22/12/2009 - 20:44

Doanh nghiệp cần định vị lại thị trường

Đó là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Giải pháp để vượt qua khó khăn và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, tổ chức tại An Giang mới đây, với sự tham gia của doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, xem việc xây dựng và củng cố thị trường nội địa là hướng lâu dài với các biện pháp đồng bộ, nhất quán. Cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 vẫn còn, việc tìm hướng đi phù hợp trong tình hình mới là rất cần thiết hiện nay.

Củng cố thị trường

Trong chuỗi chương trình “Tiếp sức hàng Việt” được thực hiện từ tháng 10- 2009 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức nhiều hoạt động như: chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hội thảo chuyên đề... nhằm giúp DN định hướng và tìm giải pháp phát triển phù hợp trong tình hình mới. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt, nhất là khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng nặng nề; thông qua các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, cùng hội thảo chuyên đề với sự tham gia của DN, chuyên gia kinh tế sẽ phần nào giúp DN nhận ra những yếu tố cản trở DN trong cạnh tranh. Từ đó, củng cố sức mạnh cho các DN và đưa ra giải pháp ứng phó với thách thức mới trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Người tiêu dùng trong nước sẽ góp phần quyết định sự thành bại trong phát triển sản xuất
kinh doanh của DN. 

Theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển hệ thống phân phối ở ĐBSCL của các DN trong nước, nhất là DN HVNCLC còn nhiều hạn chế, bất cập, nên khó đi vào phân khúc thị trường cụ thể. Lẽ đó, DN thường bị động khi có biến động về thị trường. Thêm vào đó, gia nhập WTO, việc nhượng quyền thương mại của DN nước ngoài cũng gây trở ngại cho DN trong nước, nếu không có sự chuẩn bị ứng phó ngay từ bây giờ. Cái yếu nhất của DN vùng ĐBSCL hiện tại là sức cạnh tranh, kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và chăm sóc người tiêu dùng. Ngoài ra, tính minh bạch trong hoạt động sản xuất, công tác quản lý điều hành của địa phương và việc tạo môi trường kinh doanh cũng chưa thực sự thuận lợi cho DN trong bối cảnh mới.

Song, trong bối cảnh cạnh tranh, bức tranh kinh tế còn ảm đạm, nhiều DN vùng ĐBSCL có nhiều cách làm mới cùng chiến lược giữ vững thị trường truyền thống của mình. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: “Hiện nay, hàng Việt đã về nông thôn và qua các phiên chợ đã chứng tỏ sức mua của người tiêu dùng khu vực này cũng rất lớn. Kênh phân phối truyền thống sẽ tồn tại lâu dài ở nông thôn do sự tiện lợi và chi phí phân phối rẻ hơn. Vấn đề là phải quản lý chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng. Tiểu thương là người nắm bắt nhu cầu tiêu dùng sát nhất, do vậy có thể thông qua lực lượng này để phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn”. Theo ông Long, người tiêu dùng không phải ai cũng sính hàng ngoại, hàng Việt nay đã khác xưa, mẫu mã đẹp hơn, giá cả hợp lý hơn nên vẫn cạnh tranh tốt nếu kiểm soát được hàng nhập lậu từ bên ngoài.

Còn ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bà Giáo Khỏe 55555 (tỉnh An Giang) chuyên sản xuất mặt hàng mắm, chia sẻ: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, công ty đã ngừng các hạng mục đầu tư chưa cần thiết để tập trung đầu tư kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc để giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, liên kết thị trường nguyên liệu xuyên biên giới (bạn hàng trên sông Mê Công); phát triển dòng sản phẩm mới có khả năng thâm nhập thị trường nhanh. Liên kết với các nhà phân phối có năng lực, liên kết nguồn hàng ở các điểm bán lẻ khắp vùng ĐBSCL. Để làm được điều này, công ty luôn cập nhật thông tin thị trường nhằm có hướng điều chỉnh phù hợp”. Đồng tình với quan điểm của ông Hoàng, rất nhiều lãnh đạo DN trong vùng ĐBSCL đã thấy được vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là con đường để DN vượt qua khó khăn, ứng phó với thách thức trước mắt, đồng thời định hướng mục tiêu lâu dài cho tương lai.

Tuy nhiên, các DN đều cho rằng, cần có sân chơi bình đẳng cho DN và có trọng tài để phân xử khi xảy ra tranh chấp thương mại. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Casuco cho rằng, mặt hàng đường nhập lậu là lậu cả thuế đầu vào lẫn đầu ra, phân phối dễ dãi, chỉ cần đổ bao ra đóng gói sơ sài sẽ trở thành “made in Việt Nam”. Có cơ sở ghi hẳn nơi đóng gói trong nước, nhưng không ghi nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh... Trong khi qui định đối với các nhà máy đường phải hết sức nghiêm ngặt. Việc quản lý thị trường lỏng lẻo có nguy cơ làm chết một ngành hàng sản xuất trong nước nếu để lưu thông hàng trốn thuế.

Tạo sân chơi công bằng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là chủ trương rất đúng đắn để giúp DN tiếp cận lại thị trường tiềm năng bị bỏ quên này. Từ đó, có chiến lược phù hợp để định hướng sản xuất và tiêu thụ. Thị trường toàn cầu ngày càng thu hẹp, xuất khẩu khó khăn do sức mua và tín dụng của người dân giảm; cạnh tranh tăng, sức ép về giá, xu hướng bảo hộ tăng... làm giảm sút thị phần của DN ở những thị trường chính cả về lượng lẫn giá trị. Trong khi chủ trương phát triển thị trường nội địa lại chậm triển khai, nhiều vấn đề cơ bản chưa được giải quyết như: chiến lược, chính sách, hạ tầng, vai trò của Nhà nước – DN - người tiêu dùng... Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nói: “Cần phát triển thị trường nội địa như một hướng lâu dài, cơ bản với các biện pháp đồng bộ, nhất quán. Đào tạo và cơ cấu lại lực lượng lao động các cấp, ngành. Chuyển từ công cụ kích thích kinh tế trong khủng hoảng sang hệ thống chính sách phát triển trong thời kỳ mới; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội theo hướng lâu dài. Có như vậy, mới giúp DN nội địa vượt qua trở ngại, ứng phó với thách thức mới”. Theo bà Phạm Chi Lan, ngoài tạo sân chơi công bằng cho DN, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng thương mại nội địa và xuất khẩu, có chính sách cụ thể ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm của Chính phủ, tạo cơ hội bình đẳng cho các DN cung ứng. Mặt khác, thực thi các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, của DN Việt Nam; ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp và sự cạnh tranh không lành mạnh của DN, sản phẩm ngoại trên thị trường nội địa.

Hiện nay, việc tôn vinh tràn lan các danh hiệu đối với một số nhãn hàng, DN chưa xứng tầm làm lẫn lộn những giá trị rất khác biệt nhau và gây hiệu ứng không tốt cho hàng Việt. Việc dễ dãi trong kiểm soát quảng cáo sẽ cung cấp đến người tiêu dùng thông tin sai lệch về sản phẩm và giá trị của các DN Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), bức tranh ảm đạm sẽ thay đổi nếu Nhà nước quyết tâm làm minh bạch và lành mạnh sân chơi thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm sạch, trên một thị trường “sạch” ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Việt Nam đã là thành viên của WTO nên Chính phủ không thể bảo hộ DN, thị trường nội địa trái với cam kết quốc tế. Thị trường nội địa sẽ mở rộng liên tục hơn cho DN nội địa và hàng ngoại theo cam kết khu vực và quốc tế. Xã hội, người tiêu dùng cũng không thể ủng hộ vô điều kiện đối với DN, sản phẩm Việt mà các DN phải là đội ngũ tiên phong, giành lấy khách hàng về phía mình. Người tiêu dùng quyết định sự thành bại của DN, phục vụ người tiêu dùng chính là vì sự phát triển của DN. Tuy nhiên, DN phải có sự chuẩn bị để tạo nội lực cạnh tranh, đánh giá đúng sức mạnh của đối thủ để đưa ra giải pháp phù hợp, đồng thời cần liên kết các ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ một cách chặt chẽ để trụ vững trên sân nhà.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết