17/12/2012 - 21:03

THẠC SĨ LÊ THÁI DƯƠNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ NÔNG NGHIỆP NAM BỘ:

Đánh giá chính xác năng lực đào tạo để điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu xã hội

Chuyên gia của Tổ chức KWT (Hà Lan) cùng giảng viên của CEA trao đổi về phương pháp giảng dạy trên các thiết bị.

Trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 42 năm qua, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (CEA) đã cung cấp hàng ngàn cán bộ ở lĩnh vực cơ điện, nông nghiệp cho địa phương. Thời gian gần đây trường đã không ngừng đầu tư nguồn lực, đổi mới nội dung, chương trình, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Xung quanh vấn đề này, thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng CEA, cho biết:

- Một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục là đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Vì thế, những năm qua, trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị thực hành thực tập. CEA còn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, giảng viên. Năm học 2012-2013, nhà trường khắc phục mọi khó khăn để tập trung thực hiện chiến lược phát triển trường giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn đến năm 2020 gắn với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; tiếp tục phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Cụ thể, giảng viên phải làm tốt nhiệm vụ để giáo dục học sinh sinh viên (HSSV) toàn diện về kiến thức- kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức, kỹ năng sống; chú trọng tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. HSSV cần xác định được mục tiêu học tập, chấp hành qui chế của nhà trường, tu dưỡng rèn luyện đạo đức… Trường hiện có 165 cán bộ, giảng viên; trong đó có 145 giảng viên. Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 50%. CEA đang đào tạo khoảng 4.500 HSSV chính quy.

* Doanh nghiệp thường hay phàn nàn về chất lượng HSSV ở các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu nên phải tốn chi phí đào tạo lại. Ông có ý kiến ra sao và CEA đã thực hiện giải pháp gì để tạo thương hiệu của mình?

- Là trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với bề dày 42 năm hình thành và phát triển, CEA có nhiều lợi thế, đủ tự tin để khẳng định thương hiệu của mình. Tôi không phủ nhận chuyện doanh nghiệp phàn nàn về tay nghề của HSSV chưa đáp ứng yêu cầu nhưng phải xét trên nhiều phương diện. Bởi vì, HSSV không phải yếu về chuyên môn, tay nghề mà là kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỷ luật, tác phong làm việc; trong khi yếu tố này doanh nghiệp rất cần. Vì thế, trường đã đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời chú trọng thực hiện chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của HSSV, giúp các em thích ứng nhanh với yêu cầu của doanh nghiệp. Trường phải đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy, việc học của trò. Người thầy phải nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức thực tế. Người học trong thời gian thực tập ở doanh nghiệp phải làm quen, thích ứng công việc. Do vậy, trong chương trình đào tạo, trường lồng ghép vào kỹ năng sống cho HSSV, thông qua hoạt động đối thoại, đoàn thể… nhằm giúp các em mạnh dạn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo; tránh đào tạo theo kiểu rập khuôn, áp đặt. Để làm được điều này, trường phải trang bị đủ thiết bị thực hành truyền thống, hiện đại; giảng dạy cho HSSV đi từ thiết bị cũ đến thiết bị mới để các em tiếp thu, thích ứng quá trình thay đổi này. Như thế, HSSV ra trường sẽ thích ứng dễ dàng hơn.

Qua thống kê của trường, bình quân hằng năm 75%-80% HSSV của CEA ra trường tìm được việc làm; trong đó một số ngành có 100% HSSV ra trường có việc làm như: điện, gia công cơ khí, nông nghiệp.

* Trường định hướng phát triển như thế nào trong tương lai, thưa ông?

- Như trên đã nói, ngoài việc tăng cường đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, con người, trường tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo ở các ngành, sát với nhu cầu thực tế địa phương, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế. Thời gian qua, trường đã đặt mối quan hệ hợp tác với Tổ chức KWT (Hà Lan). Chuyên gia Hà Lan đã hỗ trợ trường rất nhiều trong việc xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy… Tùy theo ngành học, trường tăng cường trang bị kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng dụng tốt vào công việc. Sắp tới, từ nguồn vốn vay ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), trường sẽ đầu tư 3,5 tỉ đồng trang bị thêm thiết bị thực hành, thực tập, phục vụ cho ngành công nghệ ô tô. CEA tiếp tục mở rộng qui mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Năm 2013, trường sẽ thực hiện tiểu đề án khảo sát việc làm của HSSV sau khi tốt nghiệp trong 10 năm trở lại đây. Trường sẽ giao nhiệm vụ cho mỗi khoa để khảo sát thực tế ở các doanh nghiệp. Qua đó, CEA đánh giá chính xác năng lực đào tạo của mình để điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu xã hội.

* Thưa ông, để "đầu ra" thực sự đạt hiệu quả, trường cần hỗ trợ gì?

- Hiện nay, CEA đang phối hợp với hơn 40 đơn vị sử dụng lao động, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo. Trong chương trình đào tạo, HSSV sẽ thực tập, thực hành tại doanh nghiệp khoảng 3 tháng. Vì thế, trường rất mong sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc bố trí công việc phù hợp cho HSSV. Bên cạnh đó, cần có cơ chế của nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo với các trường. Nhà nước thống kê chính xác trong 5 năm qua, doanh nghiệp nào tham gia đào tạo với các trường đạt hiệu quả, có thể giảm thuế. Nếu sự hợp tác của doanh nghiệp- trường thường xuyên sẽ giúp trường nâng cao hiệu quả đào tạo; các doanh nghiệp có thể tìm được HSSV giỏi, phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

B.Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết