05/12/2016 - 21:18

Doanh nghiệp cần giải pháp đảm bảo tài chính

TP Cần Thơ là một trong 10 tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động nhiều nhất nước. Tuy nhiên, đa phần là DN nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính, năng lực quản trị và xây dựng kế hoạch tài chính của DN còn nhiều hạn chế. DN rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng hành của ngân hàng.

Nhiều hỗ trợ, nhưng DN vẫn khó

TP Cần Thơ hiện có khoảng 11.500 DN đang hoạt động, vốn đăng ký hơn 99.900 tỉ đồng; trong đó DN có vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng chiếm 95%. Các DN đóng góp 45% GDP của thành phố, khoảng 25% tổng thu ngân sách, góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp. DN đã và đang trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của thành phố. Thời gian qua, để hỗ trợ DN hoạt động trên địa bàn, thành phố đã thường xuyên kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn; tổ chức hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất- nhà phân phối. Cụ thể như, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Cần Thơ và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Satra, Cần Thơ-Đà Nẵng, tổ chức các hội thảo, hỗ trợ DN tham gia hội chợ ở một tỉnh, thành để tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường mới. Để hỗ trợ DN phát triển theo Nghị quyết số 35/NQ-CP (16-5-2016) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 09/CT-UBND gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác cải cách hành chính, thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ với DN 2 lần/tháng để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Nhiều DN kỳ vọng ngân hàng - DN là đối tác (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May Hào Tân, Ninh Kiều). Ảnh: MINH HUYỀN

Theo ý kiến của nhiều DN, vốn cho sản xuất luôn là bài toán khó đối với DN; đặc biệt là DN nhỏ và vừa, do các điều kiện vay vốn của ngân hàng khắt khe và tài sản thế chấp là điều kiện bắt buộc khiến nhiều DN không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Thời gian qua, Chương trình kết nối Ngân hàng- DN có 8 ngân hàng thương mại tham gia ký kết hợp đồng tín dụng với 23 DN, tổng số tiền trên 1.750 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ, nhìn nhận thực tế là cả ngân hàng và DN trên địa bàn hoạt động chưa tương xướng với tiềm năng, vị thế của thành phố. Có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: thành phố chưa có DN lớn dẫn dắt để kết nối thị trường với các DN nhỏ tại thành phố và khu vực. Dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng chậm, năm 2015 là 8,35%, trong 10 tháng năm 2016 tăng 10,44%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc (toàn quốc tăng 12,52%). Vẫn còn DN phản ánh khó tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất cho vay còn cao, kỳ hạn ngắn, tỷ trọng cho vay/tài sản thấp, một số nhân viên ngân hàng còn gây khó dễ cho DN. Ngân hàng và DN chưa thực sự hỗ trợ nhau trong hoạt động, thiếu tin tưởng, thiếu thông tin lẫn nhau…

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: "DN trên địa bàn thành phố chủ yếu là DN nhỏ và vừa, các mô hình khởi nghiệp chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều; còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chịu sức ép cạnh tranh về giá cả, thị trường. Đặc biệt là năng lực quản trị tài chính hạn chế, DN thường xuyên gặp khó khăn về tài chính". Từ sự yếu kém, hạn chế này, sự phát triển của DN vẫn chưa tạo nên sự bứt phá trong phát triển và hội nhập, chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế thành phố. Do đó, cần có phân tích thấu đáo các hạn chế để có giải pháp tốt nhất, giúp DN và ngân hàng trở thành những đối tác tin cậy lẫn nhau.

Tạo niềm tin hợp tác

Trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, phát triển DN có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Ngành tài chính- ngân hàng giúp DN hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; ngành bảo hiểm hỗ trợ DN ngăn ngừa các rủi ro tài chính (trong điều kiện DN tham gia mua bảo hiểm tài chính). Mới đây, tại hội thảo "Giải pháp tài chính cho DN", đại diện Công ty cổ phần thương mại đào tạo và phân phối LNK (TP Hồ Chí Minh) đã giới thiệu các gói sản phẩm bảo hiểm như: giữ chân nhân tài, vui sống tuổi vàng và an toàn DN thông qua các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ các nhân viên chủ chốt của DN, làm cho nhân viên nhận biết sự quan tâm của chủ DN đối với họ, cùng đó, chủ DN cũng được tư vấn mua bảo hiểm đề phòng rủi ro bệnh tật, bảo hiểm tài chính để đảm bảo hoạt động cho DN khi xảy ra những bất trắc thị trường (thanh toán hợp đồng, đối tác chậm trả tiền…). Một số ý kiến cho rằng, giải pháp bảo vệ tài chính cho DN thông qua hợp đồng bảo hiểm là một trong những giải pháp tốt mà DN cần nghiên cứu để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bởi hoạt động kinh doanh của DN ngày càng mở rộng, những hợp đồng mua bán có giá trị cao và các vấn đề rắc rối về tài chính cũng có thể khiến DN gặp rủi ro, kéo theo DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Song, đây là vấn đề mới, DN cần có thời gian để tiếp cận.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, khi nền kinh tế gặp khó khăn, DN khó khăn thì ngân hàng cũng gặp khó, bởi ngân hàng cũng là DN. Vì vậy, để cùng hiểu nhau hơn, chia sẻ khó khăn chung phải có sự chung sức của cả DN và ngân hàng. DN chủ động và hạn chế đầu tư dự án chưa bứt thiết, rủi ro cao hiệu quả thấp và tiết giảm chi phí; ngân hàng hỗ trợ DN trong tìm kiếm thị trường, tư vấn sử dụng vốn, hỗ trợ giảm chi phí dịch vụ, tiết giảm chi phí vốn. Ngân hàng cũng phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng dưới các hình thức cấp tín dụng, như: cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá, bảo lãnh, bao thanh toán, thấu chi, cho thuê tài chính… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế. Gắn tăng trưởng tín dụng với phát triển dịch vụ ngân hàng, với việc nâng cao năng lực phân tích, đánh giá chất lượng khách hàng, chất lượng nợ, nâng cao năng lực thẩm định các dự án. Ngân hàng phải xem khách hàng là tri kỷ, không có khách hàng tốt thì không có ngân hàng tốt.

Năm 2016, DN trên địa bàn thành phố đã đóng góp cho ngân sách ước khoảng 4.228 tỉ đồng; trong đó khu vực DN ngoài nhà nước đóng góp khoảng 2.772 tỉ đồng (chiếm 65% trên tổng số đóng góp của DN trên địa bàn). Đây là nguồn lực lớn đối với nền kinh tế của thành phố. Song, thời quan qua, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước phục hồi chậm cũng làm số lượng DN giải thể, phá sản, tạm ngưng hoạt động tăng qua các năm. Ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ, năng lực quản trị thì đa số DN chưa có giải pháp bảo vệ tài chính hiệu quả; hoặc thiếu vốn sản xuất. Do đó, ngoài các giải pháp tài chính liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tài chính, DN cần sự trợ lực lớn từ phía các ngân hàng thương mại.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết