18/05/2022 - 15:58

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát thực tế dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 

(CTO) - Ngày 18-5, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn, khảo sát thực địa dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đoàn công tác khảo sát thực địa tại vị trí  nút giao giữa dự án với quốc lộ 61C tỉnh Hậu Giang. Ảnh: T. TRINH

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, dự cùng đoàn.

Đầu tháng 5, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Theo tờ trình của Chính phủ, về phạm vi đầu tư, điểm đầu dự án giao với quốc lộ 91, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối dự án tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng chiều dài dự án khoảng 188km đi qua địa bàn tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Trong đó, đoạn đi qua TP Cần Thơ dài gần 38km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỉ đồng, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục.

Dự án được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000-Km57+200) với chiều dài khoảng 57,2km thuộc tỉnh An Giang và TP Cần Thơ; dự án thành phần 2 (Km57+200-Km94+400) với chiều dài khoảng 37,2km thuộc TP Cần Thơ; dự án thành phần 3 (Km94+400-Km131+300) với chiều dài khoảng 36,9km thuộc tỉnh Hậu Giang và dự án thành phần 4 (Km131+300-Km188+200) với chiều dài khoảng 56,9km thuộc 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 1.205ha.

Đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại vị trí 2 nút giao giữa dự án với quốc lộ 61C tỉnh Hậu Giang và quốc lộ 1 tỉnh Sóc Trăng. Các thành viên của đoàn công tác lưu ý các đơn vị, địa phương thực hiện dự án cần nghiên cứu kỹ hơn về tính kết nối của dự án đối với hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ, hệ thống cảng biển… hiện hữu cũng như các dự án cao tốc đã và đang được triển khai thực hiện. Trong công tác giải phóng mặt bằng, cần có phương án triển khai thỏa đáng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đối với các dự án thành phần đi qua 2 tỉnh, giá đền bù cần có sự thống nhất, tránh xảy ra khiếu nại.

Tại buổi khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý các địa phương lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Đồng thời, sớm hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia dự án đường cao tốc. Bên cạnh đó, cần quan tâm các bước giải phóng mặt bằng, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể triển khai ngay…

Tin, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết