18/05/2017 - 21:56

Dấu ấn của Phiên chợ Xanh - Tử tế

Tham gia Phiên chợ Xanh- Tử tế với tiêu chí an toàn và chất lượng, nên các mặt hàng nông đặc sản của nhiều nông gia, hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL được người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh tin dùng. Đây là cơ hội giúp người dân trồng nông sản "sạch" giải quyết bài toán tiêu thụ ổn định và nâng cao thu nhập.

Kết nối thị trường

 Khách hàng ở TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về các loại trái cây của ĐBSCL tại Phiên chợ Xanh-Tử tế tổ chức vào cuối tháng 4 năm 2017.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)- Đơn vị tổ chức Phiên chợ Xanh-Tử tế, cho biết: Phiên chợ Xanh-Tử tế là cơ hội để người trồng nông sản "sạch" tìm hiểu nhu cầu và kết nối tiêu dùng tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh có thể tiếp cận với các mặt hàng nông sản được trồng theo quy trình "sạch", đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Khởi điểm vào đầu năm 2016, theo BSA, ban đầu mỗi phiên chợ diễn ra 2 lần/1 tháng (vào thứ 7 và chủ nhật) của tuần thứ 1 và thứ 3 trong tháng tại số 163 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ước tính, mỗi phiên chợ đón trên 1.000 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm. Qua mỗi phiên chợ, nhu cầu khách hàng mua các loại thực phẩm khô hay các loại rau, củ quả "sạch" ngày một tăng. Đáp ứng nhu cầu này, BSA đã tổ chức thêm một địa điểm tại số 135A Pasteur, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh và phiên chợ này hoạt động vào cuối tuần thứ 2 và 4 hàng tháng. Việc gia tăng thêm Phiên chợ Xanh-Tử tế vào mỗi tháng nhằm tạo cơ hội cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh dễ dàng mua các loại nông sản "sạch", đảm bảo an toàn cho sức khỏe...

Đến với Phiên chợ Xanh-Tử tế, người tiêu dùng và người sản xuất nông sản "sạch" có cơ hội trao đổi từ quy trình nuôi trồng đến cách chế biến và sử dụng các loại nông sản… Nhờ đó, người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ và quy trình làm ra thành phẩm nên yên tâm mua hàng tại phiên chợ. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, phường 4, quận 10, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Phiên chợ tập trung nhiều mặt hàng đặc sản đặc trưng của nhiều địa phương và điều khiến tôi an tâm mua hàng ở phiên chợ này là các mặt hàng đều được cam kết sản xuất theo tiêu chí "sạch", đảm bảo an toàn sức khỏe. Những ngày cuối tuần, tôi thường đến Phiên chợ Xanh-Tử tế chọn mua các loại thực phẩm khô hay mua các loại rau, củ tươi để chế biến bữa ăn cho gia đình".

Hút khách nhờ chữ tín

Sau gần một năm tham gia phiên chợ, nhiều mặt hàng đặc sản của vùng ĐBSCL, như: gạo hữu cơ Tâm Việt ở tỉnh Đồng Tháp, nước mắm rươi Long Vinh ở tỉnh Trà Vinh, mứt mãng cầu xiêm, nước cốt mãng cầu của Cơ sở sản xuất Thuận Thiên Thành ở tỉnh Đồng Tháp hay tương Phước Khang ở tỉnh Vĩnh Long, trà khổ qua rừng của cơ sở Thuận Lộc ở TP Cần Thơ… không chỉ thu hút khách hàng mà còn tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh. Điển hình như mặt hàng gạo hữu cơ Tâm Việt đến từ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp được trồng theo quy trình tự nhiên, chất lượng hạt gạo đảm bảo ngon và "sạch" luôn đắt khách tại các Phiên chợ Xanh-Tử tế. Dấu ấn của gạo Tâm Việt đối với người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh không chỉ đóng gói bao bì đẹp mà slogan gạo an toàn Tâm Việt -"Tâm của người Việt" đã tạo dấu ấn đẹp với người tiêu dùng. Vì thế, trong nhiều Phiên chợ, gạo Tâm Việt không đủ hàng cung cho người tiêu dùng.

Các mặt hàng thực phẩm khô của ĐBSCL, như: tôm, cá khô các loại… cũng trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh đón nhận. Anh Phạm Xuân Thành, chuyên doanh mặt hàng tôm khô, tôm thẻ đông lạnh ở tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tham gia Phiên chợ Xanh-Tử tế gần 1 năm rồi, nên chất lượng sản phẩm cũng như uy tín các mặt hàng tôm thẻ đông lạnh và tôm khô của Cà Mau trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh. Điều khiến khách hàng hài lòng và chọn mua tôm của chúng tôi là chất lượng tôm đảm bảo chắc thịt và ngọt vì được nuôi theo quy trình tự nhiên ở rừng ngập mặn, không ăn thức ăn công nghiệp, không sử dụng chất kháng sinh,… Ước tính trong 2 ngày diễn ra phiên chợ bình quân, chúng tôi bán trên dưới 30kg tôm đông lạnh và vài ký tôm khô".

Ngoài ra, ở mỗi Phiên chợ Xanh-Tử tế, các chuyên gia đầu ngành còn hướng dẫn cho nông dân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cách trưng bày hàng hóa, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, huấn luyện kinh nghiệm bán hàng, giao tiếp khách hàng… để nông dân, cơ sở sản xuất và các hợp tác xã nông nghiệp có thêm kinh nghiệm thực tế trong sản xuất và kinh doanh. Sau mỗi phiên chợ, những người sản xuất nông sản "sạch" sẽ có kế hoạch triển khai nuôi trồng các loại cây con hoặc chế biến sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng và phù hợp nhu cầu cũng như thị hiếu của người dân TP Hồ Chí Minh. 

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết