18/07/2008 - 07:55

Đảng viên là như thế!

Ký: PHƯƠNG TỬ NGHI

Gần gũi từng hộ trong CLB để nắm bắt tâm tư, tình cảm và chia sẻ với họ về kỹ thuật sản xuất là công việc thường xuyên của đảng viên - nông dân Tám Quang. Ảnh: C.D

Ông là nông dân rặt miệt đồng Vĩnh Biên (Ngã Năm, Sóc Trăng). Nơi ông ở là vùng đất phèn mặn, mỗi năm chỉ làm một vụ, còn lại bỏ đất trống vì thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Với sự giúp đỡ của chính quyền, các ngành hữu quan, ông cùng bà con trong xã chung tay xây dựng mô hình Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống, lúa cao sản, qua đó giúp đời sống nông dân ở đây trở nên khấm khá. Một điều bất ngờ, đích thân Bí thư huyện ủy giới thiệu ông vào Đảng khi đã bước vào ngưỡng tuổi gần 50. Ông là Quách Văn Quang (Tám Quang), Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền.

1. Ông Tám Quang sinh năm 1958, là con thứ tám trong gia đình nông dân có tới 11 người con. Học hết lớp 9, ông phải nghỉ để phụ giúp gia đình chuyện đồng áng. Lấy vợ năm 1980, ông được cha mẹ cho 5 công đất để ra riêng. “Hổng phải mình làm biếng, mà do miệt đất này phèn nặng dữ lắm. Một năm chỉ làm được có 1 vụ lúa. Ai mần giỏi lắm một công cỡ 15 - 16 giạ lúa là mút khung rồi. Đất cằn, phèn mặn nên làm lúa chẳng trúng mà trồng rẫy chẳng ăn thua. Cứ xong mùa vụ là quảy nóp áo đi làm thuê làm mướn kiếm sống” - ông Tám Quang kể. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông chắt bóp qua ngày như vậy rồi lần lượt 2 mụn con chào đời... 5 công ruộng hai vợ chồng quần quật tối ngày chỉ đủ cái ăn, cái mặc.

Nhưng vùng quê Vĩnh Biên có bước ngoặt lớn khi công trình ngọt hóa Quản lộ - Phụng Hiệp triển khai. Đó là năm 1991. Với yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ tiến hành thực hiện chương trình ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp (sau này gọi là dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau), xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống đê, các cống đập nhằm ngăn nước mặn vào sâu trong đất liền, giữ nước ngọt và thau chua, xổ phèn. Thực hiện ngọt hóa, nhiều vùng đất phèn mặn xưa nay chỉ làm 1 vụ lúa với năng suất chưa tới 15 giạ/công, giờ làm 2-3 vụ, với năng suất 30- 40 giạ/công. Một trong những vùng đất hưởng lợi từ chương trình ngọt hóa Quản lộ - Phụng Hiệp là xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

CLB nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền (gọi tắt CLB Vĩnh Tiền) thành lập tháng 10-2002, Tám Quang khi ấy là phó chủ nhiệm CLB. Sau đó hơn một năm, ông được bầu làm chủ nhiệm. Khởi đầu vụ đông xuân năm 2002 - 2003, CLB có 52 thành viên tham gia, đăng ký sản xuất lúa ST3 là 52,04 ha và làm hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Ngã Năm. Sang vụ đông xuân 2003 - 2004, số thành viên CLB lên đến 132 hộ, diện tích đất sản xuất lúa ST3 lên đến 177,67 ha. Đến nay, số thành viên CLB đã vượt qua con số 200 hộ với tổng diện tích sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống là 250 ha. Anh Đỗ Trung Nghĩa, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Vĩnh Biên, cho biết: “Toàn xã có 10 CLB thì CLB do Tám Quang làm chủ nhiệm là một trong những CLB mạnh, các thành viên đều rành rẽ các kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống và có tinh thần đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau trong công việc. Đây là tiền đề để chúng tôi chuẩn bị xây dựng mô hình HTX nông nghiệp đầu tiên của xã với nòng cốt là CLB nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền”.

Điều đặc biệt ở CLB Vĩnh Tiền là các thành viên chỉ sản xuất lúa giống ở vụ hè thu, còn vụ đông xuân bà con tập trung sản xuất lúa thơm, lúa cao sản theo hợp đồng đã ký kết với các công ty và Sở NN&PTNT Sóc Trăng. Không phải hộ thành viên nào cũng sản xuất lúa giống, mà quan điểm của Ban Chủ nhiệm CLB là làm phải làm chắc ăn, có uy tín, nắm vững kỹ thuật. Do đó, dù có trên 200 hộ thành viên nhưng chỉ có trên dưới 20 thành viên tham gia làm lúa giống. Ban đầu, khi bắt tay vào sản xuất lúa giống, thành viên đều đồng tình, nhưng còn ngán ngại bởi “công sức, vốn đầu tư khá nặng nhưng không biết năng suất và thu nhập có bằng với làm lúa chất lượng cao hay không ?”. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm CLB, đi đầu là ông Tám Quang, đã mạnh dạn làm trước để bà con noi theo. Và kết quả là làm lúa giống, năng suất rất cao, thu nhập khá nên bà con tin tưởng. Vụ hè thu 2007, sản xuất lúa giống trung bình năng suất 5,5 - 6 tấn/ha, cho thu nhập 16- 18 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn lúa thường từ 600 - 800 đồng/kg. Lúa giống do CLB làm ra, ngoài việc cung ứng cho huyện và tỉnh theo hợp đồng, còn được bà con nông dân ở Bạc Liêu, Kiên Giang và Long Mỹ tìm đến tận nơi đặt hàng trước khi thu hoạch cả tháng.

Cô Danh Thị Hoàng, thành viên CLB Vĩnh Tiền, khoe: “Vụ hè thu này tui chỉ mần có ba công ruộng, nhưng tính ra tiền bán lúa thu về trừ chi phí lời trên 6 triệu đồng; còn vụ đông xuân, một công gia đình tui lời gần 3 triệu. Sống khỏe re”. Không riêng gì gia đình cô Hoàng, mà đời sống và thu nhập của các thành viên trong CLB nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền đều có sự thay đổi rất lớn. Nhà nào cũng đều có của ăn, của để, không còn hộ đói nghèo. Nói như chị Danh Thị Mỹ Lệ: “Xứ này trước kia nhà nào có chiếc hon-đa 67 là nhứt rồi. Giờ thì xe đó hổng ai thèm, nhiều người đã mua được xe xịn mười mấy hai chục triệu”.

Nói về thành công của CLB, ông Tám Quang khiêm tốn: “CLB có như bây giờ là nhờ Đảng ủy, UBND xã và Chi bộ, Ban nhân dân ấp quan tâm, tạo nhiều điều kiện cho CLB hoạt động có hiệu quả, bà con đoàn kết, đồng tình cùng nhau chung sức. Chứ mình tui thì chèo chống sao nổi”.

2. Ngày 16-11-2006 là ngày mà ông Tám Quang không thể quên. Ông được Chi bộ ấp Vĩnh Tiền, xã Vĩnh Biên tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chi bộ ấp có 12 đảng viên, Tám Quang thuộc lớp tuổi xưa nay hiếm khi vào Đảng ở tuổi 48.

Chuyện ông Tám Quang vào Đảng cũng là điều bất ngờ, xuất phát từ vụ đông xuân 2003 - 2004. Tổng kết vụ đông xuân 2003 - 2004, CLB nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền “thắng lớn” khi hoàn tất sản lượng lúa đã ký hợp đồng với các nhà máy và dẫn đầu trong các CLB trong toàn xã về sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống. Vậy là ông Tám Quang cùng anh em trong Ban Chủ nhiệm lấy ý kiến tập thể và chọn những thành viên thực hiện tốt hợp đồng bán lúa tham quan Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ.

Chuyện đoàn nông dân vùng sâu của huyện tổ chức tham quan hội chợ để học hỏi, tư vấn những kiến thức mới về sản xuất nông nghiệp và cả những hiệu quả thiết thực từ mô hình CLB ở Vĩnh Tiền đã loan tới cơ quan cấp huyện. Vậy là tháng 6-2004, Bí thư Huyện ủy Ngã Năm Lâm Thanh Phong (hiện là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng) dẫn đoàn cán bộ huyện về thăm Vĩnh Biên, trực tiếp xuống CLB nông dân sản xuất lúa chất lượng cao Vĩnh Tiền. Tại đây, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã tọa đàm cùng Ban Chủ nhiệm và bà con nông dân về những khó khăn, thuận lợi trong công việc. Chính trong buổi gặp gỡ, đồng chí Bí thư Huyện ủy rất tâm đắc và đánh giá cao những hiệu quả mà CLB đã đem lại cho bà con nông dân và đồng ý hỗ trợ ngay 20 triệu đồng để Ban Chủ nhiệm xây dựng trụ sở làm nơi sinh hoạt cho bà con. Điều gây bất ngờ với bà con là Bí thư Huyện ủy đã đề xuất với Đảng ủy xã Vĩnh Biên cần quan tâm bồi dưỡng để xem xét kết nạp Đảng cho ông Tám Quang.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Biên Nguyễn Văn Luận kể: “Hồi đó, nghe đồng chí Bí thư Huyện ủy gợi ý việc bồi dưỡng kết nạp Đảng cho anh Tám, tụi tui cũng băn khoăn dữ lắm. Phải nói là xưa nay hiếm trường hợp nào lại được đích thân đồng chí Bí thư quan tâm đến thế. Lúc đó, tụi tui cũng băn khoăn vì anh Tám tuổi đã lớn, lại vướng ở trình độ học vấn chỉ hết lớp 9. Xét về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên mới thì không đủ. Nhưng từ những thành quả mà anh Tám gầy dựng cho CLB, những đóng góp xã hội, quan hệ quần chúng, tư cách đạo đức và sự quý mến của bà con dành cho anh ấy thì tụi tui an tâm. Từ đó, Đảng ủy xã chỉ đạo cho Chi bộ ấp nơi anh Tám sinh sống tạo điều kiện để bồi dưỡng và chuẩn bị các bước cần thiết để kết nạp anh vào Đảng”.

3. Hiện tại, ông Tám Quang cùng các đồng sự trong Ban Chủ nhiệm đang ấp ủ những dự tính mới cho CLB như: xây trạm bơm điện, cung ứng dịch vụ máy gặt đập liên hợp, thí điểm mô hình gieo mạ, cấy lúa theo mô hình Công ty cấy mướn Thành Công ở Long An... Trước mắt, ông cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm xúc tiến việc xây dựng một trạm bơm điện để trước mắt phục vụ cho 50 ha trong tổng số trên 250 ha của toàn CLB, nếu thành công sẽ nhân rộng, từ đó giảm thiểu tiết kiệm trong việc bơm nước bằng máy cá nhân rất hao phí. Ông nói: “Theo tính toán của tui và anh em trong Ban Chủ nhiệm, trong điều kiện xăng dầu tăng giá như hiện nay, sử dụng trạm bơm điện để bơm nước phục vụ tưới tiêu cho toàn diện tích của CLB sẽ tiết kiệm được 50% chi phí so với bơm riêng lẻ bằng máy cá nhân”.

Chưa hết, để chuẩn bị cho bước chuyển từ mô hình CLB lên HTX nông nghiệp, ông Tám Quang đã bàn bạc và thống nhất với thành viên CLB đưa 1 con em của hộ thành viên CLB đi học trung cấp kế toán tại TP Sóc Trăng, để chuẩn bị nhân lực cho công tác quản lý, điều hành. Hiện CLB bố trí 2 thành viên trong CLB có năng lực tham gia khóa đào tạo chủ nhiệm HTX do Sóc Trăng mở để lo “đường dài” sau này.

Khi nghe ông cùng các đồng sự nói về những dự tính sắp tới cho CLB, tôi buột miệng hỏi: “Có phải chú làm vì mình là đảng viên?”. Tám Quang cười: “Tôi không nghĩ mình làm tốt là để được vào Đảng mà bản thân chỉ vì muốn thoát ra cảnh nghèo, phấn đấu cho cuộc sống khấm khá hơn. Nhìn qua, ngó lại, bản thân mình khá mà chung quanh mình còn nhiều bà con còn khó khăn, vậy là phải chung tay mà giúp nhau vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng. Chuyện này đâu phải là đảng viên mới làm, mới tính. Nhưng giờ đã vào Đảng, là đảng viên thì mình phải phấn đấu và nỗ lực hơn nữa. Đảng viên mà làm không ngon lành thì người ta coi mình ra gì, phải không chú em?”.

Chia sẻ bài viết