Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, Việt Nam có khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao dồi dào vào thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường luôn biến động và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng, đòi hỏi doanh nghiệp, nông dân Việt Nam phải đầu tư bài bản, tổ chức lại sản xuất, thực hiện nghiêm các quy định từ phía Trung Quốc. Có như vậy, trái cây Việt Nam mới có thể "giữ chân" khách hàng cũng như khai thác triệt để thị trường lớn và đầy tiềm năng này.
Xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm... là những loại trái cây được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Nhận diện thấu đáo thị trường
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta năm 2023 đạt 5,6 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là 3,63 tỉ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch. Năm 2024 dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc khoảng 7,5 tỉ USD, riêng Trung Quốc đạt trên 5 tỉ USD, chiếm khoảng 70% tổng mức. Một số loại trái cây xuất khẩu chính ngạch của nước ta được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng có thể kể đến như sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải…
Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: "Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỉ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam". Cùng với đó, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Mặc dù có nhiều ưu thế, thuận lợi, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn có nhiều đối thủ cạnh tranh từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chi Lê, Peru, Ecuador. Thời gian qua, Trung Quốc đã ký một số nghị định thư đối với nhiều mặt hàng trái cây Việt xuất khẩu sang thị trường này. Nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân nước ta là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Ðơn cử, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt...
Khai thác lợi thế
Ðể tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua các thách thức, ông Ðặng Phúc Nguyên khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc. Qua đó, có biện pháp điều chỉnh lịch sản xuất (nghịch vụ, rải vụ), xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu... Cùng với đó, phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc để không chỉ tập trung vào các chợ đầu mối mà có thể mở rộng thêm đến các siêu thị lớn, các thị trường ngách sâu trong nội địa; chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía Bắc Trung Quốc như Sơn Ðông, Bắc Kinh, Thượng Hải… Doanh nghiệp Việt cũng cần liên kết với các doanh nghiệp Trung Quốc để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối các sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm… là những loại trái cây được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, doanh nghiệp, nông dân cũng cần thay đổi tư duy coi Trung Quốc là thị trường dễ tính; phải tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, giữ uy tín, thị trường cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, có hiểu biết về văn hóa Trung Quốc để có thể giao dịch trực tiếp, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của nước bạn. Ðồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác thị trường B2B và B2C Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Việt Nam để nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu…
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc rất lạnh và khắc nghiệt nên việc sản xuất rau củ gặp khó khăn. Thời điểm này, nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga... cũng khan hiếm. Trong khi đó, điều kiện khí hậu ở Việt Nam lại có thể thuận lợi sản xuất rau màu vụ đông, nhất là tại miền Bắc. Vì vậy, nếu được xuất khẩu chính ngạch, sản xuất rau vụ đông của Việt Nam sẽ giảm rủi ro và thu được lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến và các thương nhân Trung Quốc cũng nắm giữ hệ thống phân phối thực phẩm lớn nhất. Việt Nam có thể chủ động hợp tác, liên kết từ đó mở đường cho rau củ quả xuất chính ngạch sang Trung Quốc" - bà Nguyễn Thị Thành Thực nói.
Bài, ảnh: MỸ THANH