18/08/2018 - 16:34

Đôi điều về cuốn “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” 

ĐĂNG HUỲNH

“Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” là tác phẩm thể loại địa dư của tác giả Duy Minh Thị, xuất bản vào năm 1872. Mới đây, cuốn sách được nhà sưu tầm Trần Thành Trung (Vĩnh Long) giới thiệu với nguyên tác bản dịch của Thượng Tân Thị và lời dẫn của Hồ Biểu Chánh. Xoay quanh cuốn sách này có đôi điều thú vị.

* Tư liệu quý về Nam kỳ lục tỉnh

Trước hết, xin nói sơ qua về tác giả Duy Minh Thị. Ông là người gốc huyện Duy Minh, tỉnh Vĩnh Long (xưa, nay thuộc tỉnh Bến Tre). Lớn lên, ông đi học ở Gia Định, tại xóm Dầu nên khi viết ông có lấy bút danh nữa là Phụng Du Lý (tức người xóm Dầu Phụng). Nhà sưu tầm Trần Thành Trung cho biết, Duy Minh Thị từng học Trường Thông ngôn rồi được bổ làm Kinh lịch ở Chợ Lớn. Ngoài công việc của một viên quan hành chánh, Duy Minh Thị còn dành nhiều tâm sức cho việc sưu tầm, viết lách, với nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có cuốn “Nam kỳ địa dư chí”.

Bìa sách “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí”. Ảnh: DUY KHÔI

Về cuốn sách này, học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Bên lề sách cũ” cho biết, Duy Minh Thị dựa theo bộ “Gia Định thành thông chí” của Cấn Trai - Trịnh Hoài Đức mà viết nhưng có thu bớt lại. Tới năm 1944: “Lúc bỉnh bút tờ Đại Việt tập chí là Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh, lấy bộ sách chữ Nôm Duy Minh Thị giao cho Phan Quốc Quang tự Thượng Tân Thị phiên âm ra chữ quốc ngữ. Đó là quyển “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” dày 105 trang, khổ 13x18, nay không thấy bán”- học giả Vương Hồng Sển thuật lại.

Nói về quyết định chuyển ngữ bộ sách này, nhà văn Hồ Biểu Chánh kể rằng, đó là bộ sách mà tổ tiên để lại cho ông. Quyển sách địa dư này tuy soạn sau khi Nam kỳ đã thành Pháp thuộc nhưng “biên đủ những núi sông, vườn ruộng, thổ sản công nghệ, cổ tích, có chỉ đường sá của tổ tiên ta hồi xưa”. Bởi những điều quý báu ấy mà cụ Hồ Biểu Chánh đã cậy nhờ cụ Thượng Tân Thị dịch quyển này ra quốc văn.

Nội dung sách được biên mục có phần giống với “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, nghĩa là chia theo từng tỉnh rồi mô tả khái quát về địa lý, sông ngòi, thổ trạch, phong tục tập quán… Nhà sưu tầm Trần Thành Trung nhận định: Ngoài giá trị tư liệu, có thể nói, “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” là tác phẩm dư địa chí Nam kỳ đầu tiên trong buổi đầu thiết lập sự cai trị của thực dân Pháp trên vùng đất này.

Về hành chính, sách phân chia làm 6 tỉnh (Lục tỉnh Nam kỳ): Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên với 18 phủ, 43 huyện. Phần quan trọng trong tác phẩm, tác giả ghi chép về địa danh sông ngòi, kinh rạch, núi non, cù lao với những câu chuyện, cách lý giải rất thú vị. Ví dụ như khi nói về địa danh Đồng Nai, tác giả viết: “Tiếng Nôm là Đồng- Nai, tiếng chữ là Lộc- giã (lý ra phải là dã- tức cánh đồng- NV) lại kêu là Lộc- động. Hoặc tóm cả đất Gia- Định mà gọi là Đồng- Nai, là bởi ban sơ khai thác đất Gia- Định bắt đầu từ Đồng- Nai, cho nên nhắc cả gốc, gồm đến cái ngọn, mới tóm xưng là Đồng- Nai…”. Hay như khi kể về sông Đôi Ma (tên chữ Song Ma Giang), tác giả kể chuyện tình bi ai của đôi trai gái thương nhau mà bị cha mẹ ngăn cấm. Đêm đến, họ rủ nhau lội sông bỏ trốn không ngờ chết đuối giữa dòng mà vẫn ôm chặt lấy nhau. Cha mẹ cảm thương cho họ chôn chung một nấm mồ.

