* Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri cả nước
(TTXVN)- Sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về tình trạng cây điều thua ngay trên sân nhà; phải nhập điều nước ngoài có chất lượng kém để xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định việc phát triển cây điều được xác định là trọng tâm của ngành nông nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu bố trí tập trung lực lượng cao nhất để chọn tạo giống điều có năng suất, chất lượng cao; xây dựng trung tâm sản xuất giống điều và tổ chức các dự án khuyến nông trên quy mô lớn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Bộ trưởng nhận định, vấn đề mấu chốt là năng suất điều thấp dẫn đến thu nhập của nông dân thấp nên bà con đã chặt bỏ điều để trồng cây khác.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) về trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong việc chọn tạo giống lúa cho năng suất cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định rằng con đường ngành lúa gạo phải đi theo đó là chọn tạo sử dụng giống có chất lượng và giá trị thương phẩm cao hơn. Bộ đã chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống lúa, trong đó tập trung cao độ các lực lượng để sớm nghiên cứu tạo ra giống với giá trị thương phẩm cao, có giá trị phát triển bền vững, ổn định nhiều năm để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu trên thị trường.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã tham gia giải trình thêm một số nội dung ngành ngân hàng đã triển khai để hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định hệ thống ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tập trung đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bước sang thời kỳ mới, để nông nghiệp phát triển cần có những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; tái cơ cấu nền nông nghiệp
là những tiền đề quan trọng để cải cách sâu rộng ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng đang tập trung sửa đổi lại các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng để phục vụ hiệu quả phát triển nông nghiệp.
Trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp đầy đủ, kịp thời vốn cho công tác này. Các lĩnh vực khác, ngành cũng cung cấp một lượng vốn rất lớn cho các sản phẩm chủ lực của thủy sản như cá tra, cá basa
Đối với cây cà phê, Thống đốc cho biết cũng đã cung cấp đầy đủ vốn. Trong các lĩnh vực khác, Thống đốc cho biết đến nay tổng dư nợ cho vay đối với người nghèo lên đến 118 nghìn tỉ. Mặc dù nền kinh tế có khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tăng từ 7-10%...
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, thấu đáo tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở các vấn đề đã được giải đáp, Bộ trưởng Cao Đức Phát phối hợp với cùng các bộ, ngành có liên quan, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để đưa ra các giải pháp căn cơ hơn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nêu rõ các vấn đề ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong hai năm 2014-2015, cần tập trung phục hồi đà tăng trưởng GDP trong ngành nông nghiệp; phối hợp với các ngành và địa phương tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện; có báo cáo Quốc hội tiến độ thực hiện nhiệm vụ này. Chủ tịch Quốc hội nêu lên một số chính sách cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, gồm: chính sách đối với ngư dân bám biển ra khơi; quan tâm đời sống nhân dân vùng thủy điện tái định cư; chọn tạo giống có chất lượng tốt; hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch
Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có sự chỉ đạo và quan tâm tới quản lý vật tư nông nghiệp.
Ngay sau phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
* Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tiếp thu, giải trình các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên nội dung trả lời chưa sâu, chưa đúng trọng tâm vấn đề cũng như chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri cả nước. Đó là đánh giá của các đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh), Cao Sĩ Kiêm (Đoàn Thái Bình) về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng 20-11.
Theo đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chưa hiểu hết những nội dung chất vấn của đại biểu. Do đó, phần giải đáp chưa đi sâu và chưa sát với thực tế. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa trả lời trực tiếp vào những nội dung đại biểu bức xúc, thắc mắc mà mới chỉ giải đáp chung chung về các kế hoạch, dự kiện trong thời gian tới.
Về chế độ tiền lương, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay, do đó, Bộ Nội vụ cần có hướng giải quyết trước mắt và lâu dài. Cũng theo đại biểu Kiêm, mấy năm qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức rất thấp nhưng biên chế lại "phình ra". Chính phủ đã có những biện pháp để tinh giảm biên chế cũng như hạn chế số lượng biên chế, nhưng qua 5 năm thực hiện lại tăng lên gần 20%. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tiền lương, dù đã tăng vài lần. Muốn giải quyết được vấn này thì cần phải giảm số lượng biên chế xuống.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn trực tiếp của 10 lượt đại biểu Quốc hội của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Việc tăng giá cước các mạng viễn thông; An toàn, an ninh thông tin; Quản lý tình trạng bán sóng cho các kênh truyền hình; Các giải pháp phát triển thị trường viễn thông; Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình; chất lượng các cột phát sóng truyền hình; Quản lý quy hoạch mạng lưới báo chí, trong đó có việc quản lý các trang mạng xã hội; Số lượng thanh tra viên trong ngành thông tin, truyền thống
Thứ năm, ngày 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.