Việt Nam - Nhật Bản có mối quan hệ giao lưu văn hóa, con người từ gần 1.500 năm trước. Mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” giữa hai nước hiện nay ngày càng bền chặt, thân tình. Đó là những điều được nói đến nhiều tại Hội thảo khoa học quốc tế “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ĐBSCL - Cần Thơ năm 2018” vừa diễn ra tại Cần Thơ. Riêng tại ĐBSCL và Cần Thơ, tình hữu nghị với đất nước Mặt Trời Mọc qua mỗi giai đoạn lại ghi thêm nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (thứ 10 và 11, từ trái sang) chụp hình cùng đại biểu tham dự hội thảo.
Chuyện từ Trường Ðại học Cần Thơ
Thành lập năm 1966, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) hiện là cơ sở trọng điểm với trọng trách đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học cho vùng ĐBSCL và cả nước. Trong những thành tựu mà nhà trường có được hôm nay, Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản có tính liên tục và kết nối với sự phát triển của nhà trường. Điểm nhấn là trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, nhà trường đã nhận được nhiều tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đáng nhớ nhất là Dự án JICA xây dựng mới Khoa Nông nghiệp (hiện nay là Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng) - Trường ĐHCT, hoàn thành năm 1996. Nội dung dự án bao gồm xây mới trụ sở Khoa, đầu tư mới nhiều phòng thí nghiệm cho lĩnh vực cây trồng, đất đai, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, môi trường, chế biến thực phẩm và nuôi trồng thủy sản. Rất đông thầy cô của Khoa được tập huấn và đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau tại Trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo. Nhờ vậy, đến nay Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng là một trong những đơn vị hàng đầu của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này.
Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn cũng cho biết, hiện nhà trường đang thực hiện Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT trở thành trường đại học tiên tiến xuất sắc trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường; tập trung vào 3 vấn đề: Nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và nâng cao năng lực quản lý quản trị đại học; Tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan trong 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường. Ông Tsunoda Manabu, Cố vấn trưởng dự án, cho biết, JICA rất tin tưởng tính khả thi, năng lực và hiệu quả mang lại đối với Trường ĐHCT.
Đồng hành trong nghiên cứu và phát triển Trường ĐHCT trong 52 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học Nhật Bản. Đó là Giáo sư Yasuo Ohta, người gắn bó cả cuộc đời với ĐHCT; hay là công trình của Giáo sư Shibuya Setsuko thực hiện tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy trong giai đoạn 1997-2015 về sự phát triển kinh tế của địa phương và mối quan hệ họ hàng, làng xóm trong bối cảnh đó…
Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn còn kể một câu chuyện khiến nhiều đại biểu thích thú, quan tâm. Đó là chuyện “con cá bống cát của Nhật Hoàng” - dấu ấn lịch sử của Cần Thơ và Trường ĐHCT với Hoàng gia Nhật Bản. Chuyện là năm 1972, Hoàng Thái tử Akihito (nay là đương kim Nhật Hoàng) đã đến Cần Thơ để thực hiện công trình nghiên cứu con cá bống cát được chính Ngài sưu tập trên sông Cần Thơ, đoạn từ bến Ninh Kiều đến chợ Cái Răng. Con cá bống cát ở Cần Thơ khiến Nhật Hoàng rất thích thú và chính Ngài đã đi đăng ký giống mới cho loài cá nước ngọt này. Tháng 5-2009, được sự ủy thác của Nhật Hoàng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng bài báo cáo khoa học của Nhật hoàng Akihito về con cá bống cát cho Trường ĐHCT. “Hiện vật quý này đang được nhà trường lưu giữ ở phòng truyền thống như một biểu tượng sinh động cho mối bang giao và tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”, Giáo sư- Tiến sĩ Hà Thanh Toàn cho biết.
Du lịch, bài học từ nước Nhật
Thạc sĩ Trương Thị Kim Thủy, Trường ĐHCT, công bố kết quả khảo sát, thời điểm đi du lịch nhiều của người Nhật là dịp đầu năm mới, nghỉ Xuân tháng 3, tuần lễ vàng đầu tháng 5, lễ Obon vào tháng 8 và trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến cuối năm. Đây cũng là mốc thời gian thuận lợi cho du lịch ĐBSCL đón khách với các tour, tuyến Tết miệt vườn, du lịch hè, du lịch mùa nước nổi. Với tài nguyên phong phú như miệt vườn, sông nước, di sản văn hóa… ĐBSCL luôn có một sức hút với du khách Nhật. Bà Thủy cũng chỉ ra nhiều điểm đến tiềm năng khai thác phục vụ du khách Nhật ở ĐBSCL, riêng tại Cần Thơ có: chợ nổi Cái Răng, khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, vườn cò Bằng Lăng…
Từ góc nhìn về phát triển du lịch nông thôn tại Nhật Bản, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Minh Châu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, gợi ý nhiều vấn đề hay cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL. Có 5 “bí quyết” để thành công trong phát triển du lịch nông thôn Nhật Bản mà Tiến sĩ Châu chỉ ra qua khảo sát, nghiên cứu, đối chiếu. Đầu tiên, đó là nỗ lực của chính người nông dân thông qua sự nhiệt tình, năng động trong vận hành, quảng bá và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thứ hai là sự truyền tải “tinh thần nông thôn” trong từng gia đình, họ tộc. Thứ ba là khai thác đa dạng hoạt động du lịch nông thôn dựa trên đặc điểm tự nhiên địa phương. Thứ tư là sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Và cuối cùng, đó là sự tham gia của cả cộng đồng. Soi chiếu vào những điều này, Cần Thơ rất có tiềm năng phát triển, tiêu biểu như cồn Sơn (Bình Thủy), cồn Tân Lộc (Thốt Nốt) hay miệt vườn Phong Điền.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA), năm 2017, doanh thu từ khách du lịch quốc tế của nước này đạt mức 39,87 tỉ USD. Ngoài tài nguyên du lịch bản địa, Chính phủ Nhật Bản còn có những chính sách thu hút du khách hiệu quả, đơn cử là việc giảm bớt các quy định về thị thực đối với khách du lịch một số nước châu Á, nhất là ASEAN. Hay việc Chính phủ Nhật Bản cho phép tăng số giờ cất, hạ cánh của máy bay tại các sân bay và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng khách sạn mới. Riêng số du khách Việt Nam đến với Nhật Bản khoảng 300.000 lượt vào năm 2017.
Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam với gần 800.000 lượt khách đến Việt Nam vào năm 2017 và dự báo con số này sẽ tăng lên 1 triệu lượt vào cuối năm nay. Thành quả này có được là nhờ những năm gần đây, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa hai nước ngày càng sôi động; hai nước tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lẫn nhau. Tiêu biểu nhất ở ĐBSCL chính là Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản diễn ra hằng năm tại Cần Thơ đã tạo nhịp cầu để người dân Cần Thơ và các bạn Nhật Bản vun đắp tình hữu nghị.
Ngoài ra, một số điểm tương đồng giữa văn hóa Nhật Bản và vùng ĐBSCL được chỉ ra như những tiềm năng cần khai thác để phát triển du lịch trong thời gian tới như trà đạo, ẩm thực, sân khấu truyền thống, văn hóa trong gia đình…
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh