15/04/2008 - 22:42

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển, hội nhập của TP Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lao động, chất lượng đào tạo nghề được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị Tổng kết Công tác dạy nghề giai đoạn 2004-2007 ở TP Cần Thơ vừa qua, vấn đề này được đưa ra thảo luận để tìm giải pháp khả thi. Sau đây là các ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, thể hiện tâm huyết đối với công tác đào tạo nghề…

PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN THIỆN NHÂN:
Khuyến khích,tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình đào tạo nghề

- Thời gian qua, công tác dạy nghề của TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từng năm, chất lượng lao động từng bước được nâng lên. Trường nghề, Trung tâm dạy nghề đều chủ động hơn trong xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề của TP Cần Thơ cũng gặp nhiều khó khăn cơ bản như: thiếu giáo viên, thiếu kinh phí, chương trình lạc hậu. Lực lượng giáo viên dạy nghề quá ít so với nhu cầu, khó thể đáp ứng công tác dạy nghề trong thời gian tới. Mạng lưới dạy nghề chưa được quy hoạch, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Vì vậy, thành phố cần kịp thời có kế hoạch liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo, nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề.

Cần xác định lực lượng lao động được đào tạo nghề hiện nay là nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển thành phố sau này nên việc đầu tư đào tạo đội ngũ này là việc cần thiết. Trước tiên, phải dự báo được nhu cầu nguồn lao động và đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực tham gia vào chương trình đào tạo. Cần phải tăng cường việc ký kết và thực hiện hợp đồng đào tạo và cung ứng lực lượng công nhân kỹ thuật cao giữa với các doanh nghiệp. Xã hội hóa công tác dạy nghề phải được hiểu là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kết hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục xem xét xây dựng phương án hình thành Trung tâm dự báo cung cầu nguồn lao động; sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên; tăng cường vốn cho vay học tập; phân cấp quản lý đào tạo; công bố chương trình khung... Lãnh đạo thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa và bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng từ nguồn thu xổ số kiến thiết hàng năm cho công tác dạy nghề.

PGS. TS. HÀ THANH TOÀN, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:
Xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cho ĐBSCL

- Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề thông qua các hoạt động: huấn luyện nhân lực để đào tạo đội ngũ giảng viên dạy nghề, cán bộ quản lý ở các Trung tâm Dạy nghề, liên kết với các Trường đào tạo các cấp (Cao đẳng, Trung cấp) trong xây dựng chương trình đào tạo liên thông vào đại học; trực tiếp tham gia đào tạo nghề ở các Trung tâm Dạy nghề; tư vấn, xây dựng chiến lược và mạng lưới các Trường Dạy nghề cho TP Cần Thơ. Trường ĐHCT đang cùng với đối tác Đại học Michigan, Hoa Kỳ (MSU) để thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực cho ĐBSCL (chủ yếu là đào tạo nghề). Dự án đang được góp ý hoàn chỉnh và tìm nguồn tài trợ, chủ yếu tập trung đào tạo, huấn luyện giáo viên dạy nghề, tư vấn xây dựng chương trình dạy nghề...

Theo nhận định của ngành chức năng, năm 2008, công tác dạy nghề tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện, bổ sung, hướng dẫn cơ chế, chính sách, quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó, còn một số vấn đề đáng quan tâm, như: thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất, sự liên thông trong đào tạo nghề chưa rõ ràng, huấn luyện nghề cho thanh niên nông thôn trước tiến trình đô thị hóa...

Cần xây dựng mạng lưới các trường đào tạo nghề cho ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ; có cơ chế, chính sách tăng cường đội ngũ giáo viên dạy nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Mặt khác, lập đề án xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cho ĐBSCL (đặt tại TP Cần Thơ) để làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình khung các cấp dạy nghề, kiểm định chất lượng đào tạo nghề; quy hoạch nhu cầu nhân lực của các ngành ở các trình độ khác nhau; cơ chế liên kết đào tạo liên thông; kế hoạch đầu tư có tính ưu tiên phát triển ngành nghề phù hợp với từng Trung tâm Dạy nghề.

ÔNG VÕ THANH PHONG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY VẬN TẢI THỦY (VINASHIN) CẦN THƠ – HẬU GIANG:
Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chung tay đào tạo

- Thời gian qua, với sự phát triển mạnh của tập đoàn Vinashin ở các tỉnh đã mở ra triển vọng thu hút khoảng 50 ngàn lao động. Ngành đóng tàu thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và lực lượng lao động, trong đó công nhân kỹ thuật chiếm từ 80-85%.

Hiện nay, ở công ty chúng tôi, lực lượng lao động tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, ngoại trừ khoảng 10% là kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao, phần còn lại tay nghề yếu, hạn chế chuyên môn. Đa số công nhân xuất thân từ nông dân, nên tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cũng như an toàn lao động và bảo hộ lao động còn hạn chế... dẫn đến năng suất lao động chưa cao, thu nhập thấp. Vì thế, ngành đóng tàu không thu hút được nhiều lao động tham gia.

Trong thực tế, việc đào tạo kỹ sư và công nhân kỹ thuật vẫn còn nhiều bất cập, chú trọng quá nhiều vào lý thuyết, thiếu máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại cho kỹ sư và công nhân thực tập. Hiện nay, các doanh nghiệp đã đầu tư và sử dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất, do đó, khi nhận lao động, doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại.

Theo chúng tôi, với mục tiêu tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, đủ sức tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế, các giải pháp trước mắt và lâu dài đối với các đơn vị, ngành chức năng là: nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên chuyên ngành đóng tàu, mở rộng quy mô, hình thức đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện. Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là phải tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

ÔNG LÊ MINH SƠN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CỜ ĐỎ:
Tiếp tục phát huy mô hình học văn hóa song song học nghề

- Năm 2005, huyện Cờ Đỏ chủ động thành lập Trung tâm Dạy nghề. Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, Trung tâm còn tổ chức 10 lớp đào tạo nghề dài hạn, với hình thức vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hóa cho 469 học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không có điều kiện vào các trường THPT. Đây là mô hình đào tạo khá hiệu quả cần được phát huy vì thực hiện đồng thời 2 mục tiêu: đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và thực hiện phổ cập giáo dục THPT. Sau hơn 3 năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện tăng từ 17% (năm 2004) lên 38% (năm 2007). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên.

Theo chúng tôi, muốn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trước tiên phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với các cấp chính quyền đoàn thể và người dân địa phương; gắn công tác dạy nghề, giải quyết việc làm với việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đa dạng hóa loại hình đào tạo; xã hội hóa công tác đào tạo nghề; đào tạo theo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; thực hiện các chế độ, chính sách, thu hút doanh nghiệp và lao động tham gia công tác đào tạo nghề...

Thành phố cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho lao động nghèo có nhu cầu học nghề, đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Dạy nghề, tạo điều kiện nâng chất hoạt động dạy nghề ở địa phương. Đồng thời, tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để có thêm nhiều lao động có việc làm sau đào tạo.

ANH PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết