23/07/2024 - 08:33

Dạy nhạc miễn phí cho người khiếm thị 

Trong 5 năm qua, ông Trần Bá Quang (49 tuổi, ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cần mẫn dạy nhạc miễn phí cho những người cùng cảnh ngộ chỉ với mong muốn giúp họ tìm thấy niềm vui từ âm nhạc.

Ông Quang đang dạy âm nhạc cho những người cùng cảnh ngộ.

Ông Quang kể ông không thấy ánh sáng từ lúc lọt lòng. Năm 1981, gia đình ông rời quê ở miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Đến năm 1986, cha mẹ đưa ông đi học tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP Hồ Chí Minh) và đó cũng là lúc năng khiếu âm nhạc của ông trỗi dậy khi được tiếp xúc với các loại nhạc cụ. “Thời điểm đó, phong trào âm nhạc của trường phát triển mạnh. Những giờ nghỉ trưa hoặc chiều mát mẻ, nghe bạn bè, anh chị khóa trên vừa đàn vừa hát, tôi rất thích thú và dần đam mê âm nhạc. Vì gia cảnh nghèo khó, không tiền mua nhạc cụ nên tôi thường mượn đàn của các bạn để tập” - ông Quang tâm sự.

Năm 2001, ông Quang quyết tâm đi học vật lý trị liệu tại Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Sau nhiều năm gắn bó, năm 2017, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thấy người mù rất thích văn nghệ nhưng số tiền chi trả thuê nhạc công tổ chức đêm nhạc rất tốn kém, ông Quang ấp ủ mở một lớp nhạc để những người cùng cảnh ngộ có không gian giải trí.

Năm 2019, sau khi hội đủ các yếu tố mở lớp học, ông Quang bắt tay vào việc khai giảng và nhận học viên khi được nhà hảo tâm tặng loa, micro, mixer… Để đáp ứng nhu cầu của người học cũng như dạy đa dạng nhạc cụ, ông Quang tự mày mò học thêm saxophone, organ và trống. Lớp học được tổ chức tại Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng (phường 7, TP Sóc Trăng) và được xem là nơi hiếm hoi đào tạo âm nhạc bài bản dành cho người khiếm thị ở Sóc Trăng. Lớp hiện có khoảng 9 học viên, từ 10 đến gần 30 tuổi, dạy từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Ông Quang còn nhờ nhạc sĩ thường xuyên hỗ trợ dạy chuyên sâu về âm nhạc cho các học viên.

Để có giáo án thích hợp, ông Quang dành nhiều thời gian chuyển các ký hiệu nốt nhạc thành kiểu chữ nổi để học viên dễ tiếp thu. “Dù đam mê âm nhạc, nhưng với người khiếm thị học bộ môn này mất rất nhiều thời gian, do phải giúp học viên nhận biết cấu tạo của nhạc cụ. Tôi cũng tự nghiên cứu chuyển nốt nhạc từ chữ đen sang chữ nổi để dạy các em. Lúc đầu, lớp học chỉ có 2 cây đàn guitar cổ điển, tôi cùng Hội đi vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để các em có đầy đủ nhạc cụ tập luyện” - ông Quang nói.

Em Danh Thị Tuyền (15 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Mắt em đã không nhìn thấy từ nhỏ. Âm nhạc là ánh sáng duy nhất giúp em giải trí, hòa nhập với cộng đồng. Cách đây hơn 1 năm, tình cờ biết được lớp dạy nhạc cho người khiếm thị, em đã thuyết phục gia đình cho theo học. Tại đây, em có bạn cùng trang lứa, đặc biệt được thỏa niềm đam mê âm nhạc và tìm được niềm vui trong cuộc sống. Hiện em và các bạn có thể kết hợp nhuần nhuyễn với nhau chơi những bài nhạc đủ thể loại”.

Hiện các thành viên trong lớp học của ông Quang thành lập ban nhạc tập luyện nhiều thể loại nhạc để hát cùng nhau, giao lưu văn nghệ, từ đó có thêm bạn bè và niềm vui trong cuộc sống. Em Lý Thị Mỹ Hương (14 tuổi, ở phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết: “Em thích đàn guitar nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ có cơ hội học và chơi được như hiện tại. Nhờ lớp học, sự chỉ dạy tận tình của thầy Quang mà em có thể đàn, hát thuần thục và tự mở ra ánh sáng cuộc đời bằng âm nhạc”.

Ông Hoàng Xuân Luyện, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ða số các em trong ban nhạc của thầy Quang có năng khiếu bẩm sinh và đam mê âm nhạc từ nhỏ. Khi được chơi nhạc, tinh thần các em vui vẻ, lạc quan hơn, qua đó lan tỏa hình ảnh tích cực của người khiếm thị. Hội có kế hoạch kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ dạy nhạc cho tất cả người khiếm thị có đam mê, để họ có nghề mưu sinh”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Chia sẻ bài viết