03/06/2023 - 10:31

ĐBSCL xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh là một trong những nội dung được các tỉnh, thành vùng ÐBSCL chú trọng triển khai thực hiện trong quá trình chuyển đổi số (CÐS). Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quá trình xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh tại các tỉnh, thành trong vùng đã đạt được kết quả bước đầu. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp giới thiệu các công nghệ phục vụ xây dựng chính quyền số tại một sự kiện tổ chức ở tỉnh Hậu Giang.

Nỗ lực

Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ rất quan tâm công tác CÐS, phát triển đô thị thông minh, trong đó trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Thành phố xác định việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số phải luôn gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính. Hiện Cổng dịch vụ công TP Cần Thơ và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Ðồng thời, hệ thống cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân như tích hợp thanh toán trực tuyến; tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form; trợ lý ảo tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) là trục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung của thành phố và kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Thành phố cũng duy trì hoạt động Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 thành phố tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng di động cho công dân (Cần Thơ Smartcity) tích hợp tra cứu thông tin chuyên ngành, dịch vụ công, một số dịch vụ tiện ích khác…

Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử và CÐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Thời gian qua, Hậu Giang đã thành lập hơn 600 Tổ Công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên tham gia để hỗ trợ cho người dân tham gia CÐS. Ðặc biệt, tỉnh đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, với quy mô 28,5ha. Qua đó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền; tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền; nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền”.

Ngoài sự nỗ lực từ phía địa phương, hành trình xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh tại ÐBSCL còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp cung ứng công nghệ. Theo ông Ðào Duy Sơn, Công ty CP Công nghệ số thông minh SDT, nền tảng công dân số - My Porta của công ty có thể phục vụ lợi ích cho nhiều đối tượng như người dân, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội. Mỗi công dân được cung cấp một cổng thông tin tập trung, tích hợp sẵn các ứng dụng dịch vụ công của các cơ quan nhà nước để sử dụng. Ðồng thời, tích hợp toàn bộ các dữ liệu cá nhân đã số hóa để phục vụ nhiều mục đích: giáo dục, y tế, việc làm, xây dựng, đất đai... đến cảnh báo thiên tại dịch bệnh. Vì vậy, nền tảng này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối cung cầu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp qua môi trường số một cách thuận tiện. Ngoài ra, còn có Công ty CP Ðầu tư kỹ thuật số Việt với nền tảng thành phố thông minh VDI; Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT cung cấp mô hình giám sát an toàn thông tin HPT…

Giải pháp đồng bộ

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song việc phát triển chính quyền số, đô thị thông minh tại ÐBSCL vẫn tồn tại nhiều bất cập do thiếu nguồn lực tài chính; nhân lực phục vụ CÐS… Ngoài ra, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thiếu nhiều thông tin, dữ liệu, chưa đảm bảo để địa phương khai thác, sử dụng trong cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư, đất đai) và chia sẻ cho các địa phương khai thác, sử dụng nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp. 

Chia sẻ về thực tế xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh tại Ðà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Ðà Nẵng, cho biết, Ðà Nẵng tập trung vào 4 chữ L (lãnh đạo; liên kết các sở, ngành; lực lượng và lâu dài). Ngoài ra, thành phố tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp, tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Theo ông Nguyễn Quang Thanh, cơ chế, chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp là rào cản trong triển khai CÐS ở Ðà Nẵng cũng như các địa phương ở ÐBSCL. Hiện nay, các sản phẩm công nghệ số có xu hướng tích hợp đa chức năng, trong khi đó chức năng quản lý nhà nước được phân công bởi nhiều cơ quan. Ví dụ, quan trắc nước mặt, không khí là Sở Tài nguyên và Môi trường, quan trắc cầu là Sở Giao thông vận tải, quan trắc nước cấp là Sở Xây dựng… Ðiều này gây khó khăn trong phân công triển khai, bàn giao, vận hành, cung cấp dịch vụ cho người dân. Vì vậy, các bộ ngành rà soát tham mưu điều chỉnh các văn bản pháp luật áp dụng công nghệ số để các địa phương thuận lợi trong triển khai…

Muốn xây dựng thành công chính quyền số, đô thị thông minh cần có đội ngũ công dân số và tạo mọi điều kiện để người dân tăng tính trải nghiệm, đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, cho biết: Thời gian tới, Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. UBND quận, huyện chỉ đạo, kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo mỗi hộ gia đình có người biết cách sử dụng tài khoản VNIED, đăng nhập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các cổng dịch vụ công. Ðối với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì, đảm bảo Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, các phần mềm kết nối liên quan như số hóa, thanh toán trực tuyến; hoàn thiện ứng dụng di động Cần Thơ Smartcity; nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao tính tiện lợi, trải nghiệm người dùng...

Chia sẻ bài viết