16/04/2017 - 15:53

Đầu năm, trúng mùa tôm

Từ đầu tháng 3-2017 đến nay, diện tích thu hoạch tôm ở tỉnh Sóc Trăng chưa nhiều. Tuy nhiên, người nuôi tôm rất phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá.

Được mùa

 Từ đầu năm đến nay những hộ thu hoạch tôm đều đạt năng suất và giá bán cao.

Anh Nguyễn Văn Tùng, ở khu vực Mỹ Thanh, huyện Trần Đề, chia sẻ: "Ở đây, các hộ chỉ mới thả nuôi khoảng 30% diện tích, nhưng trúng mùa. Riêng tôi, vừa thu hoạch 1 ao diện tích 4.000m2, được khoảng 5 tấn tôm loại 60 con/kg, bán được giá 136.000 đồng/kg. Số ao còn lại có ao được 60 ngày, ao khoảng 30 ngày và tất cả tôm đang phát triển khá tốt".

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết: Năng suất tôm nuôi của anh Nguyễn Văn Tùng tuy có cao, nhưng vẫn còn kém anh Thắng, một hộ nuôi khác trong khu vực. Theo ông Nhiệm, anh Thắng vừa mới thu hoạch 2 ao tôm, mỗi ao khoảng 5.000m2, được trên 20 tấn, lời khoảng 1,5 tỉ đồng. Đến hết tuần đầu tháng 4-2017, vùng nuôi tôm huyện Trần Đề có 470ha tôm được thu hoạch, năng suất bình quân 7 tấn/ha đối với tôm thẻ; 3,5 tấn/ha đối với tôm sú nuôi thâm canh và 0,5 tấn/ha với tôm sú nuôi quảng canh cải tiến. Nông dân huyện Cù Lao Dung cũng đã thu hoạch 117ha tôm thẻ, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Tất cả đều trúng đậm.

Nhiều hộ nuôi tranh thủ thu hoạch sớm hơn, nên phần lớn tôm thu hoạch hiện nay thường đạt cỡ 80 – 100 con/kg. Theo giải thích của hộ nuôi, khi tôm cỡ 100 con/kg trở lên là bắt đầu ăn mạnh, nhưng tốc độ tăng trọng chậm lại. Vì vậy, muốn đưa tôm từ cỡ này lên mức kỳ vọng (50-70 con/kg), phải tốn thêm nhiều chi phí, trong khi giá bán lại không tăng tương ứng. Tuy có sụt giảm về giá, nhưng theo người nuôi, giá tôm hiện tại vẫn đảm bảo mức lợi nhuận khá cao, nếu thu hoạch đạt năng suất. Đây cũng chính là lý do làm nên không khí thu hoạch từ đầu tháng 4 đến nay có phần rộ hơn.

Doanh nghiệp, người nuôi đều thận trọng

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng, có nhiều nguyên nhân làm cho giá tôm trong những tháng đầu năm tăng cao. Cụ thể, một số doanh nghiệp cần đủ sản lượng để hoàn tất hợp đồng cho đối tác, nhằm tạo uy tín cho các hợp đồng tiếp theo trong năm. Nguồn tôm nguyên liệu từ một số nước sản xuất tôm lớn, như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… đều sụt giảm. Còn hiện tại, giá mặt hàng tôm xuất khẩu giảm do phần lớn các hợp đồng cũ đã hoàn tất và từ nay đến cuối tháng 4, một số nước bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm. Mặt khác, theo quy luật thị trường, từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, các hợp đồng xuất khẩu tôm thường không nhiều. Vì vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp thường chỉ ký những hợp đồng nhỏ, tập trung "nghe ngóng" thị trường, sản lượng tôm từ các nước, mới đưa ra các quyết định cho những hợp đồng lớn tiếp theo.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 7-4, toàn tỉnh thả được 5.335ha tôm nước lợ; trong đó, tôm thẻ chiếm 74,2% diện tích thả nuôi. Diện tích thu hoạch đến nay trên 1.000ha, với sản lượng 4.153 tấn và diện tích thiệt hại hiện mới chiếm 11,8%. Đánh giá về tình hình nuôi tôm đầu năm đến nay, thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: "Năm nay, tuy thời tiết không quá gay gắt như đầu năm 2016, nhưng cả ngành nông nghiệp và người nuôi đếu hết sức thận trọng. Chính sự thận trong đó đã giúp cho môi trường nuôi được ổn định, dịch bệnh ít xảy ra, nhiều diện tích thu hoạch trúng mùa, bán được giá cao".

Tuy tình hình tôm nuôi tương đối khả quan và giá bán vẫn còn ở mức khá cao, nhưng hiện mỗi tuần, trên địa bàn Sóc Trăng chỉ có khoảng 90ha tôm thả nuôi mới. Đây được xem là tín hiệu tốt về ý thức chấp hành khung lịch mùa vụ của người nuôi tôm ở vụ nuôi năm nay. Bởi theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, trong tháng 4 sẽ có nền nhiệt độ cao nhất trong năm, người nuôi nên hạn chế hoặc tốt nhất là không thả nuôi để tránh thiệt hại. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo: "Hiện nay, thời điểm nắng nóng nên độ pH trong ao tăng cao hoặc tảo độc phát triển quá mức. Vì vậy, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ kết quả quan trắc môi trường nước cũng như thông tin cảnh báo dịch bệnh của ngành chức năng để chọn được thời điểm lấy nước thích hợp".

Dù diện tích thả nuôi thấp hơn, nhưng diễn biến vụ nuôi từ đầu năm đến nay khá tương đồng so với cùng kỳ. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: Công tác cải tạo ao nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cơ bản đã hoàn tất và người nuôi chỉ còn chờ kết quả quan trắc môi trường thuận lợi là tiến hành lấy nước vào ao xử lý để thả con giống. Như vậy, phải sau tháng 5, khi mùa mưa chính thức bắt đầu, vụ tôm nước lợ năm 2017 ở Sóc Trăng mới vào vụ thả giống rộ và kéo dài đến hết tháng 9. Nhiều dự báo cho thấy, diện tích nuôi tôm sú của Sóc Trăng năm nay tiếp tục tăng khá khi giá tôm sú thời gian qua ổn định ở mức cao liên tục nhiều tháng liền. Giá tôm sú loại từ 30 – 50 con/kg hiện dao động từ 166.000 – 211.000 đồng/kg.

Bài, ảnh: Hoàng Nhã

Chia sẻ bài viết