11/08/2020 - 15:26

Độc đáo “chợ tràm” trên vùng đất cuối trời Tổ quốc

Tràm là loại cây đặc trưng bao đời nay đã gắn liền với đời sống người dân vùng rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau). Hiện loại cây truyền thống này mang lại giá trị kinh tế tương đối cao, giúp người dân sống dưới tán rừng có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Xuất phát từ nhu cầu trao đổi, mua bán tràm ngày càng tăng cao mà hình thành khu vực tập kết tràm trong đất rừng U Minh Hạ. Ở đó, thương lái khắp nơi đổ về trao đổi, mua bán khá nhộn nhịp để tạo nên một chợ tràm độc đáo trên vùng đất cuối trời Tổ quốc.

Nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán tràm nhộn nhịp nhất tại rừng U Minh Hạ nằm dọc theo tuyến lộ Cà Mau - U Minh, đoạn hai bên đầu kênh Khai Hoang (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Nơi đây được mệnh danh là “chợ tràm” của Cà Mau.

Do thuận tiện vận chuyển cả đường bộ và đường thủy nên “chợ tràm” ở vùng rừng U Minh Hạ hằng ngày được thương lái khắp nơi về “lấy hàng”. Không chỉ thương lái các tỉnh lân cận mà cả thương lái ở TP Hồ Chí Minh cũng về mua bán.

Tràm được các thương lái địa phương mua mão của các chủ rừng với giá từ khoảng 100-150 triệu/ha. Sau đó, họ khai thác và vận chuyển ra “chợ tràm” để phân loại thành các loại cừ dùng trong xây dựng.

Người dân nơi đây phân cừ tràm thành 3 loại phổ biến là 3, 4 và 5. Cừ 5 lớn nhất với đường kính gốc trên 8cm và có chiều dài 4,7m; cừ 4 là 3,7m và loại 3 là 2,7m.

Ven hai bên đầu kênh Khai Hoang luôn có những đống tràm lớn được phân loại sẵn chờ đơn đặt hàng. Giá cừ tại “chợ tràm” trong khoảng từ 30.000-37.000 đồng/cây, tùy loại và số lượng mua.

“Chợ tràm” tại vùng rừng U Minh Hạ hoạt động quanh năm. Hằng ngày, hoạt động mua bán diễn ra khá sôi nổi. 

Thời gian qua “chợ tràm” đã giúp nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương có thêm việc làm. Công việc năng nhọc nên đa số là đàn ông tham gia và mỗi ngày họ kiếm được 200.000-300.000 đồng.

Ngoài ra, một số người dân địa phương cũng đến đây mua lại phụ phẩm về hầm than. Đây cũng là nghề kiếm sống của nhiều gia đình và “chợ tràm” là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho họ.

Trước đây, cây tràm có giá trị rất thấp, nhiều người đã phá bỏ rừng tràm trồng keo lai. Tuy nhiên, giá trị cây tràm đang ngày càng tăng và họ dần trồng lại cây tràm truyền thống.

Trước đây, cây tràm có giá trị rất thấp, nhiều người đã phá bỏ rừng tràm trồng keo lai. Tuy nhiên, giá trị cây tràm đang ngày càng tăng và họ dần trồng lại cây tràm truyền thống. Đặc biệt, với phương pháp trồng thâm canh cho năng suất cao cùng đầu ra cây tràm thuận lợi đã giúp người dân đất rừng U Minh Hạ có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết