18/04/2021 - 11:51

Đôi bông tai 

Truyện ngắn: Nghiêm Quốc Thanh

Chị và anh đưa con về lần này theo lời nhắn gấp của cậu. Việc cậu đột ngột gấp gáp muốn gặp khiến chị không giấu được hoang mang. Nhưng tôi tin, anh sẽ dắt tay chị bước ra khỏi khoảng khuất đó. Sau ngày để mẹ chị, tức là mợ của tôi, phải đi khỏi nhà mà chỉ được lận theo đôi bông cưới, tôi không được tường tận cuộc sống của cậu, dù nhà tôi chỉ cách nhà cậu một con sông. Chị được ba mẹ tôi nuôi lớn và rất nhiều lần chị gục khóc trên vai tôi suốt thuở thiếu thời. Mọi chuyện chỉ thay đổi từ khi chị gặp anh. Anh dù không cùng chị lớn lên bên con sông chảy quanh ngọn núi này, nhưng anh đến đây làm ăn, gặp gỡ, nên duyên và đưa chị về đồng bằng sinh sống. Suốt từ lúc quen nhau, cưới nhau và có con, anh luôn thúc giục chị nối lại mối quan hệ với cậu, cũng như đi tìm mẹ của chị.

Bao nhiêu tuổi là ngần ấy năm chị chưa từng được áp tai mình vào ngực mẹ, áp thật sát để nghe hơi thở và mùi gió sương trên tấm áo. Mẹ tôi kể trước khi mợ rời khỏi nhà, đã ôm chầm chị khi ấy còn sơ sinh mà khóc nghẹn. Khi đã làm mẹ, chị mới hiểu phần nào cảm giác nghèn nghẹn nơi đáy lòng của mẹ chị khi đó.

Chị nghe tiếng con khóc, bật dậy chạy vào nhà, bỏ tôi ngồi một mình bên bờ sông heo hút gió. Trẻ con bị bỏ quên chỉ chốc lát thôi đã tủi lắm, huống hồ chị phải sống trong mù mờ với câu hỏi vì sao cha mẹ bỏ rơi chị suốt ngần ấy năm, dù nhà cha của chị ở ngay bên kia sông...

*

* *

Lần đầu tôi gặp anh vào ngày anh đến dạm hỏi chị, anh đùa: “Cưng giành ăn với chị lắm sao mà bự con dữ!”. Chẳng bù với dáng người nhỏ nhắn của chị. Chị cười. Nụ cười của chị hôm đó khiến tôi ngỡ ngàng nhận ra tôi chưa từng thấy chị cười rạng rỡ từ tận đáy lòng như vậy. Chị lấy chồng đi xa, ít khi về thăm nhà, nên tôi thường viện cớ ghé nhà vợ chồng chị. Anh đã xuất hiện đúng lúc và lấp đầy khoảng trống về một gia đình trọn vẹn mà chị từng mất mát. Anh vẫn xuôi ngược về chốn cũ, gặp cậu tôi, để hàn gắn những câu chuyện đầy tổn thương đang bị lãng quên để bù đắp cho chị.

Có lần anh gọi cho tôi, nói chị buồn lắm. Dạy hết tiết rồi đóng cửa nhốt mình trong phòng, quên chuyện ăn uống. Anh hỏi gì, chị cũng ỉu xìu. Anh nói nhiều khi gặp mấy chuyện buồn, lẽ ra chị được nghiêng đầu lên vai mẹ để kể mới phải. Nhưng trong lòng chị và cả trong lòng của mẹ tôi nữa, mẹ là mẹ của riêng tôi, còn mẹ chị đã bị tước mất vai trò thiêng liêng ấy từ khi chị chưa dứt sữa. Tôi biết, mẹ tôi - cô ruột của chị, dù rất thương chị, nhưng cũng không tránh khỏi những sai lầm vụn vặt của con người, nhất là những khi trong nhà túng thiếu. Những chuyện dù nhỏ thôi, tích tụ lâu ngày khiến chị tủi thân và tạo nên khoảng cách vô hình. Mấy lần chị tìm cách chạy trốn vì chưa phải lòng ai mà phải nghe mẹ tôi thúc giục chuyện cưới xin. Tôi cũng thường mơ thấy cánh đồng vô tận bàng bạc gió đưa bóng chị phiêu diêu. Sáng đi học về, chiều chị đi mót lúa. Ngày chị theo anh về xứ xa, tôi nhìn theo bóng tàu, con tàu cứ trôi miết về cuối chân trời.

*

* *

Chiều. Anh kêu chị gửi cháu cho mẹ tôi rồi bơi xuồng đưa chị qua sông. Nói là sẽ cho chị một bất ngờ. Chị sẽ được gặp một người rất quan trọng.

