08/01/2019 - 10:07

Doanh nghiệp nêu 9 nhóm vấn đề đến lãnh đạo thành phố 

(CTO)-Thành phố Cần Thơ có hơn 11.000  doanh nghiệp (DN) được khai sinh, nhưng chỉ có 7.856 DN hoạt động. Song, Cục thuế báo cáo trong số DN hoạt động có tới 2.234 DN báo lỗ trong năm 2018.

 

Tọa đàm đối thoại giữa chính quyền thành phố và DN sáng 8-1.

Tọa đàm đối thoại giữa chính quyền thành phố và DN sáng 8-1.

Sáng ngày 8-1, tại buổi đối thoại với khoảng 60 DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống nhiều lần hỏi các DN: Chính quyền thành phố muốn biết vì sao DN bị lỗ và thành phố cần làm gì để DN hoạt động hiệu quả hơn. Chính quyền cần làm gì để các DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ Tăng Quang Anh, trước khi diễn ra đối thoại, trung tâm đã khảo sát trực tiếp 16 DN trên địa bàn và tổng hợp ra 9 nhóm vấn đề lớn mà DN muốn kiến nghị. Cụ thể là về: vốn; nguồn nguyên liệu; lao động; đất đai, tài nguyên và môi trường; thuế; thủ tục hải quan; thủ tục hành chính, luật; giao thông vận tải; cơ sở hạ tầng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại tọa đàm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại tọa đàm.

Mở đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định tăng trưởng kinh tế của thành phố thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của DN. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và đã ký kết thỏa thuận với 19 nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư dự án tại thành phố, với tổng vốn dầu tư dự kiến khoảng 85 ngàn tỉ đồng. Đến nay, đã có 5 dự án được phê duyệt, vốn khoảng 16.792 tỉ đồng, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc đồng hành cùng nhà đầu tư và kịp thời gỡ khó cho DN. Thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ, lấy DN làm động lực kiến tạo, thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khi đến thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống tại tọa đàm.

Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống tại tọa đàm.

Chủ tịch thành phố Võ Thành Thống, cho biết trước khi diễn ra cuộc đối thoại, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát DN và có phản hồi từ phía DN, một số ý kiến của DN được các sở, ngành trả lời. Tuy nhiên, hiện còn 7 nhóm vấn đề mà các sở, ngành chưa trả lời. Do đó, lãnh đạo các sở, ngành phải trả lời ngay cho DN. Những thông tin mà DN phản ánh lần này rất cụ thể và khi chúng ta xử lý được những vướng mắc mà DN đang gặp phải sẽ giảm tải nhiều việc.

Chủ tịch thành phố khẳng định, cuộc gặp gỡ này rất quý cho cả chính quyền và DN. Lãnh đạo thành phố có thể nắm bắt thông tin hoạt động, hiểu được khó khăn của DN để tháo gỡ và DN có thể gặp trực tiếp các sở, ngành có liên quan để phản ánh những khó khăn của mình. Do đó, chính quyền thành phố muốn lắng nghe ý kiến của DN về những khó khăn mà trong phạm vi giải quyết của chính quyền. Thành phố có hơn 11 ngàn DN được khai sinh, nhưng chỉ có 7.856 DN hoạt động. Song, Cục thuế báo cáo trong số DN hoạt động có tới 2.234 DN báo lỗ trong năm 2018. Chính quyền thành phố muốn biết vì sao DN bị lỗ và thành phố cần làm gì để DN hoạt động hiệu quả hơn. Vì nếu số DN lỗ này hoạt động hiệu quả sẽ giải quyết được nhiều việc làm.

Chủ tịch thành phố cho rằng, nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Đó là cơ hội cũng là thách thức cho DN. Vấn đề đặt ra là để ổn định sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cho DN thì chính quyền thành phố cần phải làm gì cho DN để giải quyết vấn đề này.

Trong phần đối thoại, đại diện Victoria Cần Thơ phản ánh tình trạng rác thải ở một số điểm du lịch trên địa bàn đã vô tình làm xấu đi hình ảnh du lịch của thành phố.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, phản ánh: DN Việt Nam ngày càng teo tóp trong hoạt động, do cạnh tranh kém. DN ngành dệt may cũng đang bị tình trạng này. Nhiều đơn hàng gia công do phía DN Trung Quốc chào giá thấp hơn, nên May Meko vuột nhiều hợp đồng. Đây là vấn đề thuộc về năng lực cạnh tranh của DN. Còn vấn đề mà thành phố có thể làm cho DN đó là xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở KCN. DN chúng tôi bị ảnh hưởng bởi bụi than từ một DN trong KCN, đề nghị thành phố có giải pháp khắc phục.

Những vấn đề mà DN đặt ra, Chủ tịch thành phố Võ Thành Thống yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ giải quyết cho DN và thời hạn giải quyết phải sớm.

Cũng tại đối thoại, một số DN ngành chế biến trứng vịt muối, trái cây, rau quả... phản ánh khó khăn về rác thải công nghiệp (vỏ trứng vịt, vỏ trái cây....), nhưng hiện Cần Thơ chưa có DN chức năng thu gom rác thải này và DN phải thuê công ty ở Bình Dương, TP HCM thu gom, với chi phí 2.900-3.500 đồng/kg. Cần Thơ có công ty Everbright nhưng chỉ xử lý rác thải sinh hoạt. Nếu trong mùa cao điểm, trung bình một ngày DN thải ra đến 1 triệu vỏ trứng, số lượng lớn này DN rất khó khăn trong vấn đề xử lý, phải nghiền nát vỏ trứng và chào bán cho các DN sản xuất thức ăn. Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây, cho biết: “Mùa cao điểm chúng tôi có 30-40 tấn vỏ trái cây hàng ngày. Chúng tôi cũng kiến nghị cần giải quyết vấn đề này cho DN".  

Vấn đề rác thải công nghiệp, Chủ tịch thành phố Võ Thành Thông giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định để gỡ khó cho DN, bởi định nghĩa "rác được thải ra từ hoạt động sản xuất của DN là rác thải công nghiệp, thì có phần chưa chuẩn xác". Trong thời gian chờ Chính phủ tháo gỡ, sở phải tham mưu cho thành phố xử lý vấn đề rác công nghiệp cho DN, liên hệ nhà máy xử lý rác thải Ô Môn xem có giải quyết được vấn đề này không. 

Các kiến nghị liên quan đến hạn điền, vốn sản xuất, đào tạo lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động, huấn luyện nông dân làm homestay... cũng được DN trình bày với lãnh đạo thành phố. Ông Võ Thành Thống, cho biết, Chính phủ đang nỗ lực để gỡ khó về chính sách hạn điền để liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu cho DN và thành phố cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi phát triển nông nghiệp công nghệ cao vướng hạn điền khó phát triển. Còn vấn đề vốn cho sản xuất, nếu DN và nông dân có dự án tốt, khả thi, thì ngân hàng sẵn sàng đầu tư và tìm kiếm để hợp tác.

Chủ tịch thành phố cũng khẳng định, UBND thành phố bố trí sáng thứ hai hàng tuần không họp để cho giám đốc các sở đầu ngành dành thời gian tiếp DN. Hoạt động này rất có ý nghĩa, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cụ thể cho từng DN, thành phố sẽ tiếp tục phát huy. 

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự tọa đàm đối thoại cũng đề nghị DN phối hợp chặt chẽ để sở có thể cập nhật thông tin về nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng lao động và chỉ đạo các trung tâm kết nối với các trường đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động của DN. Và DN có thể liên hệ bất cứ lúc nào đối với Sở Tài nguyên và Môi trường khi vướng mắc vấn đề đất đai, thủ tục liên quan, môi trường; thành phố đã có đường dây nóng để hỗ trợ DN....

Chốt vấn đề kiến nghị của DN, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống, nói: Năm 2018, số DN thành lập mới trên địa bàn thành phố là 1.395 DN mới, vốn đăng ký trên 7.100 tỉ đồng. Con số khá ấn tượng, nhà đầu tư đã thấy được tiềm năng của thành phố, lợi ích trong sản xuất kinh doanh. Tín hiệu mới giúp thành phố vững tin bước vào năm 2019 lạc quan hơn. Bên cạnh số lượng phát triển thêm, thành phố cũng mong muốn DN phát triển sản xuất ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, mỗi DN mạnh cạnh tranh tốt sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố, và sở, ngành cũng được hưởng lợi. DN cần tăng cường động lực, tăng khả năng cạnh tranh và vươn lên trong thời kỳ hội nhập. Đây là vấn đề sống còn trong phát triển trong tương lai.

Gia Bảo- Mỹ Thanh- Anh Khoa

Chia sẻ bài viết