Chị Lan Anh (quận Bình Thủy) băn khoăn: "Ngày nay, chỉ cần cầm chiếc smartphone trên tay, một em bé 4-5 tuổi cũng có thể truy cập mọi thứ thông qua công cụ "tìm kiếm bằng giọng nói". Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh con mình chưa biết đọc, biết viết nên muốn xem gì, nghe gì cũng phải thông qua cha mẹ giúp đỡ và kiểm duyệt. Thế nhưng khi bé tự mình tìm được phim siêu nhân hay những chương trình yêu thích… tôi thật sự bất ngờ và lo lắng".

Các bậc phụ huynh cần hướng con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Ảnh: Q.LAM
Cũng theo chị Lan Anh, do bận bịu nhiều việc nên cứ đón con về nhà là chị đưa cho con chiếc điện thoại thông minh để bé xem chương trình trên Internet. Lúc đầu, mỗi khi hết chương trình, bé còn kêu mẹ tìm cái khác, về sau nhiều chương trình tự động chuyển hoặc bé cứ bấm bừa và ghi nhớ hình ảnh nên có thể chọn đúng chương trình mình yêu thích. Mới đây chị còn phát hiện con trai chị biết cách vào tra cứu bằng giọng nói. Thế là chỉ cần vài "từ khóa" quen thuộc, biết bao nhiêu chương trình, clip, hình ảnh hiện ra. Nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện và để ý sẽ không tránh khỏi những tác động xấu.
Tương tự, chị K.L. (quận Ninh Kiều) cũng lao đao vì các chương trình chiếu trên ti vi, nhất là các bộ phim không phù hợp với lứa tuổi của con. Chị K.L. bộc bạch: "Có một dạo trên ti vi chiếu phim về tội phạm, những thiếu niên "bụi đời", ăn chơi lêu lổng, có nhiều cảnh bạo lực, ngôn từ không phù hợp… Con tôi đang tuổi bắt chước nên cứ học theo từ cử chỉ, hành động đến lời nói, khiến gia đình phải chuyển kênh và mất nhiều thời gian để uốn nắn".
Không riêng chị K.L., nhiều phụ huynh khác cũng rất cân nhắc việc cho con xem ti vi, bởi hầu hết các gia đình có nhiều thế hệ chung sống, trong nhà chỉ có một chiếc ti vi nên hay xem chung một chương trình. Một số chương trình có nội dung, hình thức không phù hợp, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tính giáo dục đối với trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia, để hạn chế việc trẻ tiếp xúc và nghiện các thiết bị điện tử, phụ huynh cần "kéo" trẻ ra khỏi thế giới ảo về với thực tại thông qua các trò chơi, hoạt động thể chất, trò chuyện, phụ giúp công việc nhà… Ngoài ra, phụ huynh cũng nên trông chừng, để mắt đến các chương trình trên ti vi, điện thoại di động trẻ đang xem, nhằm kịp thời ngăn chặn những chương trình không phù hợp, tác động tiêu cực đến trẻ. Cần nhất là phải phân tích cho trẻ hiểu được những nguy cơ có thể xảy đến với trẻ thông qua những hình ảnh cụ thể, câu chuyện nhẹ nhàng.
Ngày nay, phương tiện truyền thông hiện đại phát triển, nhiều phụ huynh băn khoăn trước những nguy cơ mà chiếc ti vi thông minh hay điện thoại di động có nối mạng Internet mang lại. Việc cho trẻ em thường xuyên tiếp xúc với màn hình không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, phát triển thể chất của trẻ. Và quan trọng hơn, nếu phụ huynh lơ là, thiếu kiểm soát chặt chẽ những chương trình trẻ tiếp nhận, sẽ vô tình "đẩy cho hươu chạy sai đường".
ĐAN NHƯ