Thương mại điện tử (TMĐT) với các đặc tính ưu việt đã trở thành là xu hướng phát triển của thương mại trên thế giới. TMĐT đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. TMĐT giúp DN mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất, cải thiện hệ thống phân phối, tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường. TMĐT giúp cho người tiêu dùng mua hàng hóa với giá thấp hơn, giao hàng nhanh hơn, mở rộng sự lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ, nắm bắt thông tin về sản phẩm phong phú, thuận tiện hơn. Ngoài ra, TMĐT cũng giúp các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, các dịch vụ công của Chính phủ
được thực hiện qua mạng với chi phí thấp hơn, thuận tiện hơn. Trao đổi với Báo Cần Thơ về ứng dụng TMĐT trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết:
- Những năm qua, thành phố nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TMĐT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các cơ quan của nhà nước, quận, huyện, xã, phường, thị trấn của thành phố đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng được nhiều phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. UBND thành phố và các Sở, ngành đã xây dựng được trang thông tin điện tử riêng, tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của thành phố trên Internet và triển khai ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, như: phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, một số doanh nghiệp cũng xây dựng website riêng để quảng bá, trao đổi thông tin và giao dịch trực tuyến qua mạng.
Riêng Sở Công Thương đã xây dựng, nâng cấp cổng, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, cung cấp thông tin hoạt động, văn bản quy phạm pháp luật, quản lý Nhà nước, hướng dẫn thủ tục, giải đáp thắc mắc... Cổng thông tin của Sở từng bước trở thành cầu nối thông tin giữa người dân và cơ quan nhà nước. Thông qua trang thông tin điện tử, các thông tin hoạt động, chỉ đạo điều hành, các dịch vụ hành chính công của cơ quan đã đến được với người dân nhanh chóng, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp có thể trao đổi, gửi ý kiến cần giải đáp tới các cơ quan nhà nước.
Việc ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố còn những hạn chế nào, thưa ông?
 |
Ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ. Ảnh: MỸ HOA |
- Dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có người chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT trên địa bàn thành phố vẫn chưa được chú trọng.
Xin ông cho biết thời gian qua Sở Công thương TP Cần Thơ đã triển khai những giải pháp gì nhằm khắc phục những hạn chế trên?
- Công tác tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế. Vì vậy, thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức thành công 1 lớp tập huấn chuyên sâu kiến thức về TMĐT. Qua đó giúp cán bộ quản lý nhà nước hiểu rõ hơn về lợi ích của TMĐT; tiếp cận các mô hình và hệ thống pháp luật TMĐT Việt Nam và trên thế giới. Từ đó lập các kế hoạch triển khai TMĐT tại cơ quan, đồng thời nắm rõ những kỹ năng cần thiết để triển khai và ứng dụng các hoạt động TMĐT trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.
Thời gian tới, việc tập huấn chuyên sâu kiến thức về TMĐT tại TP Cần Thơ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở Công thương TP Cần Thơ đã hoàn thành và sẽ triển khai thực hiện Đề án "Tập huấn chuyên sâu kiến thức về TMĐT tại TP Cần Thơ" trong quý III-2017. trong thời gian 1 ngày, khoảng 100 cán bộ, đại diện doanh nghiệp sẽ được trang bị các kiến thức như: Các văn bản quy phạm pháp luật mới và chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Hồ sơ, thủ tục và quy trình thông báo, đăng ký website TMĐT. Mô hình hoạt động TMĐT quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BCT. Tình hình thực thi, kiểm tra, xử lý vi phạm và các chế tài quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong và tình hình thực thi pháp luật trong TMĐT ở Việt Nam. Tác động của TMĐT tới thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Ngoài ra, các học viên sẽ thảo luận về vấn đề thanh toán qua mạng và hiệu quả ứng dụng TMĐT...
Hy vọng rằng qua việc tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT theo khóa tập huấn ngắn hạn, Đề án sẽ hỗ trợ thiết thực cán bộ quản lý nhà nước hiểu và nắm rõ quy định pháp luật TMĐT; góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp khi tham gia TMĐT, tăng năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Quang Đăng (thực hiện)