Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được xem là chương trình tổng thể phát triển nông thôn toàn vẹn nhất từ trước đến nay, là "đòn bẩy" góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Từ thực tiễn XDNTM thời gian qua, kinh nghiệm được rút ra là phải phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân mới có thể mang lại được kết quả như mong đợi.
Nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai thăm đồng.
Khi người dân đồng thuận
Theo Văn phòng điều phối XDNTM TP Cần Thơ, năm 2016, người dân đóng góp hơn 68 tỉ đồng cho công tác XDNTM. Con số này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5,6% tổng vốn XDNTM của thành phố. Tuy nhiên, vốn đóng góp của người dân có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Nguồn vốn này được "rải đều" trong thực hiện các tiêu chí về: giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất, nhà ở dân cư, môi trường... Nhằm phát huy vai trò chủ thể, sức mạnh trong dân, các xã xây dựng, nhân rộng và lồng ghép thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đơn cử, lĩnh vực kinh tế có mô hình "cánh đồng lớn", trồng rau màu trong mùa lũ, "2 lúa, 1 màu" hay lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái
Lĩnh vực văn hóa - xã hội với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Câu lạc bộ "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo"
Về quốc phòng-an ninh có phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Tết quân dân"...
Trong bối cảnh nguồn vốn phục vụ XDNTM còn hạn hẹp, việc tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm từ đó phát huy nội lực xây dựng nông thôn là giải pháp đúng đắn.
Theo ông Lưu Thanh Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, qua tuyên truyền, vận động, phần lớn người dân đều nhận thức XDNTM là trách nhiệm của mỗi người, từ đó đi đến sự đồng thuận cao trong đóng góp sức lực, vật lực để cùng thực hiện các tiêu chí. Người dân hiến đất, góp vốn, ngày công lao động xây dựng các công trình công cộng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất và hình thành những mô hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM còn thể hiện ở chỗ người dân tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện XDNTM ở địa phương mình. Nhà nước, chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt.
Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Trong công cuộc XDNTM, người dân luôn được huyện xác định là chủ thể tích cực trong mọi hoạt động từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội cho đến xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường sinh thái. Nông thôn mới không thể thiếu hệ thống điện, đường, trường trạm, thủy lợi nội đồng
Những cơ sở vật chất này do người nông dân phối hợp với Nhà nước làm nên và cũng chính họ giám sát, bảo quản, duy tu, sửa chữa để phục vụ cho nhu cầu chính mình".
Tập trung tuyên truyền
Theo các chuyên gia, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đưa công cuộc XDNTM đạt kết quả như mong muốn, không cách nào khác là đẩy mạnh vận động, tuyên truyền. Và cách tuyên truyền dễ "thẩm thấu" nhất là nêu gương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình
nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong công cuộc XDNTM.
Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, công tác vận động quần chúng tham gia XDNTM có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định sự thành bại của chương trình. Để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm, giải pháp và đặc biệt là hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong XDNTM. Từ đó, cộng đồng, nhân dân sẽ mạnh dạn và tích cực tham gia để cùng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới".
Mỗi địa phương có những điểm xuất phát, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không giống nhau nên XDNTM cũng có hướng đi riêng. Để những biện pháp XDNTM phù hợp với mỗi địa phương, chính người dân ở địa phương đó phải là người tham gia bàn bạc, quyết định.
Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: "Để nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, xã tiếp tục dựa vào nội lực cộng đồng là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia, đảm bảo nguyên tắc "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Ngoài ra, xã phát động mạnh mẽ hơn nữa phong trào vận động quần chúng nhân dân thi đua XDNTM như mỗi ấp, đoàn thể lựa chọn việc làm, mô hình cụ thể để làm mẫu và vận động nhân dân cùng tham gia, rút kinh nghiệm".
Theo ông Lưu Thanh Chất, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, xã tạo mọi điều kiện để người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, có tích lũy để tái đầu tư và mở rộng sản xuất, tạo tiền đề đóng góp XDNTM. Đội ngũ đảng viên gương mẫu, tiên phong trong đóng góp XDNTM để quần chúng noi gương. Không chỉ có vậy, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có trách nhiệm vận động họ hàng, người thân cùng hăng hái tham gia góp sức.
Trong XDNTM, người dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng chính. Do đó, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các cấp chính quyền cần chú ý tuyên truyền cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật,
còn vai trò chính vẫn là mỗi người dân. Khi người dân hiểu thấu đáo vấn đề này, sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Thực tế XDNTM tại địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền phải được lồng ghép, tập trung vào những vấn đề người dân thực sự quan tâm như: phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi
Khi thấy rõ những lợi ích mà XDNTM mang lại sẽ tạo sự đồng thuận cao, việc huy động nhân dân đóng góp XDNTM cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bài, ảnh: MỸ THANH