21/02/2020 - 15:11

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp 

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã có nhiều biện pháp giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) lập thân, lập nghiệp, như: Hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả… Đến nay, nhiều ĐVTN đã xây dựng các mô hình làm ăn phù hợp với hoàn cảnh gia đình, từng bước nâng cao đời sống.

Mỗi năm, 4 gốc tiêu của gia đình anh Lê Hồng Sớm cho lợi nhuận bằng 1 công đất trồng lúa.

Xác định công tác hỗ trợ cho ĐVTN trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy, các cấp bộ Đoàn huyện Thới Lai đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của ĐVTN để từ đó chủ động tư vấn, định hướng cho ĐVTN. Năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Huyện đoàn đã phối hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai tổ chức Ngày hội việc làm với hơn 450 ĐVTN tham gia; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể cho ĐVTN có mô hình kinh tế; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay gắn với quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả... Qua đó có nhiều ĐVTN tìm được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ĐVTN thực hiện mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình đan giỏ nhựa của anh Trần Công Hào, mô hình trồng tiêu của anh Lê Hồng Sớm, mô hình trồng nhãn Ido của anh Nguyễn Quốc Khương, mô hình trồng nhãn xen canh trồng màu của anh Huỳnh Nhựt Linh…

Gần 6 năm trước, anh Lê Hồng Sớm (ở ấp Trường Thuận, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) đi làm thuê cho một chủ vườn tiêu ở Bình Phước. Anh Sớm vừa làm vừa học kinh nghiệm trồng cây tiêu. Năm 2017, anh Sớm được Ban Chấp hành (BCH) Xã đoàn hỗ trợ vay ngân hàng 50 triệu đồng. Đồng thời, anh vay mượn được hơn 170 triệu đồng để trồng 1.000 gốc tiêu. Đến nay, anh Sớm đã thu hoạch tiêu được 2 đợt, lãi hơn 270 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. “Trước đây, 4 công đất của gia đình tôi trồng dừa và chanh nhưng không hiệu quả nên tôi cải tạo trồng tiêu. Giá tiêu dù có lên xuống chút đỉnh nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo thêm 3 công đất nữa để trồng tiêu” – anh Sớm cho biết.  

Chị Nguyễn Thị Mộng Trúc, Bí thư Xã đoàn Trường Thắng, cho biết ngoài mô hình trồng tiêu của anh Lê Hồng Sớm, Xã đoàn hiện còn có các mô hình kinh tế hiệu quả do ĐVTN làm chủ, như: Mô hình nuôi dê của anh Trần Trung Kết ở ấp Trường Hòa, mô hình trồng sầu riêng của anh Võ Văn Cẩn ở ấp Trường Hưng, mô hình trồng đu đủ của anh Võ Thành Út ở ấp Thới Tân B… BCH Xã đoàn thường xuyên giới thiệu ĐVTN là chủ các mô hình tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, BCH Xã đoàn giới thiệu, tạo điều kiện để các ĐVTN vay từ 20 triệu đồng – 50 triệu đồng/người nhằm đầu tư cho các mô hình kinh tế. Đến nay, các mô hình đều phát triển ổn định, cho thu nhập cao.

Theo anh Nguyễn Tấn Đạt, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh, các cấp bộ Đoàn trong huyện thường xuyên tổ chức cho ĐVTN tham quan học tập các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả để nhân rộng cũng như tạo điều kiện giúp ĐVTN vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Đoàn Thanh niên đang quản lý 48 tổ vay vốn với tổng dư nợ 52 tỉ đồng, có 2.278 người vay. Trong đó, có nhiều ĐVTN vay để làm kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các Xã đoàn tiếp tục  hỗ trợ ĐVTN duy trì và xây dựng mô hình làm kinh tế có hiệu quả, như: May găng tay công nghiệp (xã Thạnh Thắng), nuôi dê (xã Thạnh Quới), trồng củ cải (xã Thạnh Lộc), trồng dâu (xã Thạnh Lợi) và nuôi lươn, ếch (xã Vĩnh Bình).

Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng công tác hỗ trợ ĐVTN lập thân, lập nghiệp còn một số khó khăn, hạn chế do tính chủ động của một số ĐVTN trong xây dựng mô hình kinh tế chưa cao, còn phụ thuộc vào gia đình. Do cha, mẹ thanh niên là người quyết định nên đa phần các thanh niên còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, lựa chọn mô hình. Ngoài ra, nguồn vốn vay từ ngân hàng chưa đủ để ĐVTN phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế.

Theo anh Nguyễn Trần Sơn Nam, Bí thư Huyện đoàn Thới Lai, thời gian tới, BTV Huyện đoàn tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động để tổ chức Đoàn là người bạn đồng hành tin cậy trên mỗi bước đường lập thân, lập nghiệp của ĐVTN. BTV Huyện đoàn và các Đoàn cơ sở sẽ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, các ngành chức năng địa phương, UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê nhu cầu học nghề trong  ĐVTN trên địa bàn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhận thức để ĐVTN mạnh dạn xây dựng và mở rộng mô hình làm ăn kinh tế phù hợp với từng địa phương.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tấn Đạt, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh cho biết: “BTV Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ cho ĐVTN nông thôn phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả tại địa phương, tìm đầu ra ổn định cho các mô hình. Đồng thời tăng cường mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN”.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

 

Chia sẻ bài viết