12/04/2011 - 08:29

TP CẦN THƠ

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH trong vụ
đông xuân 2010-2011.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, toàn thành phố Cần Thơ đến tháng 3-2011, có 345 máy gặt đập liên hợp, 120 máy gặt xếp dãy đáp ứng 40% nhu cầu thu hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 716 máy kéo lớn, 1.150 máy kéo nhỏ, 2.188 máy sạ hàng, 42.925 máy bơm nước, 1.790 máy tuốt lúa, 770 lò sấy, đáp ứng 100% các khâu làm đất, bơm tưới, 40% cho khâu sấy lúa và một phần khâu gieo sạ của người dân.

Bước chuyển trong cơ giới hóa

Nếu so sánh với thời điểm cách đây 5 năm, việc đưa máy gặt đập liên hợp (GĐLH) vào đồng ruộng thực sự là bước đột phá về cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở TP Cần Thơ. Năm 2005, TP Cần Thơ chỉ có vài chiếc máy GĐLH, tập trung chủ yếu ở hai nông trường của thành phố lúc bấy giờ là Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ (nay là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ). Bởi đa số nông dân cho rằng việc đưa máy vào đồng ruộng làm ảnh hưởng đến bề mặt ruộng, tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch cao. Nhưng trong 3 năm trở lại đây, chiếc máy GĐLH đã trở thành hình ảnh quen thuộc với nông dân khi vào vụ thu hoạch rộ.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua, cơ giới hóa nông nghiệp ở TP Cần Thơ diễn ra nhanh chóng là nhờ sự chủ động từ phía nông dân. Khi nhận thức được hiệu quả và nguồn lợi của việc cơ giới hóa nông nghiệp, nông dân đã tự đầu tư máy móc, thiết bị vào đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-HĐND ngày 7-12-2007 về chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010, số lượng máy GĐLH gia tăng nhanh chóng. Trong quá trình thực hiện đã có những địa phương như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai rất chủ động khi giúp nông dân tiếp cận thông tin và nguồn vốn vay ưu đãi để trang bị máy.

Vĩnh Thạnh là huyện tiếp cận hiệu quả nhất với chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy GĐLH, với 134 máy được trang bị từ nguồn vốn ưu đãi, nâng tổng số máy GĐLH của toàn huyện lên 204 máy. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương thực hiện cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất tới khâu thu hoạch, bảo quản. Đồng thời, huyện đã tổ chức nhiều cuộc trình diễn kỹ thuật thu hoạch lúa bằng máy GĐLH đến các tổ hợp tác và nông dân với sự hỗ trợ, tham gia của các nhà sản xuất, nhà kinh doanh máy GĐLH để nông dân nắm vững cách thức vận hành, bảo trì máy”.

Nhu cầu tất yếu của sản xuất

Hiện nay, do yêu cầu mùa vụ, các địa phương phải thực hiện làm đất, gieo sạ đồng loạt để né rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và thu hoạch đồng loạt. Tuy nhiên, khi vào vụ sản xuất tình trạng khan hiếm lao động xảy ra thường xuyên. Vì vậy, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Thời gian qua, đa số nông dân trồng lúa đã dần thay đổi lối canh tác truyền thống cần nhiều lao động bằng các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh Tuấn, nông dân thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha đất lúa 2 vụ. Mấy năm trước, vào vụ thu hoạch rộ, tôi phải chạy đôn, chạy đáo tìm nhân công cắt lúa. Nhưng từ vụ đông xuân 2008-2009, nhờ có máy GĐLH, 100% diện tích lúa của tôi đều được thu hoạch bằng máy”. Theo ông Tuấn, nếu sử dụng máy GĐLH chi phí cho mỗi công tằm lớn (1.300m2) là 260.000 đồng. Trong khi chi phí công cắt lúa bằng tay, tuốt lúa và vận chuyển lên đến 450.000 đồng/công. Ông Đỗ Xuân Phúc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Vụ đông xuân 2010-2011, nhờ địa phương có 75 máy GĐLH cộng với số máy chạy đồng từ nơi khác đến nên diện tích lúa thu hoạch bằng máy GĐLH chiếm từ 75-80%. Vào thời điểm đông ken, trung bình mỗi ngày huyện thu hoạch từ 1.500-2.000 ha bằng máy GĐLH”.

Sự ra đời của các loại máy GĐLH do một số cơ sở tư nhân trong nước chế tạo, cùng các loại máy GĐLH của các hãng nước ngoài đã tăng thêm sự lựa chọn cho nhà nông. Ông Huỳnh Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Xuất nhập khẩu Tấn Khoa chuyên nhập khẩu và phân phối máy GĐLH Nhật Bản, phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: “Máy GĐLH Kobuta hiện có giá 490 triệu đồng/chiếc, cao gấp đôi so với máy Trung Quốc và máy Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân chỉ cần có sẵn vốn hoặc được vay vốn trả chậm là sẵn sàng đầu tư mua máy Kobuta vì tin tưởng vào độ bền bỉ, vận hành thông suốt trong quá trình thu hoạch”.

Ngoài những chính sách ưu đãi, chủ động từ phía Nhà nước, các nhà sản xuất, kinh doanh máy GĐLH cũng chủ động hỗ trợ nông dân mua máy với hình thức trả chậm, thủ tục đơn giản giúp nông dân có thể đầu tư máy kịp vụ thu hoạch còn mình thì bán được sản phẩm. Ở khâu sau thu hoạch, nhiều nông dân đã tự đầu tư lò sấy khi thấy được chất lượng và giá lúa qua sấy cao hơn so với phơi, vừa chủ động trước tình hình thời tiết. Đội ngũ thương lái cũng tham gia đầu tư lò sấy để chủ động trong quá trình thu mua lúa tươi, chủ động nguồn hàng trong giao dịch mua bán và kiểm soát được chất lượng lúa gạo. Nhờ đó, khâu sau thu hoạch lúa trên địa bàn thành phố được phát huy theo hướng chuyên hóa trong chuỗi cung ứng lúa gạo...

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian tới, nông dân rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để đầu tư máy phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, bản thân nông dân cũng cần được đào tạo bài bản về cách thức vận hành, bảo trì máy nông nghiệp, đặc biệt là máy GĐLH, để từ đó đưa vào khai thác hiệu quả trên đồng ruộng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH trong vụ đông xuân 2010-2011.

Chia sẻ bài viết