27/12/2018 - 06:19

ĐBSCL”thuận thiên” để thích ứng biến đổi khí hậu 

Dưới tác động của BĐKH, thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng ngày càng rõ nét. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường... xảy ra với mức độ và cường độ ngày càng cao. Ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân. Nhận định con người không thể chống lại BĐKH, mà chỉ có thể đề ra các giải pháp thích ứng và chủ động ứng phó. Trên cơ sở đó, dựa trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh của mình, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL uyển chuyển thích ứng BĐKH.

Thích ứng

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tỉnh và cho cả vùng khi BĐKH ngày càng rõ nét. Trong đó, đặc biệt kêu gọi người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn của tỉnh. Bến Tre đã chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như: Mô hình canh tác lúa chịu mặn; mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: Ươm tôm giống dựa trên Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn có khả năng thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2: nuôi tôm thương phẩm dựa trên hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn); mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với BĐKH, phòng chống hạn, mặn...

Nông dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất lúa an toàn, hiệu quả. Ảnh: Lạc Mẫn
Nông dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất lúa an toàn, hiệu quả. Ảnh: Lạc Mẫn

Nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp thích ứng BĐKH cho nông dân, thời gian qua, TP Cần Thơ triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất và đã phát huy hiệu quả. Điển hình, mô hình cánh đồng lớn; dự án sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh; mô hình giảm lượng hạt gieo sạ trong sản xuất lúa… Các mô hình chuyển đổi từ vùng 3 vụ lúa đông xuân - hè thu - thu đông sang cơ cấu lúa đông xuân sớm - vụ màu xuân hè - lúa thu đông cho vùng phù sa ngọt; hoặc lúa đông xuân - vụ màu hè thu - lúa thu đông cho vùng ngập lũ… Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo hình thức hợp tác nhằm tăng giá trị sản xuất, như thành lập các tổ hợp tác trồng vú sữa, trồng chanh không hạt, trồng quýt, xoài… Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đang được hình thành và mở rộng, trong đó các mô hình sản xuất thủy canh, nhà lưới đang được hình thành ở các địa phương như: Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh…

PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Qua khảo sát, người nông dân đã đi đầu trong giải pháp thích ứng BĐKH. Chẳng hạn, ở những vùng lũ như Đồng Tháp có mô hình lúa - cá - sen - kết hợp du lịch. Đây là mô hình bền vững và đang phát triển mạnh, người nông dân không phụ thuộc vào bất kỳ loại nông sản nào, khi cái này thất bại còn cái khác bù vô. Mô hình lúa - tôm phát triển khá nhiều từ Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Mô hình này có đặc điểm chung là không hoàn toàn bỏ cây lúa, phát triển hình thức canh tác kinh doanh khác trên nền lúa. Đồng thời, thúc đẩy chế biến nông sản và dịch vụ đi kèm. Từ đó người nông dân không chỉ làm nông nghiệp mà còn biết kinh doanh và làm dịch vụ…

Giải pháp lâu dài

Việc thích ứng với BĐKH ở khu vực ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, theo đánh giá của các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chẳng hạn, nguồn lực địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và quy mô tăng trưởng; thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế; BĐKH ngày càng tác động mạnh mẽ; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa thường xuyên, đôi lúc thiếu chặt chẽ...

Hiện nay, các tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới là "thích nghi và chuyển đổi dần theo theo gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định". Đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định. PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Theo cách đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản của khu vực ĐBSCL, cần theo trình tự: Tìm các giải pháp khoa học - kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi; kết hợp giải pháp công trình nhỏ để ít đầu tư và quản lý linh hoạt; chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp; và đầu tư công trình lớn hơn để quản lý rủi ro và chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường - sinh thái. Trong việc đưa ra các quyết định, cần hướng cộng đồng dựa vào những lợi thế về giá trị của địa phương, các thể chế - luật lệ hiện hành có điều chỉnh và các kiến thức bản địa hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến mà không gây hối tiếc hoặc hối tiếc thấp.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, chưa có chính sách đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Các địa phương xem xét xây dựng mô hình, xin cơ chế thí điểm triển khai các chính sách. Nếu mô hình hiệu quả, đề xuất Trung ương triển khai rộng các chính sách này cho vùng. Ngoài ra, ĐBSCL đã xây dựng liên kết chuỗi, ví dụ tỉnh Đồng Tháp là một thành công. Tuy nhiên chưa có liên kết mang tính bền vững, do các giá trị gia tăng chưa được chia sẻ đồng đều. Do vậy, các ngành hàng chủ lực nên xây dựng mô hình thí điểm, hướng đến phát triển liên kết một cách bền vững cho vùng.

Trước diễn biến khó lường của BĐKH, để phát triển bền vững ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kiến nghị: Để góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ĐBSCL, Chính phủ, các Bộ, ngành ưu tiên tháo gỡ các "nút thắt" về hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên xem xét xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình trữ nước ngọt cho toàn vùng. Cụ thể là đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt và hệ thống phân phối nước thô cho các tỉnh, thành trong khu vực. Ngoài ra, đề nghị Trường Đại học Cần Thơ và các Viện, trường tiếp tục hỗ trợ các tỉnh khu vực ĐBSCL trong nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nguồn lực nội sinh này một cách hài hòa, hợp lý...

Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết