10/05/2008 - 09:31

Ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Đề nghị làm rõ những yếu kém trong công tác dự báo và quản lý thị trường

Sáng 9-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận sôi nổi tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.

Góp ý về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) cho rằng, Chính phủ không né tránh những yếu kém và đưa ra 8 nhóm giải pháp, song một thực tế không thể phủ nhận là sự tăng giá liên tục của dầu, lương thực, thực phẩm...Như cách ví von của đại biểu Lượng thì “tốc độ tăng giá có thể ví như từ áp thấp lên bão giá”. Việc gia súc chết, dịch bệnh... đã tác động rất lớn đến đời sống dân cư. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo khẩn trương về cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ, đặc biệt đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng...

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị phải có Trung tâm dự báo nguồn chiến lược. Theo đại biểu Tiến: “Báo cáo của Chính phủ chưa có địa chỉ cụ thể về trách nhiệm những yếu kém; tiến độ các công trình kéo dài dẫn đến lãng phí, tiêu cực”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thẳng thắn: “Sau cơn sốt gạo vừa rồi, còn cơn sốt gì nữa không? Sốt thật hay sốt ảo? Giá cả vẫn leo thang. Đó là biểu hiện của sự kém cỏi trong công tác dự báo và quản lý thị trường. Chủ trương cắt giảm đầu tư của Chính phủ là đúng đắn, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản về vấn đề này nhưng nhiều nơi kêu việc thực hiện rất nhiêu khê, không biết Bộ Xây dựng có biết không?”. Theo đại biểu, các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ nhìn chung kịp thời, nhưng cơn “bão giá” vừa qua làm cho công nhân tại các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần có những chương trình hỗ trợ quốc gia.

Đề cập tới khó khăn của nông dân trong cơn “bão giá”, Hòa thượng Danh Nhường (Kiên Giang) có ý kiến “Chính phủ cần đánh giá sát hơn đời sống của người dân”, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) cho rằng “Nhà nước phải độc quyền nắm những ngành kinh tế then chốt để điều hành vĩ mô”. Theo đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), báo cáo của Chính phủ cần nêu thêm ảnh hưởng của thị truờng chứng khoán vì “Thị trường chứng khoán “đóng góp” cho lạm phát khá lớn, nhưng đánh giá của Chính phủ chưa đúng mức, chưa rõ”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn nói về trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội: “Nếu Chính phủ đã nhìn nhận được những yếu kém của mình thì Quốc hội cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình là cơ quan quyền lực cao nhất. Đó là khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nói về vấn đề mở rộng Hà Nội – “Chỉ cần các đại biểu biểu quyết là đủ. Như vậy, đặt lên vai quá nặng trách nhiệm cho các đại biểu dân cử, trong khi 2/3 ĐBQH là không chuyên trách”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ dừng vô thời hạn việc cấm xe ba gác, vì theo đại biểu thay thế bằng xe ba bánh của Trung Quốc đã không đạt. Đại biểu Xuân cho rằng nên cho xe ba gác hoạt động tại vùng nông thôn vì đây là sáng tạo của người dân Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế ở nông thôn. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng: “Mỗi kỳ họp, chúng ta đều được nghe báo cáo của Chính phủ về những vấn đề được hay chưa được của Chính phủ, nhưng Chính phủ cần làm rõ những yếu kém này. Ví dụ về lãi suất ngân hàng, trách nhiệm thuộc về ai?...Theo đại biểu, một mảng lâu nay Chính phủ không đưa vào báo cáo, đó là mảng văn hóa xã hội, đây là một vấn đề quan trọng. Kinh tế có tăng trưởng nhưng phải dựa trên nền tảng văn hóa xã hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu khi để xảy ra tình trạng lạm phát.

Buổi chiều 9-5, tiếp tục thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu khác đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát và đưa ra các biện pháp thật cụ thể để nhanh chóng đưa đất nước vượt qua thời điểm khó khăn này. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng cần làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, cá nhân, từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành về kinh tế. Hầu hết các đại biểu nhìn nhận đây là cơ hội điều chỉnh lại nền kinh tế nước ta. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) băn khoăn, nếu giảm chỉ tiêu GDP cả năm 2008 xuống 7%, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ số GDP của ta đạt trên 7%, như vậy có nghĩa là 8 tháng cuối năm GDP sẽ thấp hơn 7%. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khó ở chỗ nào để các đại biểu thảo luận, tìm ra giải pháp thích hợp.

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu về lý do Chính phủ đề nghị giảm chỉ tiêu GDP cả năm 2008 xuống khoảng 7%, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh cho biết, cuối năm 2007, khi thông qua nhiệm vụ kinh tế -xã hội 2008, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, kiểm soát lạm phát và tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, qua 4 tháng đầu năm 2008, trước diễn biến mới của nền kinh tế, giá cả thế giới và trong nước, các giải pháp của Chính phủ cũng thay đổi, trong đó thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt đầu tư, chi tiêu công, hạn chế nhập siêu... được đặc biệt quan tâm. Điều này đã tác động đến chi phí đầu vào, làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại. Hơn nữa, tình hình sản xuất quý I-2008 tuy có tăng cao nhưng đã có biểu hiện thắt lại, thấp hơn so với quý I-2007. Nếu phân tích kỹ hơn thì tháng sau đã tăng chậm hơn tháng trước và đây là biểu hiện của nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, tình hình thế giới cũng đã có nhiều biến động với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tất cả các nước trên thế giới đã điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh tế của nước mình... Chính vì thế, Chính phủ đã đề nghị QH xem xét giảm chỉ tiêu cả năm 2008 xuống khoảng 7%.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh: Công tác dự báo có vai trò quan trọng, dự báo không tốt sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Những năm qua, công tác dự báo trong quản lý kinh tế -xã hội ít được quan tâm, đặc biệt là điều hành giá cả. Đại biểu Võ Thanh Khiết (An Giang) cho rằng do chưa xây dựng được phương án đối phó cộng với công tác dự báo yếu nên khi tình hình có biến động, chúng ta đã bị động. Đại biểu Mạo đề nghị cần xây dựng một cơ quan dự báo về kinh tế đủ năng lực giúp Chính phủ phân tích tình hình để điều hành tốt hơn.

Các đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), Mai Xuân Hùng (Hậu Giang), Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) bày tỏ lo lắng về thời điểm tháng 6, khi việc kiềm giá các mặt hàng thiết yếu hết hiệu lực; đề nghị cần có những dự báo cụ thể về tình hình giá cả trong nước thời điểm từ nay đến cuối năm.

XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết