12/04/2017 - 21:58

Đổi mới tư duy lãnh đạo, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển

Bài, ảnh: Khánh Trung

Ngày 12-4, UBND TP Cần Thơ chủ trì phối hợp các bên liên quan tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên năm 2017 với chủ đề "Giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030". Tại hội thảo này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tạo "đột phá" cho phát triển kinh tế của thành phố.

Còn nhiều điểm nghẽn

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Tân Cảng Thốt Nốt ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Theo Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 13,98%/năm. Năm 2016, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 58,15%, công nghiệp 32,53% và khu vực nông nghiệp chiếm 9,32% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Thành phố hiện có 8 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 2.260 ha. Quá trình công nghiệp hóa đã làm chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế-xã hội của thành phố; doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo năng suất lao động xã hội cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người từ 656 USD vào năm 2005 đến nay ở mức hơn 3.630 USD/người/năm, tăng hơn 5,5 lần. Cần Thơ đã cơ bản trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL…

Ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: "Sau 10 năm thực hiện Nghị Quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực trong phát kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Thành phố chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về thương mại dịch vụ và du lịch cũng như chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn để đầu tư đúng mức. Nông nghiệp đang được xây dựng theo hướng sản xuất lớn, công nghệ cao nhưng xuất khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn…".

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư còn ngại đến với Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL vì điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống dịch vụ và logistics chưa tốt. ĐBSCL còn thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, giá thuê đất cao so các tỉnh trong vùng và có vị trí cách xa TP Hồ Chí Minh so với một số tỉnh như: Long An, Tiền Giang… nên cũng ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Cần Thơ đã cải thiện nhiều so với trước đây. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, Cần Thơ xếp 11/63 tỉnh, thành phố được xem là tốt nhất trong 10 năm qua và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) lần đầu tiên đạt 39,57 điểm, đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, TP Cần Thơ còn gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Tính đến cuối năm 2016, Cần Thơ thu hút 68 dự án với tổng vốn đăng ký 618 triệu USD, đứng sau nhiều tỉnh trong vùng như: Long An, Tiền Giang và Trà Vinh". Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ chưa tạo được sự khác biệt lớn và chưa có điểm nổi bật so với các tỉnh trong vùng. Do đó, chưa tạo được sức hút đối với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.

Cần sự năng động, sáng tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, Cần Thơ phải tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành đô thị hạt nhân, xứng tầm trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Để tạo "đột phá" trong phát triển, thành phố phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đầu tư đúng mức cho khoa học, công nghệ cũng như khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, thành phố cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về cơ chế, đảm bảo khai thác, phát huy tất cả các nguồn lực đầu tư. Các cấp chính quyền cần phải đổi mới tư duy lãnh đạo theo hướng phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh và thị trường thông thoáng, công bằng và thuận lợi cho các thành phần kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế thường niên 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh, đây là lần thứ nhất UBND TP Cần Thơ tổ chức diễn đàn, đánh dấu mạnh mẽ sự quan tâm của chính quyền thành phố trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin và các ý kiến khác nhau nhằm nhận diện rõ thực trạng phát triển kinh tế của thành phố. Nhận diện “nút thắt” còn gặp phải để có giải pháp phù hợp tháo gỡ kịp thời, thúc đẩy phát triển Cần Thơ xứng tầm với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL. Qua ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn cho thấy có rất nhiều vấn đề mà thành phố cần giải quyết: nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cạnh tranh bình đẳng…Tất cả các ý kiến của đại biểu được ban tổ chức ghi nhận, báo cáo Thường trực UBND và Thành ủy. Ông Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Viện Kinh tế - xã hội thành phố phối hợp các sở ngành và đơn vị liên quan, kịp thời nghiên cứu, tham mưu cho thành phố các giải pháp để thực hiện tốt nhất các kiến nghị của đại biểu.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Để tạo đột phát cho phát triển, TP Cần Thơ cần quan tâm tìm kiếm các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các nhà đầu tư quốc tế có năng lực để đầu tư phát triển mạnh vào các lĩnh vực mà thành phố đang cần như: logistics, mở các đường bay quốc tế…". Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ, thậm chí không phải là ưu đãi thuế, ưu đãi tiếp cận đất đai… mà phải tạo cho nhà đầu tư cảm giác an toàn trong đầu tư, tạo sự kết nối nhanh hơn, chia sẻ và thân thiện hơn… Cần Thơ cần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh và thị trường hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với thành phố. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng: "Cần Thơ cần có các giải pháp và chính sách để tạo thị trường cạnh tranh hấp dẫn và công bằng cho doanh nghiệp. Nếu Cần Thơ làm được điều này sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp chứ không cần phải giảm thuế hay giảm giá thuê đất".

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, thời gian để Cần Thơ thực hiện mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 không còn nhiều. Việc lựa chọn ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển, gắn với các sản phẩm có giá trị tăng cao, hướng đến xuất khẩu, trên cơ sở so sánh lợi thế cạnh tranh của địa phương là rất cấp thiết. Cần Thơ cần nghiên cứu phát triển sản xuất xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm mới ngoài các sản phẩm chủ lực là gạo và thủy sản. Là đô thị hạt nhân, Cần Thơ phải tính đến việc làm "căn cứ hậu cần" cho các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tại ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết