21/01/2008 - 22:22

Đơn phương nuôi con bệnh tật

Nhận được điện báo của bạn đọc, chúng tôi đến gặp ông Hồ Văn Nhiều ở tổ 52, khu vực 8, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ngôi nhà của ông Nhiều nhỏ xíu, mục nát, nằm khiêm tốn bên dòng kinh đen ngòm. Những năm qua, ông Nhiều đơn thân nuôi con bệnh tật trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.

 Ông Hồ Văn Nhiều chăm sóc con trai Hồ Phương Đại bị bại não đang nằm tại nhà.

Kể chuyện nhà, ông Nhiều không cầm được nước mắt. Bao tai ương dồn dập xảy đến, giờ ông gần như không còn sức chịu đựng. Cuộc đời ông lắm nỗi gian truân, từ nhỏ đã phải tha phương kiếm sống. Với nghề thợ hồ, ông Nhiều từng có thời gian nuôi được cả nhà. Nhưng yên ấm chẳng bao lâu, khi đứa con thứ hai bệnh tật ra đời, gia đình bắt đầu đổ vỡ.

Ông Nhiều có hai con, người con gái lớn có chồng xa, còn con trai út tên Hồ Phương Đại, 23 tuổi, đang sống đời thực vật. Lúc sinh ra, Đại vẫn bình thường. Lên hai tuổi, gia đình mới phát hiện Đại không đứng hay ngồi dậy như những đứa trẻ khác, gương mặt ngày càng ngờ nghệch, liên tục bị co giật. Khi Đại lên năm tuổi, mẹ bỏ đi, chị em Đại sống cùng cha, sớm hôm rau cháo. Khó khăn nhưng ông Nhiều vẫn nuôi dạy hai con đàng hoàng. Ngày ngày, ông gởi con cho cha ruột của mình trông nom rồi đi làm hồ hoặc làm thuê, không nề hà cực khổ, miễn con cái được no lòng. Năm 1999, cha ông Nhiều qua đời, con gái cũng có chồng xa, Phương Đại dù lớn xác nhưng vẫn như đứa trẻ lên hai. Không gởi con được cho ai, ông Nhiều phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc Đại. Khi hết gạo, ông để Đại trong nhà rồi đi làm đỡ vài hôm. Có lần đi làm về trễ mà Đại không có gì ăn, đói quá, Đại phá cửa lang thang đi tìm cha. Ông Nhiều đưa tay bàn tay chai sần, thúi hết móng quệt nước mắt, kể: “Nghe con ú ớ ra dấu bảo cha đừng bỏ ở nhà một mình, tôi đứt từng đoạn ruột. Nhưng không đi làm lấy gì ăn”.

Nhờ bà con hàng xóm đùm bọc, thương yêu, mà ông cũng vượt qua bao cơn khốn khó cùng đứa con tật nguyền. Nhưng “họa vô đơn chí”, cách đây 3 tháng, Phương Đại đi đám ma người quen, trên đường về bị xe honda đụng phải, tét da đầu. Vào bệnh viện, bác sĩ chụp hình mới phát hiện Đại bị bại não bẩm sinh, một nửa bên não đã chết từ lâu, nửa còn lại bị tổn thương nghiêm trọng, khó có khả năng phục hồi, phải sống đời thực vật.

Hơn một tháng nằm trong Bệnh viện 121, bao nhiêu tiền dành dụm của gia đình tiêu tan hết. “Cũng may bệnh viện miễn tiền viện phí và thuốc thang, chứ nếu không tôi chẳng biết chạy đường nào” - ông Nhiều nghẹn ngào nói. Sau khi về nhà, lưng và mông Đại bị lở loét, liên tục chảy nước vàng, ông Nhiều phải nghỉ làm hẳn để lo chuyện vệ sinh, chăm sóc Đại. Mới đây, con gái lớn của ông nghe tin em bệnh nặng về thăm thì bị xe đụng, ông Nhiều phải lên Long An nuôi con, qua lại hai nơi như con thoi. Lao lực, ăn uống kham khổ nên nhìn ông già hơn rất nhiều so với tuổi 55.

Phương Đại giờ không nhận biết được gì, mắt cứ mở thao láo nhìn lên trần nhà, nằm bất động. Ngày ba bữa, ông Nhiều xay đồ ăn ra trộn với thuốc rồi truyền qua đường ống cho con. Thức ăn thường xuyên của Đại là cháo trắng, hiếm lắm mới được con cá, miếng thịt đổi bữa. Còn ông Nhiều, buồn con nên cũng chẳng thiết ăn uống. Thời gian gần đây, ông Nhiều bị chứng đau đầu hành hạ, lúc nhớ lúc quên, người cứ bần thần nhưng không biết bệnh gì. Theo ông Nhiều, trung bình một ngày chi phí cho Đại ở bệnh viện khoảng 100.000 đồng. Bây giờ về nhà, tính luôn tiền ăn, tiền thuốc cũng 60.000 đồng/ngày. Không biết bấu víu vào đâu, ông Nhiều phải đi vay bên ngoài. Giờ tổng số nợ khi vay để chạy chữa cho Đại lúc trước và sinh hoạt hiện tại đã trên 10 triệu đồng. Nhà không còn tài sản gì đáng giá, bà con, thân thích đều nghèo nên ông Nhiều đang gặp vô vàn khó khăn.

Chỗ ở của ông Nhiều cũng rất bấp bênh. Trước đây, nhà ông nằm trong diện quy hoạch, Nhà nước có đền bù cho một nền nhà nhưng vì túng thiếu quá ông đã bán đi. Giờ ông Nhiều đang ở nhờ trên phần đất trống cặp mé kinh khu vực 8, nếu sau này bị giải tỏa không biết ông sẽ về đâu? Ông Nhiều buồn bã nói: “Điều tôi lo lắng nhất bây giờ chính là mạng sống của Phương Đại. Nó có thể bỏ tôi đi bất cứ lúc nào. Biết rằng rất khó phục hồi, nhưng làm cha mẹ đành lòng nào thấy con chết mà không cứu. Nhưng tiền bạc giờ cũng không còn, tôi biết cứu nó bằng cách nào đây?”.

Mấy năm qua, ông Nhiều sống dựa vào sự cưu mang của bà con lối xóm, người cho tiền, người góp gạo nhưng sức người có hạn, đâu ai giúp được lâu dài. Chính quyền địa phương cũng không quên hoàn cảnh của ông, thường xuyên vận động các nhà hảo tâm để tiếp sức cùng ông trong cơn ngặt nghèo. Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Hưng Phú, cho biết: “Ông Nhiều là một người hiền lành, chí thú làm ăn nhưng chẳng may gặp chuyện xui rủi. Trong hoàn cảnh như vậy mà ông Nhiều vẫn ráng bươn chải lo cho con cái được tới ngày hôm nay là một nỗ lực phi thường. Ông đang bế tắc trước bệnh tình của đứa con trong khi bản thân tuổi cao, sức yếu, nỗi đau càng chồng chất. Chúng tôi mong có nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng để giúp ông Nhiều vượt qua bất hạnh này”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết