24/05/2012 - 22:04

KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Đánh giá đúng "sức khỏe" nền kinh tế để có "thuốc" phù hợp

Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, đã cơ bản phản ánh được những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được và đề ra được những giải pháp trọng tâm điều hành để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2012, nhưng lại chưa đánh giá được hết tình trạng “sức khỏe” đáng ngại của nền kinh tế để “bốc” được đúng “phương thuốc” hữu hiệu trị “bệnh”. Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ sáng 24-5.

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ sáng 24-5 đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành vĩ mô, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhờ vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực nhờ những giải pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt. Mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm và thực hiện tốt. Tuy vậy, một số đại biểu bày tỏ lo ngại khi báo cáo đánh giá của Chính phủ về kinh tế xã hội năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 có quá nhiều “màu hồng”. Các đại biểu cũng chỉ rõ: Đánh giá của Chính phủ vẫn chung chung và bản chất vấn đề chưa được làm rõ nên giải pháp chưa sát thực, cụ thể. Vì vậy, nhiều hạn chế của nền kinh tế xã hội đã được nêu đi nêu lại nhiều năm nhưng vẫn chưa được cải thiện. Nhiều đại biểu đã chỉ ra: Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Đặc biệt, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đúng hướng nhưng vào thời điểm hiện nay đã bắt đầu bộc lộ các “tác dụng phụ” không mong muốn như: Sản xuất đình đốn, việc làm cho người lao động bị giảm mạnh, hàng tồn kho lớn do sức mua thấp.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu đã đề ra về kinh tế, xã hội, Chính phủ cần phải đề ra các giải pháp rõ ràng và cụ thể hơn. Nhiều đại biểu cho rằng: Chính phủ cần lấy ý kiến trực tiếp doanh nghiệp để các giải pháp của Chính phủ có hiệu quả thiết thực với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước ở từng địa phương phải quản lý được việc cấp phép dự án, tránh hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới lãng phí. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí; cũng như đánh giá lại mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, đánh giá lại sự đóng góp của các thành phân kinh tế để có “liều thuốc” hữu hiệu hơn.

KIM ANH-HOÀNG TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết