Trong bốn ngôi chùa cổ kính ở thành phố Cần Thơ được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, có một ngôi chùa đặc biệt, không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp kiến trúc, mà còn bởi lịch sử hình thành và phát triển của chùa gắn liền với phong trào cứu nước của dân tộc từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta.
Đó là chùa Nam Nhã Đường tọa lạc tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Từ phía chợ Cần Thơ đi lên, rẽ sang tay phải vào con đường nhỏ khoảng 50 mét là đến chùa. Trước ngôi chùa có một cổng cao to nổi bật tấm biển chữ lớn: “Nam Nhã Đường”, cùng đôi liễn gắn hai bên cột, khắc hai câu đối bày tỏ đạo nghĩa sâu xa:
“Nam địa độ nguyên nhân. Bát Nhã cầm thinh thông giác lộ
Nhà đình chiêu thiện khách. Bồ Đề thủ ảnh cái thiên môn”
Tạm dịch:
“Đất Nam độ người cùng nguồn gốc. Tiếng Bát Nhã mở thông đường giác ngộ
Nhã đình đón khách hiền nhân. Bóng Bồ Đề tỏa rộng quanh cửa Phật”.
Chùa Nam Nhã Đường được lập nên trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Cần Thơ ngày xưa. Năm 1862 thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ theo hòa ước của triều đình Huế. Qua năm 1867 thực dân Pháp bất chấp hòa ước đã ký, ngang nhiên chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trong đó, có huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa) thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Nhân dân khắp Nam kỳ lục tỉnh không chịu khuất phục đồng loạt nổi lên khởi nghĩa chống Pháp, trong đó có cuộc khởi nghĩa của nông dân Ba Láng – Phong Điền – Trà Niềng (Cần Thơ xưa) do anh hùng trẻ tuổi Đinh Sâm lãnh đạo.
Một góc Nam Nhã Đường. Ảnh: DUY KHÔI
Cũng trong thời gian Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, tại vùng Phong Phú (Cần Thơ), đồng thời với các cuộc khởi nghĩa vũ trang khắp nơi, nổi lên phong trào đấu tranh văn hóa công khai chống Pháp, do các sĩ phu yêu nước khởi xướng. Điển hình là cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh kiên quyết không hợp tác với Pháp, trở về vùng Bình Thủy quê hương bốc thuốc trị bệnh cứu người, vừa mở trường học, dạy các đệ tử nối chí cha ông phục quốc. Hai là cụ Phan Văn Trị công khai phản đối xu thế làm tay sai cho giặc của Tổng đốc Trần Bá Lộc và Tri phủ Tôn Thọ Tường. Cụ cử Trị cũng về vùng Trà Niềng – Phong Điền vừa dạy học, làm thuốc, vừa tiến hành cuộc bút chiến lịch sử với Tôn Thọ Tường- tay sai Pháp, bằng những bài thơ cổ vũ lòng yêu nước thương dân và bất hợp tác với Pháp.
Tuy nhiên, từ năm 1868 trở đi, các cuộc khởi nghĩa của dân ta bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Huyện Phong Phú – Trấn Giang hoàn toàn bị Pháp chiếm đóng và đặt tên đất này thành hạt Cần Thơ (sau đổi thành tỉnh Cần Thơ).
Đến năm 1890, 14 năm sau ngày Pháp quyết định lập ra hạt Cần Thơ và 8 năm sau ngày cụ Bùi Hữu Nghĩa tạ thế, ông Nguyễn Giác Duyên, một học trò của cụ thủ khoa quyết định dời nhà từ ấp Bình Nhựt (gần đầu cầu Bình Thủy) ra chợ Bình Thủy lập một cửa hiệu thuốc Bắc lấy hiệu là Nam Nhã Đường vừa trị bệnh cứu dân, vừa tìm bạn đồng chí hướng tìm đường phục quốc.
Ít lâu sau, ông Đình Hảo Khiêm, Ngô Cẩn Tiến ở chùa Nam Quang Đường (Đa Kao, Sài Gòn) xuống Bình Thủy truyền bá đạo Minh Sư thời Tam Giáo (Phật – Nho – Lão). Ông Nguyễn Giác Duyên cùng một số bằng hữu tâm giao quyết định nhập đạo Minh Sư.
Năm 1895, ông Nguyễn Giác Duyên đóng cửa hiệu thuốc Bắc và trở về ấp Bình Nhựt lập ngôi chùa mang tên Nam Nhã Đường. Thời gian đầu chùa xây dựng đơn sơ ba căn, cột cây, lợp ngói. Mười năm sau chùa được mở rộng lên năm căn, hai chái.
