25/06/2012 - 22:21

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

(CT)- Chiều 25-6-2012, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cùng các Phó Chủ tịch, lãnh đạo các sở, ngành và các chuyên gia đầu ngành họp phản biện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Nhằm phát huy tiềm năng phát triển, giải quyết các tồn tại bất cập của quy hoạch thành phố đã được phê duyệt năm 2006 và trên cơ sở những đánh giá tổng hợp hiện trạng TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn (Phân viện Quy hoạch đô thị - Nông thôn Miền Nam thuộc Bộ Xây dựng) đã đề xuất điều chỉnh TP Cần Thơ theo mô hình phát triển mới. Trong đó, cảnh quan phải được coi như một bộ phận chính của cấu trúc đô thị; phát triển thành chuỗi các khu đô thị với bản sắc riêng của từng khu; để TP Cần Thơ trở thành một thành phố xanh, hiện đại, một trung tâm đầu mối năng động và ứng phó trước biến đổi khí hậu. Đồ án điều chỉnh không gian thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo hướng phát triển toàn diện cân bằng và bền vững. Đồ án cũng là cơ sở để quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị về sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL...

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố lần này có bước đột phá về ý tưởng. Song, vẫn còn một số vấn đề đơn vị tư vấn cần quan tâm làm rõ để đồ án sát hơn với thực tế. Chẳng hạn, kết nối “kéo gần” khoảng cách giữa các khu đô thị mới và cũ; nghiên cứu mô hình nông nghiệp đô thị; tầm ảnh hưởng đô thị phát triển hướng về phía Nam, kết nối với các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu...; quan tâm đến chất lượng đô thị, kết nối giao thông, nguồn kinh phí, nhân lực. Ngoài ra, cần có những dự báo rủi ro và phương án chuyển tiếp khi xảy ra rủi ro...

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 có tầm ảnh hưởng rất quan trọng. Bởi Cần Thơ được Chính phủ giao nhiệm vụ trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL. Vì vậy, thành phố đã mạnh dạn thuê chuyên gia và tư vấn nước ngoài phản biện đồ án. Trong cuộc họp lần này, từ nhiều góc nhìn khác nhau, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất thiết thực cho đồ án. Đồ án điều chỉnh lần này có những ý tưởng phát triển mới, giải quyết cơ bản những vấn đề thành phố đặt ra. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cần xác định lộ trình thực hiện, những bước đi phù hợp để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển đô thị.

T.TRINH

Chia sẻ bài viết