Là trường công lập, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (CEA) có điều kiện thuận lợi đầu tư nguồn lực phục vụ dạy và học. Năm học 2013-2014, trường tập trung đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội...
* Nhiều nét mới trong tuyển sinh
|
Chuyên gia Hà Lan hướng dẫn giảng viên của CEA trồng rau an toàn (Ảnh do trường cung cấp). |
Kỳ tuyển sinh năm 2013, CEA tuyển hơn 1.800 học sinh, sinh viên (HSSV) các ngành cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Trong đó, ở bậc cao đẳng kỹ thuật, trường tuyển 500 sinh viên cho 5 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ Chế biến thủy sản, Chăn nuôi (Chăn nuôi và dịch vụ thú y), Kế toán (Kế toán doanh nghiệp); bậc CĐ liên thông, trường tuyển 300 sinh viên; CĐ nghề tuyển 200 sinh viên. Bậc trung cấp, trường tuyển 850 học sinh. Đối với các ngành đào tạo cao đẳng kỹ thuật, trường xét tuyển dựa vào kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 của thí sinh dự thi các khối A, A1, B, D1, có tổng điểm thi từ bằng điểm sàn trở lên. Các ngành bậc cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trường xét hồ sơ từ điểm thi đại học, cao đẳng, điểm tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ THPT. Các ngành trung cấp nghề, trường xét tuyển hồ sơ theo bằng tốt nghiệp THCS hoặc học bạ THPT.
Theo Thạc sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo CEA, năm nay, trường đào tạo thêm ngành mới là Bảo trì và Sửa chữa ô tô bậc trung cấp chuyên nghiệp, bởi ngành này vốn là thế mạnh của trường và xã hội đang có nhu cầu. Ông Tuấn cho biết: "Để thu hút thí sinh, ngoài các điều kiện xét tuyển chung, ở bậc cao đẳng kỹ thuật, trường áp dụng chính sách ưu tiên đối với học sinh ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ (tuyển thấp hơn điểm sàn 1 điểm); tổ chức bồi dưỡng văn hóa từ 3-6 tháng, trước khi nhập khóa học chính thức...". Hiện nay, CEA nhận hơn 180 hồ sơ thí sinh dự tuyển nguyện vọng 2 vào các ngành cao đẳng và tiếp tục nhận hồ sơ đến hết ngày 30-10-2013.
* Tập trung nâng cao chất lượng
Có bề dày hơn 40 năm phát triển nên CEA đủ tự tin khẳng định nguồn lực. Mức học phí của CEA tương đối phù hợp với điều kiện học sinh ĐBSCL. Đối với bậc cao đẳng, tùy ngành học mà mức học phí dao động từ 1,35 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng (riêng bậc liên thông trung cấp lên cao đẳng, vừa làm vừa học có mức học phí 2 triệu đồng); cao đẳng nghề từ 1,3 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Bậc trung cấp chuyên nghiệp dao động từ 1,25 triệu đồng đến 1,35 triệu đồng (riêng bậc liên thông trung cấp nghề lên trung cấp chuyên nghiệp, vừa làm vừa học có mức học phí 1,75 triệu đồng); trung cấp nghề từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng. Đó là quy định học phí chung, nhưng những HSSV theo học tại các trung tâm liên kết với trường sẽ được miễn giảm một phần học phí. Thạc sĩ Lương Văn Đài, Phó Hiệu trưởng CEA, cho biết: "Để tạo điều kiện cho thí sinh theo học tại trường, trường thực hiện nhiều chính sách học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên (HSSV) hoàn cảnh khó khăn, học tốt; vào ký túc xá 500 chỗ của trường với chi phí thấp (bình quân 50.000 đồng/người). Không chỉ thế, trường còn đẩy mạnh hoạt động giao lưu với các đơn vị, doanh nghiệp, thông qua hội thảo, hội nghị việc làm, ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị sử dụng lao động; tăng cường đưa học sinh, sinh viên đến các cơ sở sản xuất thực hành, thực tập... Qua đó vừa giúp nhà trường cập nhật những điểm mới trong sản xuất, kinh doanh vào nội dung, chương trình đào tạo và tạo điều kiện cho các em tìm việc làm phù hợp". Qua thống kê của trường, tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 75%.
Đi đôi các hoạt động thu hút thí sinh, trường tập trung đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, con người phục vụ dạy và học. Năm học 2012-2013, trường đã đầu tư khoảng 3,4 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị thực hành, thực tập cho các khoa, xưởng thực hành. Ngoài ra, Tổ chức KWT (Hà Lan) viện trợ thiết bị thực hành phục vụ cho các ngành lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt... với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Sắp tới, trường sẽ khởi công xây dựng Xưởng tiện ở khu B của trường, kinh phí khoảng 4 tỉ đồng. Theo Thạc sĩ Lương Văn Đài, đội ngũ giáo viên có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ sở đào tạo. Những năm qua, trường đã tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, trường có 128 cán bộ giảng dạy, trong đó, có 1 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 51 thạc sĩ. Với nguồn lực này, trường đảm bảo phục vụ dạy và học trên 4.000 HSSV.
Ông Đài nhấn mạnh: "Năm học 2013-2014, trường sẽ thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ ở 5 ngành cao đẳng. Để chuẩn bị cho sự chuyển đổi này, trường cử cán bộ giảng dạy trực tiếp đến các doanh nghiệp thực hành trên máy móc; mời chuyên gia Hà Lan đến trường hướng dẫn trực tiếp giảng viên kỹ năng thực hành trên máy tiện CNC... Đồng thời, tập trung đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình đào tạo phù hợp tình hình thực tế địa phương; chú trọng chuyển quá trình đào tạo thành tự đào tạo, giúp HSSV tiếp cận và thích ứng nhanh yêu cầu doanh nghiệp".
B.Kiên