Thuở ấy, phong trào Đông Du do nhà yêu nước Phan Bội Châu lãnh đạo đang vận động các sĩ phu yêu nước, các nhà công thương có xu hướng chống Pháp, bí mật đưa con em sang du học ở Nhật để tìm phương cứu nước. Ông Phan Bội Châu còn đề xướng lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam gồm nhiều sĩ phu yêu nước như Nguyễn Hàm, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân… Kỳ ngoại hầu Cường Để, cháu đích tôn 6 đời của Vua Gia Long được tôn làm Hội chủ để tìm đường phục quốc cứu nước. Phong trào Đông Du đã gây ảnh hưởng lớn trong cả nước. Đặc biệt ở Cần Thơ, Hậu Giang phong trào nổi lên khá mạnh. Năm 1902, ông Nguyễn Thần Hiến là một nhà yêu nước, đang giữ chức Ủy viên Hội đồng địa hạt Hà Tiên, viện lý do mẫu thân qua đời, lo chịu tang báo hiếu, xin từ chức Hội đồng về Cần Thơ tham gia phong trào Đông Du. Đầu năm 1904, sau khi gặp cụ Phan Bội Châu tại Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Nguyễn Thần Hiến trở về Nam Nhã Đường cùng lão sư Nguyễn Giác Duyên tập hợp một số thiện nam, tín nữ và một số thanh niên yêu nước để vận động phong trào Đông Du ở Cần Thơ. Trong cuộc họp này, có mặt ông Nguyễn Doãn Cung (em ông Nguyễn Giác Duyên), ông Trương Văn Đạt (thầy Ba Quy), ông Dương Văn Đạt (thầy Ba Chệt)…
Tháng 12-1913, Kỳ ngoại hầu Cường Để vào Nam và có đến chùa Nam Nhã Đường cùng lão sư Nguyễn Giác Duyên bàn chuyện Đông Du. Sau khi ông Cường Để rời Cần Thơ, Pháp phát hiện được, chùa Nam Nhã Đường bị đóng cửa và lão sư Nguyễn Giác Duyên bị bắt giam tại khám lớn (Mỹ Tho). Sáu tháng trong nhà tù thực dân Pháp, lão sư đã bộc lộ phẫn uất bọn cướp nước và ý chí của mình qua bài thơ “Con Rệp”:
“Loài rệp có đâu, nhóm cả bầy
Nhân dân huyết cạn cũng vì mày
Núp trong kẹt ghế toan châm chích
Chui đục gầm giường để cắn tay
Hút máu chẳng thương người chắc lưỡi
Cắn da không ngại kẻ nhăn mày
Nước sôi tạm đỡ cho ta tắm
Rõ mặt một phen ấy lúc này”
Vì không có chứng cứ buộc tội, Pháp phải thả lão sư Nguyễn Giác Duyên. Chùa Nam Nhã Đường tiếp tục hoạt động. Thiện nam tín nữ lại tựu về đông đảo.
Cuối năm 1917, chùa khởi công tái thiết lần nữa. Nhưng ngày 22-12-1917, lão sư Nguyễn Giác Duyên viên tịch. Lão sư Trần Văn Nhiễu kế vị trụ trì và cùng với bà Thái Tư, bà Thái Năm tiếp tục công trình xây dựng lại chính điện. Các vị chức sắc và thiện nam tín nữ trong chùa vẫn nối tiếp truyền thống và tâm nguyện của lão sư Nguyễn Giác Duyên là chiêu đón khách hiền yêu nước, hành sự tu nhân độ thế và giữ tròn đạo nghĩa với non sông.
Đến ngày 7-9-1926, một số thiện nam tín nữ trong chùa cùng thanh niên yêu nước ở Cần Thơ như Châu Văn Liêm, Trần Ngọc Quế, Lê Văn Sô, Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Trần Kỳ Ngưu, Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Minh Chiếu, Trần Minh Quang… đã tiến hành họp kín tại chùa Nam Nhã Đường để thành lập Việt Nam Quang phục Hội ở Cần Thơ (sau đó đổi tên thành Việt Nam Phục quốc Hội). Nhiều vị trong tổ chức này về sau đã gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và lần lượt trở thành những đảng viên Đảng Cộng sản tiền bối ở Cần Thơ.
Qua giữa năm 1929, sau khi đi dự Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Hương Cảng, đồng chí Châu Văn Liêm và các đồng chí trong kỳ ủy Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam kỳ trở về Sài Gòn quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ. Ban chấp hành lâm thời gồm có năm đồng chí, do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư. Sau đó, đồng chí Châu Văn Liêm về Cần Thơ chỉ đạo thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng ở Hậu Giang do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư.
Lúc bấy giờ, do có mối quan hệ gắn bó với các chức sắc trụ trì chùa Nam Nhã Đường, nên đồng chí Châu Văn Liêm vẫn chọn nơi thanh tịnh và kín đáo này để liên lạc giữa An Nam Cộng sản Đảng và Đặc ủy Hậu Giang.
Ngày 3-2-1930, ba tổ chức Cộng sản Đảng ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ hợp nhất hình thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Nam kỳ, đã thành lập Ban Chấp hành lâm thời xứ ủy Nam kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Theo sách viết về đồng chí Ngô Gia Tự có nhiều lần về chùa Nam Nhã Đường để liên lạc với các chiến sĩ cộng sản tại Cần Thơ.
Tại chùa Nam Nhã Đường hơn 100 năm tuổi này, nhiều chức sắc và thiện nam tín nữ đạo Minh Sư ở Cần Thơ ngay từ đầu thành lập chùa đã gắn liền con đường tu nhân độ thế với đạo nghĩa cứu nước của dân tộc. Các vị đã tô đậm đạo giáo Việt Nam, trước sau vẫn đồng hành cùng dân tộc.
Từ thành tích và truyền thống trên, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 16-01-1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định truy tặng “Bằng có công với nước” cho ông Nguyễn Giác Duyên, vị lão sư trụ trì đầu tiên của chùa Nam Nhã Đường. Bộ Văn hóa – Thông tin đã ban hành Quyết định số 154/QĐ ngày 25-4-1991, công nhận chùa Nam Nhã Đường là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Huỳnh Thương