07/12/2007 - 15:46

Về dự án mở thông luồng Định An vào Cảng Cần Thơ

Đâu là giải pháp khả thi, bền vững?

Khi thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, việc khai thông cảng biển Cần Thơ là nhu cầu thiết yếu và cấp bách để giải quyết lưu thông hàng hóa xuất-nhập khẩu tại đây, nơi được coi là trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Thế nhưng, do luồng Định An, nơi sông Hậu đổ ra biển Đông bị cát dồn, bùn lấp, khó cho tàu có trọng tải lớn vào cảng Cần Thơ. Có nhiều dự án khơi thông luồng vào cảng Cần Thơ như: Nạo vét cửa Định An không định kỳ, tìm đường tránh bãi cát ngầm bồi lắng để dắt tàu vào cảng… Mới đây, một phương án mới đã được trình lên Chính phủ: Đào kênh Quan Chánh Bố để mở thông luồng vào cảng Cần Thơ tại Đại An ( Trà Vinh). Phương án nào có hiệu quả, tiết kiệm và bền vững?

“Dã tràng xe cát”... Định An

Đó là kết quả nhiều năm thực hiện công tác nạo vét cửa biển Định An do Cục Hàng hải (Bộ GTVT) thực hiện. Trên thực tế, khối lượng cát và phù sa được nạo vét hàng năm là “không đáng kể”, nếu không muốn nói là “vô ích” khi so sánh với tổng khối lượng cát, phù sa cần phải lấy ra khỏi vùng cửa biển này. Chúng ta hãy tham khảo các số liệu của Cục Hàng hải:

Năm 2002, tổ chức hai đợt nạo vét (248.000m3 + 47.000m3), chi phí hết 9,712 tỉ đồng; năm 2003, hai đợt (463.000m3 + 23.500m3), chi phí 13,371 tỉ đồng; năm 2004, một đợt (360.000m3), tốn 14,2 tỉ đồng; năm 2005, một đợt 150.000m3, hết “tròn” 6 tỉ đồng; năm 2006, một đợt 250.000m3, chi phí 7 tỉ đồng và năm 2007 mới nạo vét 53.000m3 bằng phương tiện xáng cạp, chi phí 2 tỉ đồng. Xin lưu ý thêm, chi phí nạo vét năm 2007 chỉ bằng chi phí đưa một chiếc tàu hút bùn (loại hút bụng) từ Hải Phòng vào thi công rồi trở về nơi neo đậu cũ. Những năm từ 2006 trở về trước, có năm Công ty Bảo đảm hàng hải điều động cùng lúc tới 2 tàu hút bụng (Trần Hưng Đạo và Long Châu) cùng vào nạo vét tại cửa Định An. Như vậy, qua gần 7 năm khắc phục, theo báo cáo thống kê, đã có 1.596.300m3 đất cát và phù sa được nạo vét, với tổng chi phí 52,283 tỉ đồng. Đó là chưa kể các chi phí chuyển dịch luồng, thả phao báo hiệu và duy trì các tín hiệu dẫn luồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là độ sâu “cốt” luồng ngày càng cạn dần, từ -3,5m của thập niên 80, nay chỉ còn -2,3m. Vì thế, bất chấp những nỗ lực “cải thiện” của Cục Hàng hải, tuyến luồng Định An-sông Hậu vẫn là trở ngại chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Quá ngán ngẩm trước việc nhiều năm cứ quanh quẩn với cách nạo vét “chắp vá” đó, một cán bộ trong ngành hàng hải có gần 30 năm gắn bó với luồng Định An-sông Hậu đã “phát cáu” khi nhà báo hỏi vì sao lại thế. Theo ông, tổng khối lượng cát và phù sa cần nạo vét và đưa ra khỏi vùng cửa biển này khoảng 10 triệu m3 nhưng việc nạo vét hàng năm vừa ít ỏi, lại không đủ bù đắp lượng bồi lắng mới (hàng triệu m3/năm). Vì thế, nạo vét vừa xong thì phù sa, cát lại bồi như cũ, khó có thể thực hiện việc duy tu, bảo đảm độ sâu tối thiểu cho “lạch” chạy tàu. Nhớ lại những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, độ sâu cod luồng có mức bình quân -3,5m, tàu bè vẫn qua lại được nhờ thủy triều lên cao (khoảng 4-4,5m) vào các tháng 9, 10 trở về cuối năm. Hiện tại, theo kết quả khảo sát của Xí nghiệp 221 (Công ty Bảo đảm Hàng hải), độ sâu luồng tàu chỉ còn -2,3m. Vì vậy, tàu 5.000DWT với mớn nước khoảng 6m ra-vào còn khó, nói gì đến các tàu trọng tải 10.000DWT đầy tải hoặc tàu 20.000DWT nửa tải...

Đang lúc tình thế gần như bế tắc, bỗng “lóe” lên “giải pháp mới” của một tiến sĩ người Canada.

Có nên đào kinh tắt?

 Do luồng Định An liên tục bị bồi lắng, nên hiện nay chỉ có tàu tải trọng dưới 5.000 DWT mới có thể cập cảng Cần Thơ an toàn. Trong ảnh: Tàu Thái Sơn từ Hải Phòng cập cảng Cần Thơ để nhận các mặt hàng gỗ xuất khẩu. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Sau một thời gian nghiên cứu, xem xét, dự án của tiến sĩ Canada được Bộ GTVT đệ trình lên Chính phủ. Đến cuối tháng 1-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án mang tên “Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu” có tổng mức vốn đầu tư 3.148 tỉ đồng (khoảng 198.019.000 USD) hiện đã được triển khai nhằm cải thiện điều kiện chạy tàu, giải phóng ách tắc về nhu cầu vận tải biển ở nội-ngoại vùng ĐBSCL. Theo tính toán của Cục Hàng hải, quy mô đầu tư bao gồm các hạng mục: Luồng tàu, đê biển (bảo vệ luồng kênh biển), kè bảo vệ bờ, cầu và đường dân sinh, ga tránh tàu, các công trình khác và dự kiến khối lượng nạo vét duy tu trong tương lai. Dự kiến công trình chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 (2008-2010), chi phí 178,53 triệu USD và giai đoạn 2 (2010-2011), chi phí 11,747 triệu USD.

Cụ thể về tuyến luồng có tổng khối lượng đào mới và nạo vét là 22 triệu m3. Dự án sẽ cải tạo 6km sông Hậu (từ kênh Quan Chánh Bố về thượng lưu), 19km kênh Quan Chánh Bố được cải tạo, đào mới 9km kênh tắt “cắt” qua huyện Duyên Hải (Trà Vinh) để “trổ” ra mép nước biển (tại vị trí giữa cửa Cung Hầu và cửa Định An), tiếp tục “đi” thêm 6km kênh biển nữa để ra tới phao số 0. Tuyến luồng mới này có thể đáp ứng cho tàu biển dài 166m, rộng 25m, mớn nước đủ tải 8m với tĩnh không thông thuyền không hạn chế (?). Biện pháp thi công là đào đất, nạo vét các đoạn sông và kênh để tuyến luồng đạt mặt cắt thiết kế đáy rộng 85m, cao độ đáy -6,5m, mái dốc m=4, mặt kênh rộng 185m (ở đoạn kênh đào mới). Đoạn 6km sông Hậu có chiều rộng đáy 95m; 19km Quan Chánh Bố có đáy rộng 85m và đoạn 6km kênh biển có đáy rộng 85-150m. Đồng bộ với việc đào mới, nạo vét kể trên, từ ngoài biển vào sẽ xây dựng 2 đê biển chắn cát và giảm sóng để bảo vệ kênh biển; đê Bắc dài 2.500m và đê Nam dài 1.500m, đê có kết cấu mái nghiêng đá đổ taluy với lớp phủ bảo vệ. Tiếp đó là công trình kè bảo vệ bờ dọc 2 bên kinh tắt, kênh Quan Chánh Bố và tại ngã 3 kênh Quan Chánh Bố với sông Hậu. Kè có tổng chiều dài 27,6km, kết cấu thảm đá đặt trên vải địa kỹ thuật.

Rõ ràng, đây là một dự án tốn kém. Nhưng chưa hết, nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm còn cho rằng, hệ lụy về sinh thái, môi trường, sạt lở là hoàn toàn có thể thấy trước. Với việc đào mới kinh tắt Quan Chánh Bố, ông Trần Khiêu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, cho biết: Công trình sẽ khiến hơn 10.000 hộ dân ở hai huyện Trà Cú và Duyên Hải bị mất đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản và phải di dời nhà cửa, trong đó huyện Duyên Hải có 8.200 hộ với hơn 11.700 ha đất sản xuất và thổ cư. Kinh phí bồi hoàn sẽ rất tốn kém, việc giải tỏa mặt bằng sẽ rất khó khăn và kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp- điều này ít ai lường trước được. Vì vậy, tính khả thi của dự án sẽ còn thấp hơn nhiều nếu các yếu tố khác như tình trạng mất cân bằng thủy học, ô nhiễm môi trường, và gia tăng chi phí điều hành thủy lộ trong tương lai.

Cùng lúc đó, việc đầu tư trên dưới 10 tỉ đồng cho luồng Định An-sông Hậu vẫn được Cục Hàng hải “lên” kế hoạch nạo vét hàng năm như là một hoạt động tất nhiên. Vấn đề đặt ra là tại sao cùng lúc phải “tốn kém hai lần” như vậy ? Và liệu rằng sự tốn kém đó có giúp cải thiện thật sự tình hình bất cập tồn tại nhiều thập kỷ đến nay hay chỉ là biện pháp tránh cho cửa biển này bị bồi lấp, bị xóa tên không còn là Cửu Long nữa?

Thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nạo vét cửa luồng Định An những năm qua không mang lại hiệu quả cao, trong đó có thể do phương án nạo vét, phương tiện nạo vét, tiền nạo vét chưa phù hợp, đất nạo vét được đổ ở gần đó nên khó tránh khỏi việc bồi lắng trở lại,... Để giải quyết vấn đề độ sâu cửa Định An, Nhà nước đã có dự án mở kênh tắt Quan Chánh Bố. Đến nay có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản biện cần được xem xét nghiêm túc.

Phương án khả thi?

Nhằm giải quyết trước mắt và lâu dài, có tính khả thi trong việc khai thông cửa Định An, cần có phương án cho nạo vét cửa Định An với quy mô lớn, đoạn thường xuyên bị bồi lắng dài khoảng 5 đến 6 km cho nạo đến độ sâu khoảng âm 8 đến âm 10 mét. Đoạn còn lại khoảng 7 km, cho nạo vét đến độ sâu trên 6 mét. Cả tuyến dài khoảng 13 km đạt độ sâu trên 6 mét, rộng khoảng 1.000 mét (đã tiếp nhận được tàu trên 1 vạn tấn), cho phép tận thu đất, cát nạo vét để bán vừa bù đắp được phần nào chi phí, vừa không bồi lắng trở lại luồng.

Trả lời báo chí về giải pháp sớm thông luồng mang tính bền vững cho cửa Định An, một đồng chí lãnh đạo thành phố Cần Thơ cho biết: Singapore đã đề nghị được thi công nạo vét cát cửa Định An với kỹ thuật và phương tiện nạo vét đảm bảo tin cậy. Số cát vét lên tới đâu họ mua tới đó. Theo một số nhà khoa học chuyên sâu về hàng hải và cảng biển: Nếu chấp thuận phương án này (nạo vét 40 triệu m3 cát và sa bồi, trên chiều dài tuyến luồng 14 km từ gần phao số 0 trở vào và bề rộng 1km), chẳng những chúng ta không tốn đồng chi phí nào mà còn thu về 40 triệu USD từ số cát do Singapore nạo vét. Số ngoại tệ này hoàn toàn có thể mua được hai chiếc tàu nạo vét loại “xịn” để chuyên lo việc duy tu nạo vét hàng năm trong tương lai. Đặc biệt, “phương án Singapore” (tạm gọi như vậy) có thể triển khai ngay và thời gian chắc chắn sẽ ngắn hơn năm 2011. Sau này có thể giao tàu nạo vét cho Cảng vụ Cần Thơ trực tiếp nạo vét thường xuyên, không để khối cát đáy luồng quá dày rồi mới nạo vét. Tính ra, chỉ riêng chi phí cho một “tua” vào-ra của hai tàu hút bụng từ Hải Phòng vào đã tốn kém ít nhất 4 tỉ đồng.

Mặc dù phương án đào kênh tắt Quan Chánh Bố đã “lên” kế hoạch nhưng hiện tại, chuyển động thực tế vẫn còn “im ắng”. Hy vọng, những ý kiến trên đây về thủy lộ Định An sẽ được Chính phủ xem xét kịp thời, hiệu quả trong tình hình ngân sách của ta hiện nay.

CHU MÃ GIANG - HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết