Ớt chỉ thiên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và có tiềm năng để phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, cây ớt chỉ thiên đã được nông dân phát triển trồng và nhiều cơ sở thu mua xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá cả đầu ra trái ớt chỉ thiên bấp bênh nên nông dân chưa an tâm sản xuất.
Giá ớt giảm thấp
Thu mua ớt tại cơ sở của anh Mai Văn Ngây ở quận Thốt Nốt.
So với cách nay hơn 1 tháng, hiện giá ớt chỉ thiên tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã giảm mạnh tới hơn 30.000 đồng/kg và đang ở mức rất thấp.
Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... ớt chỉ thiên loại 1 nông dân bán cho thương lái chỉ còn ở mức 10.000-13.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm tháng 12-2021 có giá lên đến 40.000-45.000 đồng/kg. Ớt chỉ thiên trái nhỏ dài, tiện lợi sử dụng, ớt chuyển từ màu xanh sang màu đỏ khi chín, ăn rất cay, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, cây ớt chỉ thiên phát triển trồng với diện tích khá lớn tại nhiều địa phương để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, xuất khẩu. Gần đây, do đầu ra xuất khẩu ớt gặp khó vì dịch COVID-19, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó giá ớt chỉ thiên giảm mạnh. Theo tiểu thương và cơ sở thu mua ớt phục vụ xuất khẩu, ớt chỉ thiên của nước ta đã xuất sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Singapore, Malaysia… Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là đối với trái ớt tươi. Thế nhưng, gần đây xuất khẩu trái ớt tươi sang thị trường Trung Quốc khá chậm do nước này siết chặt nhập khẩu hàng tiểu ngạch sang các cửa khẩu đường bộ để phòng, chống dịch COVID-19.
Ớt chỉ thiên xuống giống trồng trong 40 ngày là bắt đầu cho trái. Thời gian ớt cho thu hoạch trái có thể kéo dài đến 3 tháng, năng suất ớt thường đạt từ 1,5- 2,5 tấn/công/vụ. Với giá bán ớt ở mức quá thấp như hiện tại, đa phần người trồng ớt chỉ thiên lỗ vốn do trồng loại ớt này phải tốn nhiều chi phí đầu tư làm đất, bón phân, công chăm sóc và thu hoạch và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng lên ở mức rất cao. Trong khi nhiều vườn ớt chỉ thiên cho năng suất không cao do ảnh hưởng bởi sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất lợi.
Cần các giải pháp căn cơ
Để ổn định đầu ra cho trái ớt chỉ thiên, đòi hỏi ngành chức năng cần quy hoạch sản xuất và có liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để ổn định cung-cầu, cân đối diện tích sản xuất phù hợp từng thời điểm theo nhu cầu thị trường. Kịp thời năng cao năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tránh phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, hỗ trợ kết nối nông dân với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Có các chương trình hỗ trợ về vốn, về giống và tăng cường tập huấn kỹ thuật để nông dân sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn.
Theo anh Lê Văn Tuyên ngụ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, chi phí đầu tư trồng ớt chỉ thiên ở mức khá cao, có thể đến 17-20 triệu đồng/công. Giá ớt chỉ thiên phải ở mức từ 20.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo cho người trồng ớt có lời. Trồng ớt chỉ thiên không chỉ đòi hỏi phải có số vốn đầu tư ban đầu khá lớn để làm đất, mua cây giống, mua vật tư mà còn tốn nhiều công chăm sóc, tưới nước và thu hoạch trái. Để thu hoạch ớt kịp thời, nông dân phải thuê mướn thêm nhân công lao động, với giá thuê hái ớt lên đến 5.000-6.000 đồng/kg ớt. Tuy nhiên, nhờ vậy mà nhiều lao động ở nông thôn cũng có thêm công ăn việc làm và thu nhập. Anh Tuyên cho biết: "Tôi chỉ có hơn 3 công đất trồng ớt chỉ thiên nhưng vào các ngày thu hoạch ớt mướn thêm từ 3-5 nhân công lao động. Trồng loại ớt này, có những thời điểm nông dân đạt mức thu nhập rất tốt do ớt bán được giá rất cao, lên đến 40.000-70.000 đồng/kg, thậm chí có một số thời điểm đến 100.000 đồng/kg. Nhưng có nhiều lúc giá ớt giảm thấp, nông dân bị lỗ vốn nặng. Trong năm 2021, cũng đã từng có thời điểm giá ớt chỉ thiên chỉ còn 7.000-12.000 đồng/kg. Nông dân rất mong giá ớt được ổn định ở mức phù hợp và được doanh nghiêp đứng ra bao tiêu để an tâm phát triển sản xuất lâu dài".
Tại TP Cần Thơ, ớt chỉ thiên được trồng chủ yếu tại các quận, huyện như Thốt Nốt, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Thời gian qua, việc phát triển trồng cây ớt chỉ thiên không chỉ giúp nông dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích đất. Đồng thời, góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn nhờ tham gia các công đoạn sản xuất kinh doanh ớt, nhất là tham gia thu hoạch, phân loại, sơ chế ớt. Bà Bu Thu Thủy, 65 tuổi, ngụ khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhận ớt từ các cơ sở thu mua ớt chỉ thiên về để gia công lặt bỏ cuống ớt nên tôi vừa ở nhà trông giữ đứa cháu vừa làm việc có thêm thu nhập từ 50.000-60.000 đồng/ngày". Ông Trần Minh Liệt ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, cũng cho biết: "Công việc lặt cuống ớt có thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày nên các thành viên trong gia đình tôi đều tham gia để tăng thu nhập".
Cơ sở thu mua ớt chỉ thiên phục vụ xuất khẩu của anh Mai Văn Ngây ở quận Thốt Nốt có thể thu mua từ 5-7 tấn ớt/ngày cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tạo việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 50.000-80.000 đồng/người/ngày trở lên. Các lao động này phần lớn là những người lớn tuổi và phụ nữ làm công việc nội trợ, tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia lặt cuống ớt để có thêm thu nhập. Theo anh Mai Văn Ngây, Nhà nước cần quan tâm chế biến và bảo quản sản phẩm ngay tại các vùng trồng ớt, đặc biệt là xây dựng các kho lạnh trữ ớt. Tạo điều kiện để phát triển diện tích sản xuất và xuất khẩu ớt để ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG