11/04/2015 - 16:16

Đôi nét về Đình Thần Tân An

Cùng với Đình Thần Bình Thủy (làng Long Tuyền), Đình Thần Nhơn Ái (làng Nhơn Ái), Đình Thần Tân An là một trong những mái đình cổ xưa bậc nhất ở Cần Thơ. Trải bao thăng trầm, dù nay đã không còn tồn tại, nhưng người dân Cần Thơ vẫn nhắc đến Đình Thần Tân An với bao hoài niệm cùng những huyền thoại về mái đình nằm giữa trung tâm thành phố.
Mới đây, Đình Thần Tân An được tái lập, khởi công xây dựng ở cồn Cái Khế, làm nức lòng bà con địa phương cũng như góp phần bảo tồn giá trị truyền thống của đất và người Cần Thơ.

Trải bao thăng trầm

Ngay trong lễ khởi công xây dựng, ông Mai Văn Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đình Thần Tân An đã không giấu nổi niềm xúc động khi ngôi đình được tái lập sau hơn nửa thế kỷ. Ông Hữu nói: "Đình Thần Tân An là cội nguồn, là nơi hội tụ của bà con để thắp nén hương thơm lên các bậc tiền bối, cầu mong luôn có được sức khỏe dồi dào, con cháu thành đạt, muôn đời thạnh vượng".

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Đình Thần Tân An.

Theo nhiều tư liệu cổ và trong trí nhớ của các bậc kỳ lão ở TP Cần Thơ, đình Tân An được vua Tự Đức năm thứ 29 (Bính Tý - 1876) sắc phong "Bổn cảnh Thành Hoàng" với nội dung:

"Sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng

Kỷ tính đại vương, khâm mông gia tặng Quản hậu

Chánh trực, hựu Thiên đôn nghinh chi thần".

Theo học giả Huỳnh Minh, sở dĩ năm vua Tự Đức sắc phong Đình Thần Tân An đúng vào năm thực dân Pháp thiết lập tỉnh Cần Thơ là do các vị tiền hiền trong làng "cảm xúc thời thế biến thiên, nước non đổi chủ" nên cực lực xin phong Sắc Thần cho làng.

Cho nên, mãi đến năm Canh Thìn 1880, đình mới được xây cất bằng cây lá tại Chợ Giữa (nay gần bến đò Chợ Giữa, phường Hưng Lợi), cách thị trấn Cần Thơ xưa gần 3km. Đến năm 1899, đình Tân An được dời về gần cầu Tham Tướng (gần chợ Xuân Khánh ngày nay), cất bằng gạch ngói khang trang với 8 nóc, trên phần đất do ông Nguyễn Văn Nga hiến. Từ đó, đình nổi tiếng linh thiêng, suốt ngày đêm được bà con kính viếng, khói hương nghi ngút. Đến năm 1945, Pháp chiếm Cần Thơ, ngôi đình bị giặc chiếm giữ làm kho chứa đạn. Một năm sau đó, kho đạn bị nổ, gian thờ của đình phải dời về Nhà Hội Xã Tân An. Sau đó, Nhà Hội Xã bị xuống cấp trầm trọng, Sắc Thần lại phải an vị tạm tại Quan Thánh Đế Quân (dưới dốc cầu Quang Trung ngày nay).

Đình Thần Tân An không chỉ thăng trầm có vậy. Năm 1971, xuất phát từ nguyện vọng của dân làng, việc tái lập đình Tân An được thực hiện, chủ trương xây dựng trên nền đất cuối đuôi cồn Cái Khế với diện tích 1 mẫu 33 sào (vị trí xây dựng đình Tân An hiện hữu, gần vòng xoay cồn Cái Khế). Chủ trương đã có nhưng mãi đến ngày 19-12-1973, ngôi đình mới bắt đầu được xây dựng. Đến tháng 3-1975 tiến hành thi công nền móng, dựng cột kèo thì phải ngưng lại vì thiếu kinh phí. Việc xây cất đình dang dở đến tận hôm nay…

40 năm trôi qua với bao thăng trầm, dâu bể, Đình Thần Tân An dù không còn tồn tại nhưng vẫn được bà con địa phương nhắc nhớ như một nơi thiêng liêng, che chở tâm hồn bao thế hệ dân làng Tân An xưa, nội ô Ninh Kiều ngày nay.

Huyền thoại mái đình xưa

Trải qua 135 hình thành, Đình Thần Tân An luôn được các vị cao niên và các tài liệu xưa nhắc đến với những huyền thoại về sự linh ứng của Đức Thành Hoàng bổn cảnh. Theo học giả Huỳnh Minh ghi nhận trong cuốn "Cần Thơ xưa", khi đình Tân An còn ở Chợ Giữa, quay mặt ra mặt sông Cần Thơ có cây đa rất to, lâu ngày nhánh chỉa thẳng vô đình. Tuy mưa gió sợ ngã vào đình nhưng không ai dám đốn hạ cây vì niềm tin "trong cây có thần". Mọi người đem nỗi niềm ấy kể cho ông Nguyễn Văn Nga – vị trưởng lão đã hiến đất cất đình. Ông Nga cười mà nói: "Dễ mà, để tôi liệu cho!". Sau khi ông Nga khấn vái thần linh, gốc đa tự dưng ngã về hướng khác, không ảnh hưởng đến mái đình.

