15/08/2021 - 00:29

Đoàn VĐV Việt Nam nỗ lực giữ vững thành tích tại Paralympic Tokyo 

Từ ngày 24-8 đến 5-9-2021 tới, Paralympic mùa hè lần thứ 16 sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, với 539 nội dung tranh tài ở 22 môn thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự Paralympic Tokyo 2020, đoàn thể theo Việt Nam có 7 VÐV, với nỗ lực tiếp tục tạo bất ngờ như từng lập kỳ tích đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCÐ tại Paralympic Rio 2016.

Thanh Tùng trong một buổi tập tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Thanh Tùng trong một buổi tập tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Những ngày qua, kình ngư khuyết tật người Cần Thơ Võ Thanh Tùng miệt mài tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Ðà Nẵng, để chuẩn bị tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020. Từng giành được HCB bơi tự do cự ly 50m tại Thế vận hội Rio 2016, Thanh Tùng được đặc cách mời tham dự Paralympic kỳ này, nên rất quyết tâm luyện tập chăm chỉ. Thanh Tùng cho biết: “Tùng đã ra Ðà Nẵng tập trung hơn 3 tháng nay. Việc tập luyện lúc đầu cũng bình thường, nhưng gần đây dịch COVID-19 bùng phát, VÐV không được xuống nước tập nên chỉ còn rèn thể lực”. Ðây là vấn đề gây bất lợi cho kình ngư người Cần Thơ, bởi trong khoảng 2 năm qua đã không thể tham dự các cuộc tranh tài quốc tế. Tuy nhiên, Thanh Tùng rất quyết tâm trong cuộc tranh tài sắp tới, với chỉ tiêu tự đặt ra là ít nhất bảo vệ được HCB ở nội dung sở trường.

Thiếu thi đấu cọ xát do đại dịch cũng là vấn đề với hầu hết các VÐV người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic năm nay. Một trong những niềm hy vọng lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam là lực sĩ cử tạ Lê Văn Công, VÐV từng giành HCV đồng thời phá kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic hạng 49kg tại Paralympic Rio 2016. Nhiều tháng qua, Văn Công cũng chỉ duy trì chế độ tập nhẹ thường xuyên sau khi bình phục chấn thương vai trái. Ðến thời điểm này, tình trạng của lực sĩ 37 tuổi quê Hà Tĩnh là rất khả quan, hoàn toàn có thể ra sân thi đấu để bảo vệ danh hiệu giành được 5 năm trước tại đất nước Brazil. Ðồng đội của Văn Công, nữ lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan, cũng đặt chỉ tiêu cho riêng mình phải đổi được màu tấm HCÐ đoạt được tại Rio 2016.

Do tình hình dịch bệnh mà các đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam không thể tham gia các giải đấu quốc tế mang tính kiểm tra chuyên môn suốt 18 tháng qua. Vì vậy mà các VÐV người khuyết tật Việt Nam không đủ tiêu chuẩn tham dự Paralympic Tokyo 2020 bằng suất vé chính thức. Ngoài Thanh Tùng, Văn Công, Tuyết Loan, 4 VÐV còn lại là Cao Ngọc Hùng (ném lao) Nguyễn Thị Hải (ném đĩa), Trịnh Thị Bích Như và Ðỗ Thanh Hải (bơi) cũng đều được tham dự Paralympic Tokyo bằng thư mời đích danh.

Khó khăn từ điều kiện tập luyện, cọ xát cho đến trang thiết bị phục vụ thi đấu đều gặp hạn chế vì dịch bệnh COVID-19, nhưng tất cả 7 VÐV người khuyết tật được thi đấu tại Thế vận hội Tokyo vẫn rất tự tin, nỗ lực duy trì phong độ để sẵn sàng lên đường. VÐV Võ Thanh Tùng cho biết: “Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đội Paralympic gặp nhiều khó khăn trong tập luyện. Tuy thế, năm nay đội chúng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở Thế vận hội nên chắc chắn sẽ thoải mái tâm lý hơn”. Thanh Tùng cũng tự tin chia sẻ với các đồng đội ở môn khác nếu gặp trở ngại gì trong thi đấu thì anh có thể hỗ trợ. Thanh Tùng nói: “Nếu anh chị em nào trong đội cần bất kỳ sự giúp đỡ nào về tâm lý, xin đừng ngại gọi cho Tùng, người nhà với nhau mà. Tùng sẽ cố gắng giúp hết mức có thể”.

Theo kế hoạch, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ bay từ Hà Nội sang Tokyo vào ngày 19-8. Các VÐV đội bơi đang tập luyện tại Ðà Nẵng và các VÐV tại TP Hồ Chí Minh sẽ ra Hà Nội sớm trước một ngày. Tất cả VÐV, HLV và thành viên của đoàn phải có 3 kết quả xét nghiệm COVID-19 (PCR) âm tính trong 3 ngày liên tục trước khi đến Tokyo. Trong quá trình lưu trú tại Nhật Bản, các thành viên của đoàn chỉ được phép đi từ sân bay về làng VÐV, đến các địa điểm tập luyện, thi đấu, nhà ăn và không được đi bất kỳ nơi nào khác.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết