13/03/2024 - 18:54

Đầu tư hạ tầng tạo động lực cho bất động sản ĐBSCL 

Kết cấu hạ tầng khu vực ĐBSCL những năm gần đây được Chính phủ quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy kết nối giao thông lẫn giao thương liên vùng theo hướng hiện đại thông suốt. Những tác động tích cực từ kết cấu hạ tầng vùng đang dần lan tỏa, thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS). Hạ tầng đi trước, BĐS theo sau trong đó có BĐS công nghiệp, các dự án khu đô thị mới phục vụ cho khu công nghiệp (KCN) tạo tác động tương hỗ và mở ra những cơ hội phát triển mới cho vùng ĐBSCL.

Kết nối và lan tỏa

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, những năm gần đây, ĐBSCL được Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều dự án trọng điểm cấp vùng. Trước đây đi từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ mất khoảng 4 tiếng, hiện nay dù chưa thực sự hoàn thiện nhưng thời gian di chuyển đã rút ngắn được gần một nửa. Như vậy, với việc đầu tư hạ tầng góp phần rút ngắn cự ly, tạo ra không gian kinh tế, không gian giao thương trong vùng ĐBSCL, không chỉ giữa TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh mà còn gắn kết với vùng Đông Nam Bộ và tạo thành vùng kinh tế có sự tương tác, liên kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ còn khá nhiều dư địa về quỹ đất, về giá trị BĐS. Với các chủ trương đầu tư của Chính phủ đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công vào ĐBSCL sẽ kích hoạt và làm bật lên những dư địa đang còn ẩn mình trong vài năm tới.

KCN VSIP Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và thi công hạ tầng để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Ảnh: CTV

Là trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ hiện có 7 KCN với tổng diện tích 987,6ha (trong đó KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 vừa khởi công trong năm 2023 với diện tích 293,7ha). Định hướng quy hoạch đến năm 2030, TP Cần Thơ có 14 KCN thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473ha. Theo đó sẽ thành lập mới 7 KCN với tổng diện tích tăng lên gấp 6,5 lần đạt 6,485,8ha (tập trung chủ yếu tại Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Thới Lai). Các KCN khi đưa vào khai thác sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và thu hút đông đảo người lao động từ các tỉnh thành lân cận, tạo điều kiện cho thị trường Cần Thơ phát triển mạnh mẽ ở đa dạng phân khúc.

Hạ tầng đi trước, BĐS sẽ đi sau. Đây là cơ hội cho vùng ĐBSCL, tác động trực tiếp vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tới. Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, chia sẻ: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe năm 2023 và là tuyến giao thông huyết mạch được bao nhiêu người dân miền Tây mong chờ. Khi tuyến cao tốc thông suốt không chỉ thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư cho miền Tây, mà còn kết nối giao thương giữa các vùng kinh tế, các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và lan tỏa ra khắp Việt Nam. Đặc biệt là giải quyết việc làm cho các KCN, cụm công nghiệp ở các tỉnh miền Tây mà gần đây là KCN VSIP Cần Thơ (KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1), với diện tích gần 300ha ở huyện Vĩnh Thạnh. Ở vị trí này, KCN không chỉ tạo ra việc làm cho người dân TP Cần Thơ mà ở An Giang, Kiên Giang, các tỉnh lân cận. KCN không chỉ tạo việc làm mà còn tạo ra nhu cầu về nhà ở, về sinh hoạt, về trường, trạm…, kéo theo đó là nhu cầu về BĐS phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cần Thơ hằng năm đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, tuy nhiên cần tính toán mỗi du khách tiêu bao nhiêu tiền khi dừng chân ở Cần Thơ. Dự án sân golf của TP Cần Thơ được khởi động cuối năm 2023 sẽ tạo ra nền tảng thu hút các nhà đầu tư đến Cần Thơ. Bên cạnh đó, dự án siêu thị Aeon Mall nếu sớm khởi công sẽ tạo nơi vui chơi giải trí, mua sắm cho người dân, du khách.  

Tạo ra lực cầu mới

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong thu hút FDI nước ngoài đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Theo Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, năm 2023 vừa qua, Việt Nam thực hiện công tác hội nhập, công tác đối ngoại rất tốt và đây là nền tảng rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư nước ngoài gắn với KCN được xem là phân khúc tương đối hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo khảo sát của CBRE trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực BĐS. Và 60% nhà đầu tư quan tâm đến phát triển BĐS KCN bởi phân khúc này vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.  KCN phát triển là tiền đề cho hệ sinh thái KCN phát triển. Đó chính là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bệnh viện, trường học, là hệ thống điện nước cho nhà ở xã hội, cho nhà ở tại các KCN. Cuối cùng về tiềm lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá ở top đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng khoảng 6-6,5% được dự báo đến năm 2030.  Ngoài ra Chính phủ rất quyết tâm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tư  nhân.

Ba bộ luật sửa đổi gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn. Các Luật này sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua việc mở rộng đối tượng sử dụng đất, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai (người gốc Việt Nam định cư nước ngoài được sử dụng đất và hưởng các quyền tương đối đầy đủ như công dân Việt Nam); tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài như được nhận chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong KCN, khu công nghệ cao; được khuyến khích đầu tư hạ tầng trong khu công nghệ cao và mục đích phát triển khoa học, công nghệ... Đây là bước tiến quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi, tạo sự thống nhất với Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, góp phần tăng cơ hội tiếp cận, sở hữu, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, góp phần thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh doanh BĐS và nền kinh tế.

Theo ông Dương Quốc Thủy, năm 2024 sẽ là “nền móng” vững chắc để thị trường BĐS Tây Nam Bộ có thể “cất cánh” một cách thực thụ. Những yếu tố tích cực như chính sách hỗ trợ, 3 đạo luật mới, quy hoạch mới, sự hồi phục của thị trường, đầu  tư công sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư…  Nguồn cung BĐS có khả năng khơi thông nhưng số lượng không nhiều, do các đạo Luật về BĐS chưa kịp có hiệu lực trong năm 2024. Phân khúc BĐS nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, các phân khúc căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực và dự án đất nền ở trung tâm, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024. Bên cạnh đó, cầu nhà ở tiếp tục tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, các khu vực được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị, KCN dự kiến sẽ có lực cầu mới.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết