trường là rất lớn”.

Đồng hành cùng DN

Kế hoạch số 41 đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; có ít nhất 13.800 DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực DN đóng góp trên 63% GRDP của thành phố. Trong đó, DN Nhà nước đóng góp khoảng 22,55% GRDP và 21,4% thu ngân sách thành phố; khu vực DN ngoài Nhà nước đóng góp khoảng 38% GRDP thành phố. Bám sát Kế hoạch số 41, Quyết định số 1784 nêu rõ, tổng số DN thành lập mới giai  đoạn 2017-2020 là 6.900 DN. Trong đó, năm 2017 là 1.450 DN, 2018 là 1.700 DN, 2019 là 1.850 DN và năm 2020 là 1.900 DN. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp liên quan đến tuyên truyền phổ biến thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình hoạt động DN; cải cách hành chính, hỗ trợ về môi trường pháp lý; bồi dưỡng kiến thức về hoạt động, quản lý và chính sách hỗ trợ DN; tăng cường chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại…

 Về phía các DN cũng vạch lộ trình và đề ra nhiều giải pháp cho chặng đường phát triển sắp tới. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Ngọc Lợi, chia sẻ: “Mặc dù còn khá non trẻ nhưng chúng tôi luôn có ý thức trong đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Công ty mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất gạo tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng. Với những nỗ lực này, sản phẩm gạo của chúng tôi hứa hẹn sẽ dần mở rộng và chinh phục thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước”. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, quận Ninh Kiều, cho biết: “Để khởi nghiệp thành công, chúng tôi xác định xây dựng lòng tin từ khách hàng làm trọng tâm. Và để làm được điều này, chúng tôi tập trung và các yếu tố: sản phẩm khác biệt, đa dạng và phát triển; chiến lược giá, thị trường, kênh phân phối; xây dựng thương hiệu, cá nhân, sản phẩm; thực hiện quảng bá trung thực...”.

Cùng với sự quyết tâm từ phía DN, các sở ngành hữu quan cam kết đồng hành để DN thành phố "tăng về lượng, mạnh về chất". Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), thời gian tới, ngoài công tác nâng cao kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho DN, CBA tiếp tục hỗ trợ DN xúc tiến thương mại qua việc cung cấp thông tin về thị trường, các yêu cầu cần mua, cần bán. Đồng thời, hỗ trợ DN tìm nhà đầu tư để tiếp thêm vốn kinh doanh hoặc có nhu cầu sáp nhập, mua bán. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2018, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tập trung triển khai các chương trình khởi sự DN. Đồng thời, tăng cường tiếp xúc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN; hỗ trợ, thúc đẩy DN đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các sở ngành hữu quan tạo mọi điều kiện thu hút DN đầu tư vào các dự án ưu tiên như: xây dựng hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, du lịch, logistics, công nghiệp phụ trợ...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết