Ngày 9-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.
Trong phiên họp này, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007 với đa số phiếu tán thành.
Hầu hết các đại biểu Quốc hội nhất trí với mục tiêu của Đề án, cho rằng đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục thực sự có vai trò đảm bảo và tạo động lực cho giáo dục trong 10 năm tới, cần triển khai tất cả 8 nhóm giải pháp đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Đề xuất thay đổi về chính sách học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội, nhất là trong thời điểm lạm phát, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh), Đinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) và một số ý kiến khác đề nghị Đề án cần tiếp tục có các chính sách quan tâm tới các đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số. Nếu không có các chính sách ưu tiên đó thì khó có thể rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mặt bằng dân trí giữa các dân tộc; bổ sung cơ chế hỗ trợ học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc địa bàn 135. Đại biểu Đinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) đề nghị Nhà nước cần có chính sách mạnh hơn đầu tư cho giáo dục đào tạo các tỉnh miền núi vì những vùng này tỷ lệ sinh viên người dân tộc chiếm phần lớn, có trường chiếm hơn 90%.
Nhiều đại biểu đồng tình cơ chế tài chính mới không những phải giúp tăng nguồn đầu tư cho giáo dục mà còn đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính và là một công cụ đắc lực khuyến khích các cơ sở giáo dục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhiều đại biểu đề nghị miễn giảm học phí đối với bậc học mầm non; cho rằng nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học. Cần đối xử công bằng hơn đối với bậc học mầm non bởi đây là bậc học nền tảng, khởi đầu quan trọng, hình thành, giáo dục nhân cách của mỗi người. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích thêm, hiện nay giáo viên mầm non đang phải làm việc gấp đôi (53 tiết/tuần) nhưng lương và chế độ chính sách kém hơn các bậc học khác. Đây cũng là vấn đề cần điều chỉnh trong Đề án. Nếu cần giảm quy mô đào tạo nên xem xét giảm ở bậc cao hơn.
* Cuối phần thảo luận buổi chiều, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình thêm một số nội dung liên quan tới Đề án mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng cho biết, Đề án đổi mới có chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 là đề án của Chính phủ trình Quốc hội. Đề án đã có sự chuẩn bị kỹ càng theo quy trình cụ thể.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Đây không phải là đề án tăng học phí mà là Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014. Mục tiêu và kết quả mà Đề án hướng tới gồm 4 nội dung: tăng hiệu quả giáo dục cho đào tạo; tăng số người đi học; tăng chất lượng giáo dục; tính bền vững của hệ thống giáo dục. Phó Thủ tướng cho biết, Đề án tìm được 2 khâu đột phá đó là sử dụng kinh phí hiệu quả hơn trong điều kiện kinh phí có hạn; tăng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho giáo dục bằng cách tăng chi ngân sách. Ngân sách của Nhà nước chi 20% cho giáo dục. Đến năm 2015, Phó Thủ tướng cho biết, có lẽ sẽ đề nghị tăng lên 21% (sẽ cân nhắc cả các yêu cầu khác) dựa trên nguyên tắc không gây quá tải trong dân.
Trước băn khoăn của các đại biểu về mức học phí không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình, Phó Thủ tướng cho biết các địa phương có tính mức học phí hằng năm; con số của các địa phương thống kê cho thấy mức học phí hiện nay đều cao hơn 6%. Dựa trên thống kê này, đề án quy định mức học phí không vượt quá 6% là có cơ sở. Trong quá trình vận dụng, có địa phương được chọn 5%, có địa phương chọn 4,5%.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Nếu Đề án được thông qua, Bộ Giáo dục Đào tạo có đảm bảo ngoài học phí sẽ không có bất cứ khoản thu nào khác, chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, dạy đuổi, ép chương trình
?”. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ không phải đóng thêm khoản tiền nào khác nhưng nếu ai có điều kiện, tự nguyện đóng góp thì Nhà nước khuyến khích.
Phó Thủ tướng cho biết: hiện nay có khoảng 20 tỉnh gửi bản học phí dự kiến. Phương pháp tính này cũng không quá phức tạp, đề nghị từ đây đến ngày 19, trước khi Quốc hội biểu quyết thì các tỉnh đều tính xong và đại biểu Quốc hội có thể xem bản của địa phương mình.
Năm 2000 trẻ đi học mầm non 48%, đến nay tỷ lệ đi học là 70%. Kinh phí cho mầm non năm 2000 chiếm 6,88% ngân sách giáo dục và năm 2008 chiếm 8,5%. Như vậy vừa qua ngân sách mầm non có tăng và tỷ lệ đi học mầm non tăng khá mạnh trong 8 năm vừa qua. Vì điều kiện sắp tới cũng chưa tăng nhanh ngân sách được nên phải chọn giải pháp tập trung cho mầm non 5 tuổi miễn phí, đặc biệt là vùng miền núi để trẻ biết được tiếng Kinh và chuẩn bị đi học.
Phó Thủ tướng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và khẳng định: Cơ quan soạn thảo Chính phủ sẽ rà soát khẩn trương các định mức chi phí, đặc biệt liên quan khối dạy nghề để phù hợp hơn; sẽ có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp lớp 9 đi học nghề.
Phó Thủ tướng kiến nghị lộ trình: Trước hết, năm 2009 tập trung triển khai quyết liệt 7 giải pháp liên quan đến mức học phí. Thứ hai, về đào tạo nghề thì có điều chỉnh được mức bù một phần mất giá. Thứ ba là chuẩn bị ngân sách cho năm 2010, 2011 vì khi làm vấn đề này thì bù cho người nghèo lớn hơn hiện nay, sau đó năm sau sẽ triển khai chung cho các phần còn lại, năm 2012 sơ kết và năm 2014 có tổng kết chuẩn bị bước sau.
* Cuối phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết đã có 34 đại biểu phát biểu tại Hội trường, còn 19 ý kiến chưa phát biểu sẽ gửi văn bản sau. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo.
THANH HÒA QUỲNH HOA (TTXVN)