05/11/2015 - 21:45

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA Ở TP CẦN THƠ:

Doanh nghiệp đang cần trợ lực

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng, kèm với đó là khó khăn thách thức cũng rất nhiều. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong tình hình mới như hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu…

Nhiều khó khăn

Qua 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ vẫn đạt thấp so với kế hoạch năm và giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của thành phố còn phụ thuộc khá nhiều vào 2 mặt hàng chính là gạo và thủy sản - vốn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, được tổ chức tại TP Cần Thơ trong năm 2015. Ảnh: ANH KHOA

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ tại thành phố ước thực hiện hơn 1,03 tỉ USD, đạt 68,8% so với kế hoạch năm, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 993,2 triệu USD, đạt 66,1% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa giảm do từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tại thành phố, nhất là thủy sản và gạo gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu hàng tại nhiều nước giảm, trong khi các rào cản kỹ thuật trong thương mại ngày càng tăng. Ngoài ra, sự biến động tỷ giá ngoại tệ tại các thị trường xuất khẩu chính cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của thành phố và cả nước, nhất là các nhóm hàng nông-thủy sản. 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của thành phố có tăng, nhưng xuất khẩu thủy sản (mặt hàng này hiện chiếm hơn 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa) giảm 11,6% về lượng và giảm 19% về giá trị. Xuất khẩu mặt hàng sắt thép và đinh của thành phố cũng giảm tới 44,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, các năm trước, xuất khẩu sắt thép và đinh khá thuận lợi nhưng năm nay xuất khẩu các mặt hàng này giảm mạnh do bị cạnh tranh với sắt thép Trung Quốc có giá bán thấp hơn tại thị trường các nước ở Đông Nam Á, vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép tại Cần Thơ. Trong khi đó, sản phẩm đinh của doanh nghiệp Cần Thơ (đinh Kim Xuân) đang chịu mức thuế chống phá giá rất cao (323,99%) tại thị trường Mỹ nên kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong những tháng còn lại của năm 2015, tình hình xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực tại thành phố là gạo và thủy sản được ngành chức năng dự báo có khả quan hơn. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là khi gần đây nước ta trúng thầu xuất khẩu hơn 1,45 triệu tấn gạo sang Philippines và Indonesia; doanh nghiệp ngành thủy sản cũng ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm khá ngắn, sự khởi sắc của 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên vẫn chưa đủ sức kéo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại thành phố thoát khỏi đà suy giảm liên tục trong những năm gần đây. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, ước cả năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện hơn 1,375 tỉ USD, đạt 94,8% kế hoạch năm, giảm 1,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện hơn 1,2 tỉ USD, đạt 92,4% kế hoạch năm, giảm 7,6% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thích hợp

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng gạo và thủy sản là rất cần thiết. Bởi đây là những mặt hàng chiến lược về lợi thế của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian tới cần lưu ý chuyển từ xuất khẩu "thô" sang đầu tư chế biến sâu cho các mặt hàng gạo và thủy sản để mang lại giá trị cao, đồng thời tăng cường xuất khẩu các sản phẩm khác mà vùng ĐBSCL có lợi thế, nhất là trái cây tươi và các loại rau quả, nông sản chế biến. Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, xuất khẩu của thành phố còn chủ yếu dựa vào các mặt hàng truyền thống, với 3 mặt hàng chủ lực gồm thủy sản, gạo và hàng dệt may, chiếm gần 84% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ. Tới đây, cần đầu tư phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới giúp mang lại kim ngạch xuất khẩu cao".

Ngoài gạo và thủy sản, TP Cần Thơ hiện còn có nhiều loại rau quả có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Trong ảnh: Thu hoạch dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền. Ảnh: V. Công

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, thời gian qua xuất khẩu sản phẩm thủy sản của nhiều doanh nghiệp tại thành phố giảm không chỉ do đơn hàng giảm, giá xuất khẩu không tăng mà còn do phí sản xuất đầu vào tăng nên không khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh xuất hàng. Đáng chú ý, mặt hàng tôm thường thiếu nguyên liệu, có lúc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu của nước ngoài để chế biến xuất khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng còn khó tiếp cận vốn ngân hàng do các khoản nợ cũ chưa thanh toán hết. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia xuất khẩu hàng trực tiếp được mà chủ yếu còn làm hàng gia công nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm kịp thời thông tin về những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động của mình cho ngành chức năng nắm bắt. Đây là các vấn đề mà ngành chức năng cần quan tâm để có các hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu tại thành phố nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ phải có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các loại hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, chú ý đa dạng mặt hàng xuất khẩu gắn với phát triển đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng và thị trường xuất khẩu như thời gian qua. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cấp các ngành chức năng thành phố cần hoạch định ngay chiến lược phát triển xuất khẩu trong tình hình mới gắn với các giải pháp hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mới đây, tại cuộc hợp sơ kết hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm và bàn giải pháp những tháng cuối năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu ngành công thương thành phố cần khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của thành phố, phát triển đa dạng các thị trường và mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của thành phố, đưa kim ngạch xuất khẩu phát triển bền vững. Mặt khác, ngành công thương cần rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch và tình hình xuất nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể để có giải pháp thúc đẩy thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi sát hoạt động của doanh nghiệp để có các hỗ trợ kịp thời, nhất là hỗ trợ về mặt thông tin thị trường, kết nối giữa cung-cầu. Quan tâm phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng tốt chương trình, kế hoạch xuất khẩu và xúc tiến thương mại năm 2016, trong đó xác định rõ mục tiêu, thị trường và mặt hàng cụ thể.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Tại phiên họp thường kỳ UBND tháng 10 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng nhấn mạnh: Không thể viện dẫn nguyên nhân khách quan mà để xuất khẩu tiếp tục giảm. Cần đổi mới, khắc phục ngay những yếu kém, hạn chế trong nội tại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của thành phố. Sở Công thương thành phố cần phối hợp với các sở ngành thành phố và địa phương để có các giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (cả về vốn, về đổi mới công nghệ…) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, cần quan tâm phổ biến thông tin, cập nhật kịp thời các kiến thức về hội nhập, nhất là lộ trình nước ta tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động hội nhập.

Chia sẻ bài viết