Cậu nằm đó, trên chiếc giường, tiều tụy vì nhiều năm vật lộn với cơn đau phổi. Cậu gắng gượng chờ chị và chờ thêm một người quan trọng nữa. Cách mấy sải tay chèo, nhưng mẹ chị, người phụ nữ yếu đuối, không đủ sức quay lại bến cũ. Tôi cũng như chị, không dám đưa ra những lý lẽ để buộc tội bà. Bởi chính những định kiến đã dựng lên lớp rào cản những người phụ nữ luôn mặc cảm nghèo khó như bà. Ngày lại ngày bà chỉ biết rong ruổi đẩy xe rau cải đi bán, rồi về vườn sống một mình hiu quạnh.

Câu chuyện đó được anh kể lại sau khi la cà đầu trên cuối xóm. Mẹ chị sống chưa hề làm mất lòng ai, bán mua thiệt thà. Hồi học cấp một, chúng tôi phải giang đò qua sông, đi một đoạn đến trường, người lớn không ai cho phép chị đi ngang xóm này - nơi có mẹ chị sinh sống, và biểu tôi theo chị đi vòng đường đầu vàm qua đò dưới. Chị không hề thắc mắc gì mà cứ lầm lũi bước; dù chị từng thèm được mẹ đón tận lớp học, thèm cái vuốt ve mơn trớn trên tóc…

Bây giờ, sau khi gặp cậu, anh đưa chị đến ngôi nhà lá càng tuềnh toàng hơn sau một trận mưa bởi ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Chị ôm mẹ rưng rức khóc. “Ðôi bông tai ba đeo cho mẹ ngày cưới, mẹ cất kỹ chờ ngày con theo chồng sẽ gởi nó cho con. Tận đáy lòng, mẹ không muốn đời con phải như mẹ… Ông ngoại nghèo gả mẹ đi, loay hoay đã phải rước về. Ba con vì nghe lời ông bà nội mà cắn răng rứt con rời tay mẹ. Năm con xuống tỉnh học, mẹ trông đứng trông ngồi, muốn đi tìm thăm mấy bận nhưng ông ngoại con bệnh liệt giường. Biết con có nơi có chỗ vầy, ông ngoại mừng cho con lắm”, bà nói mà quay ra hướng con sông đang vỗ về những lọn sóng chiều.

Vậy là đã rõ. Mọi người bàn nhau giao chị cho mẹ tôi nuôi để cậu tiện đi thêm bước nữa, hòng kiếm đứa con trai. Mẹ chị ngước nhìn anh, anh vẫn đứng sau lưng chị, rất lâu. Ðôi vai anh rộng, đủ để chị tựa vào vịn lấy. Trước sau gì chị cũng trở về đúng chỗ của mình. “Không biết thứ tha, chính mình cũng nếm phải trái đắng”, chị nói với tôi như thế khi trở lại nhà gặp cậu.

*

* *

Anh ngồi bồng con nhìn chị lau ấm, thay áo cho cậu. Mẹ chị ngồi mép ngoài giường, nhìn quanh căn nhà để bớt lúng túng. Gian lớn của căn nhà được bày thêm một ít vật dụng hiện đại. Hai bên vách, mỗi bên treo một tấm hình cưới to đùng. Tấm bên trái là hình chị mặc áo cưới màu hồng, đôi mắt sâu thăm thẳm hệt như bà hồi trẻ. Tấm hình bên phải khiến bà thở một hơi dày lên lồng ngực rồi lại nhìn cậu. Mắt cậu ngân ngấn nước. “Vợ sau cũng sanh cho tôi một đứa con gái. Nó tên Du, cũng có chồng rồi. Lúc trẻ, tôi nghe theo lời ông bà già để bà phải xa con. Nay có mặt con, tôi xin bà…”.

Tiếng đám trẻ trong xóm lao xao ngoài sân. Tôi ngóng ra thấy Du ríu chân giữa bầy con nít, có tiếng trong xóm với theo: “Du về chơi đó hả con?”, “Chồng bây đâu sao không thấy về chung?”… Dăm câu ấy như khiến những bước chân nhanh hơn, mặt căng ra những sợi gân còn nong nóng đỏ, mũi bàn chân chưa lọt cửa nhà đã duỗi thẳng quẳng đôi giày cao gót văng ra trên sàn nhà nghe đôm đốp. Ðuôi mắt cậu nhíu lại, thở từng nhịp khó khăn. Du ngó quanh không biết mình sẽ ngã được vào ai rồi quỵ xuống giữa nhà ôm mặt òa lên khóc. Chị bước gần tới, xoa vai Du. “Chị, em về ở luôn… Em không tiếp tục được, không chịu được nữa chị ơi...”. Du níu lấy chị, rồi tức tưởi đứng phắt dậy gỡ đôi bông tai vứt xuống đất. Ðó là món đồ duy nhất Du chỉ được mang theo khi quyết định ra khỏi nhà sau một thời gian má chồng Du khắt khe, hằn học, nghi ngờ khả năng sanh đẻ của đứa con dâu.

Trên nhà, tôi nghe cậu ho sồng sộc từng cơn. Mặt trời lên cao, nắng vòi vọi đeo trên đọt tre già rồi rong đi mất.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đôi bông tai