* Học giả Vương Hồng Sển “chỉnh”!

Có thể nói, cuốn “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức về vùng đất này. Tuy nhiên, học giả Vương Hồng Sển đã đọc và phát hiện bản dịch của Thượng Tân Thị có nhiều sai lầm khiến cụ “tá hỏa tam tinh”.

Theo lời cụ Vương trong cuốn “Bên lề sách cũ”, cụ mua cuốn “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí” vào năm 1978 tại chợ trời đường Cá Hấp. Cụ kể khá hài hước về khoảnh khắc cầm sách trên tay: “Cuốn sách cũ như cô gái hàng xóm. Cưới được về mới tá hỏa tam tinh!”. Điển hình như ở phần tỉnh Biên Hòa, Thượng Tân Thị dịch lại nguyên tác Duy Minh Thị: “Sông Thủy Bột (nay làm tòa Tham Biện Thủ Dầu Một): ở tột về hướng Tây Bắc tỉnh lỵ. Nguồn phát ra từ chầm Đồng Nhai, chuyển bẻ ngọn qua phía Đông, trải qua đầu ranh Gia Định rồi đến sông Tân Bình”. Theo cụ Vương Hồng Sển, đúng ra phải là “Thủy Vọt” và lý giải Thủy Vọt là ngọn nguồn của con sông Sài Gòn: “Thủy Vọt ở tận vùng Mên- Mọi độ chừng nơi ba ranh giới của Việt- Miên- Lào”. Cụ viết thêm: “Tôi từng nghe hai chữ Thủy Vọt nên khi nghe Thủy Bột, Băng Bột khiến chướng tai không chịu được”.

Một sai sót khác mà với cụ Vương Hồng Sển cũng “động trời” không kém là địa danh Gò Vấp. Thượng Tân Thị theo mặt chữ in mà dịch là đầm “Gò Bôi” và sông “Lão Đuôn” với lời giải thích “bôi là vui”. Vì không tin ở đất Gia Định có gò nào tên gọi Gò Bôi nên cụ Vương cố công đi tìm và khi tra đến cuốn “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Của mới hay đó là Gò Vắp (vì Bôi và Vắp trong chữ Nôm viết gần giống nhau). Thêm nữa, sông là Lão Đống chứ không có Lão Đuôn nào cả!

Những phần “chỉnh” của cụ Vương Hồng Sển rất chí lý dù tự cụ nhận thấy là: “Từng làm tôi nơi trường Viễn Đông Bác Cổ, gặp mẹ chồng khó tánh, ít nữa tôi cũng học được tánh ham xét nét dò trước xem sau”. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm cho cụ Thượng Tân Thị vì quá trình chuyển từ chữ Nôm qua chữ quốc ngữ không dễ do nhiều chữ đồng âm, đồng dạng… Chính trong bản dịch, cụ Thượng Tân Thị cũng than vãn rằng: “Vì chữ Nôm, mỗi người Nôm mỗi khác, ít có giống nhau, nên có chữ đọc chạy, có chữ đọc không chạy, nghĩ muốn loạn trí mà cũng không ra”. Là người chủ trương cho dịch sách “Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí”, cụ Hồ Biểu Chánh cũng thận trọng mà rằng: “Ước mong bực cao minh vui lòng khảo cứu mà bổ khuyết giùm cho quyển sách nầy, hoặc soạn thành một bộ Nam kỳ địa dư khác tinh tế hoàn toàn, để làm cơ sở cho sử ký”. 

Tài liệu tham khảo:

- “Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí”- Duy Minh Thị- Thượng Tân Thị (dịch), Hồ Biểu Chánh (lời dẫn), Trần Thành Trung (bổ chú)- NXB Thuận Hóa, 2018.

- “Bên lề sách cũ”- Vương Hồng Sển- NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2013.

Chia sẻ bài viết