Lại có một truyền thuyết đáng ghi nhận là vào năm 1944, một chiếc tàu Pháp mang tên Albert Sarraut chạy trên sông Cần Thơ, ngang qua Đình Thần, bỗng dưng bị chìm, bọn giặc chạy tán loạn. Điều đó nói lên niềm tin của nhân dân về việc linh thần, bổn cảnh đồng hành cùng bà con trong việc giữ gìn chủ quyền đất nước. Còn rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi đình này như dân làng "cầu gì được nấy", làm ăn thạnh vượng, phát đạt nhờ sự che chở, phù hộ của linh thần. Những ai phạm thượng, xúc phạm đấng tôn nghiêm đều bị quở phạt thích đáng.

Đến năm 1946, một năm sau khi Đình Thần Tân An bị Pháp dùng làm kho đạn, bỗng ngày 16-11 (âm lịch) kho đạn nổ tan tành. Mái đình tan hoang, đổ nát trong sự nghẹn lòng của dân làng. Nhưng kỳ lạ thay, Thần chủ sơn son thếp vàng thờ Thần Hoàng bổn cảnh văng xa hơn cây số nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bà con kháo nhau rằng Bổn cảnh Thành Hoàng hiển linh nên rước về Nhà Hội Tân An thờ phượng.

Một điều ngạc nhiên khác là sau bao cuộc dâu bể, Sắc Phong "Thần Hoàng Bổn cảnh" của đình vẫn còn nguyên vẹn, hiện được gửi ở đình Thới Bình (dưới dốc cầu Cái Khế). Nhiều năm qua, đình Thới Bình được bà con quen gọi là đình Thới Bình - Tân An là bởi đình thờ 2 Sắc Thần.

Từ những truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại ấy, học giả Huỳnh Minh miêu tả trong "Cần Thơ xưa": "Những ngày tế lễ tam ngươn tứ quý, đáo lệ Kỳ Yên, sự cúng tế linh đình trọng thể. Thân hào nhân sĩ trong tỉnh đều họp mặt đông đủ, cùng chung đồng bào các giới hành lễ tôn nghiêm" (trang 118).

Phối cảnh Đình Thần Tân An.

Tái lập Đình Thần Tân An

Ngày 4-4-2015, Ban Quản lý Đình Thần Tân An khởi công xây dựng đình ngay trên nền đất đã xây dựng dang dở vào thời điểm trước tháng 3-1975, trong niềm vui của bà con. Ông Mai Văn Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đình Thần Tân An, cho biết: Đình Thần Tân An là chứng tích sinh động gắn liền với sự hình thành và phát triển của TP Cần Thơ. Việc tái lập Đình thần Tân An là nguyện vọng thiết tha của cán bộ và nhân dân địa phương với mục đích bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của một di sản quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Một niềm vui khác là toàn bộ kinh phí xây dựng hơn 30 tỉ đồng đều được vận động xã hội, do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Theo thiết kế, Đình Thần Tân An được xây dựng theo kiến trúc đình Nam bộ với 7 hạng mục chính. Trong đó, tiêu biểu nhất là Đền chính với thiết kế hai nóc giao nhau, mái lợp ngói âm dương tráng men. Đỉnh mái được đắp phù điêu hình tượng "Lưỡng long chầu nguyệt"; góc mái, đầu hồi đều được đắp nổi hoa văn truyền thống. Ngoài ra, một số hạng mục khác đáng chú ý như nhà Võ ca, Cổng Tam quan, Nhà Soạn lễ, Miếu Thần, Nhà Ấp… Tất cả các bài vị, hệ thống cửa đi, bao lam, hoành phi, liễn đối trong đình đều được làm bằng danh mộc, chạm trổ hoa văn thuần Việt: Mai – Lan – Cúc – Trúc, linh vật: Rồng, Giao… Bộ liễn đối giữa các cột của chánh điện cũng được chạm khắc bằng gỗ với đôi câu đối: "Mưa thuận gió hòa – Quốc thái dân an". Với tổng diện tích khu đất trên 6.000m2, công trình Đình Thần Tân An được bố trí hài hòa giữa kiến trúc đình miếu và không gian xanh, tạo tổng thể hài hòa cho mái đình truyền thống giữa lòng thành phố. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho rằng, việc tái lập Đình Thần Tân An ngoài ý nghĩa nhân văn, tạo bề dày truyền thống, văn hóa người dân thành phố còn có tác động tốt đến du lịch văn hóa tâm linh của Cần Thơ.

* * *

Lần giở cuốn sách xưa "Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca" của học giả Nguyễn Liên Phong, do Phát Toán ấn hành năm 1909 tại Sài Gòn, trong đoạn miêu tả về kỳ quan, cảnh đẹp, di tích ở đất Cần Thơ, ông đã miêu tả Đình Thần Tân An bằng những lời lẽ hoa mỹ:

"Lúa nhiều thì bạc đầy nhà

Thiên thời địa lợi đặng và hai bên

Miễu thần cách mới sửa nên

Tại Tân An xã dưới trên một tòa"

Thế mới biết, trải qua hơn thế kỷ, mái đình Tân An luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức của người Cần Thơ. Vì vậy, chủ trương cho tái lập và xây dựng Đình Thần Tân An thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đất và người Cần Thơ.

Đăng Huỳnh


Tài liệu tham khảo

- Cần Thơ xưa, Huỳnh Minh, NXB Thanh Niên, 2001.

- Tài liệu do ông Mai Văn Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đình Thần Tân An, cung cấp.

Chia sẻ bài viết