17/01/2018 - 21:18

Để ngành cơ khí Cần Thơ không bị tụt hậu 

Đối với TP Cần Thơ, ngành cơ khí được kỳ vọng  mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật kèm theo cho cả nền kinh tế. Song trên thực tế, sản phẩm cơ khí của thành phố phần lớn là gia công đơn giản, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất còn thấp. Lẽ đó, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cơ khí TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch) nhằm khai thác tiềm năng và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành cơ khí, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều hạn chế

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò, vị trí quan trọng tại vùng ĐBSCL song quy mô về giá trị sản xuất ngành cơ khí của thành phố còn thấp. Năm 2015 chỉ xếp thứ 31/63 địa phương cả nước và thứ 5 trong vùng ĐBSCL. Ngành cơ khí thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém như: máy móc, thiết bị khá cũ, công nghệ chế tạo ở trình độ thấp; Phối liệu, phụ liệu phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài; Năng lực tư vấn thiết kế, kiểm định, tiếp thị yếu; Thiếu lao động trình độ kỹ thuật và quản lý cao; Liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn kém; Quy mô thị trường của một số lĩnh vực cơ khí (đơn cử như ngành ô tô, máy công nghiệp, máy nông nghiệp) còn quá nhỏ nên chưa hấp dẫn sản xuất…

Xưởng cơ khí của Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, ươm tạo phát triển ngành cơ khí.

Doanh nghiệp sản xuất cơ khí của thành phố chủ yếu phân bố tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Tuy nhiên, do đây là khu vực sát nội đô nên không thể mở rộng quy mô sản xuất và doanh nghiệp cũng có thể phải sớm di dời để phù hợp với quy hoạch đô thị hiện đại. Sản phẩm cơ khí gia dụng, cơ khí xây dựng đã đáp ứng được một phần nhu cầu tại chỗ nhưng giá trị gia tăng còn thấp… Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ, chia sẻ: Trình độ của các doanh nghiệp cơ khí thành phố còn thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này đang có xu hướng đầu tư vào Cần Thơ. Nếu doanh nghiệp của thành phố không phát triển quy mô lớn hơn sẽ dễ dàng bị thâu tóm, phải làm thuê cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh hội nhập, nếu không kịp thời có chiến lược phát triển, ngành cơ khí của thành phố sẽ không đủ sức cạnh tranh trong điều kiện bình đẳng với các nước trong khu vực và thế giới. Mặt khác, dù còn nhiều hạn chế song TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển ngành cơ khí, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ canh tác nông nghiệp, chế biến nông-thủy sản, đóng ghe tàu… phục vụ nhu cầu tại chỗ và cho cả vùng ĐBSCL. Vì thế, theo Quy hoạch Phát triển ngành cơ khí TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thành phố đặt mục tiêu là nâng cao hiệu quả sản xuất cơ khí. Phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của ngành cơ khí TP Cần Thơ đạt 12,5%  và đến năm 2030, phấn đấu đạt 13%. Tăng năng suất lao động ngành cơ khí với tốc độ cao hơn tốc độ bình quân của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời kỳ từ 1-2%. Phấn đấu đến năm 2030, ngành cơ khí thành phố đạt trình độ công nghệ thiết bị tiên tiến, sản xuất sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao tương đương 20 địa phương hàng đầu cả nước.

 Tiếp sức phát triển

Nhiều ý kiến cho rằng, trong mỗi nhóm ngành cơ khí cần nâng dần số lượng doanh nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp cơ khí quy mô lớn, có khả năng tham gia cung cấp máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện cho các dự án trong và ngoài địa bàn. Theo Quy hoạch ngành cơ khí,  trong giai đoạn đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung phát triển các phân ngành như: sản xuất cấu kiện kim loại, thùng, bể chứa, nồi hơi, tạo phôi và xử lý bề mặt; cơ khí nông nghiệp, thủy sản, chế tạo máy móc; sửa chữa và lắp đặt máy móc, thiết bị. Giai đoạn năm 2026-2030, tập trung phát triển các phân ngành: tạo phôi và xử lý bề mặt, cơ khí chính xác; cơ khí nông nghiệp, thủy sản; sản xuất máy chế biến thực phẩm, đồ uống; đóng tàu thuyền; chế tạo thiết bị y tế; cơ khí sản xuất thiết bị điện; máy động lực, chế tạo máy khác…

Thành phố dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành cơ khí đến năm 2030 là 3.845 tỉ đồng, chủ yếu là vốn ngoài ngân sách (vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay thương mại, thu hút FDI…). Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, chia sẻ: Nhu cầu phát triển ngành cơ khí trong từng giai đoạn quy hoạch sẽ khác nhau. TP Cần Thơ đang định hướng phát triển Trung tâm dịch vụ logistics. Do đó, ngành cơ khí phải đảm bảo theo kịp sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, ngành nông nghiệp và cả hạ tầng logistics để phục vụ cho sự phát triển ở ĐBSCL.

Để phát triển ngành cơ khí đòi hỏi phải thực hiện những giải pháp đồng bộ về: hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giải pháp thị trường, giải pháp về đầu tư, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, thành phố đã có Quy hoạch phát triển ngành cơ khí TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành kèm theo Danh mục 10 dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành cơ khí. Trong quá trình thực hiện các dự án ưu tiên này nên có sự phối hợp giữa Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có. Về phía Khoa Công nghệ đã có nguồn nhân lực trong ngành cơ khí nên sẽ nỗ lực hỗ trợ cho thành phố trong các hoạt động có liên quan.

Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho rằng: Quan điểm phát triển ngành cơ khí TP Cần Phơ là phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố và quy hoạch phát triển ngành cơ khí của cả nước. Để phát triển ngành cơ khí đòi hỏi phải có nhiều yếu tố và Quy hoạch chính là định hướng để làm cơ sở để phát triển. Thành phố muốn phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ nói riêng nhưng nếu không có ngành cơ khí sẽ không phát triển được. Vì thế trong quá trình thực hiện Quy hoạch, các Viện, trường, cơ quan liên quan và nhất là các doanh nghiệp tham gia trong ngành cơ khí có thể kiến nghị, góp ý trực tiếp với Sở Công thương để có giải pháp triển khai phù hợp với tình hình thực tế.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết