Hiện TP Cần Thơ có trên 16.300 người dân tộc Hoa. Đa phần gia đình người Hoa mua bán, kinh doanh đa dạng mặt hàng. Trong đó, nghề làm bánh cổ truyền được nhiều hộ gia đình người Hoa bền bỉ gìn giữ và phát triển. Không chỉ “giữ lửa” món bánh cổ truyền dân tộc, nghề làm bánh giúp các gia đình dân tộc Hoa có thu nhập ổn định, vươn lên khấm khá.
Vợ chồng chú Dư Văn Sái (ngụ tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) giới thiệu món bánh củ cải truyền thống.
Ghé khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhắc quán Tám Sái, nhiều người dân đều biết tiếng. Đó là điểm đến quen thuộc của người dân địa phương và người yêu thích những món ăn Hoa nhiều năm qua. Nằm cặp bờ sông với khuôn viên nhỏ hẹp, kê vừa vặn vài cái bàn nhỏ nhưng quán ăn lại rất đông thực khách. Chủ nhân quán – chú Dư Văn Sái, là người dân tộc Hoa, có uy tín lại địa phương. Nhiều năm qua, với tâm huyết bảo tồn các món “đặc sản” dân tộc, chú Tám Sái mở quán bán các món điểm tâm, như: hoành thánh, mì xụa, hủ tíu mì… Đồng thời, vợ chồng chú nhận các đơn hàng làm bánh, với hơn chục loại bánh cổ truyền dân tộc Hoa, như: tổ, củ cải, trung thu, dẻo, há cảo,… Chú Sái bộc bạch: “Gia đình tôi gốc người Hoa. Có 9 anh em, duy có tôi và chị thứ 3 làm bánh truyền thống. Với tôi, hành nghề không đơn thuần để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, còn là niềm vui được “giữ hồn” những món ăn truyền thống dân tộc mình, mang đến cho thực khách hương vị Trung Hoa không lẫn vào đâu được”.
Mỗi món ăn, chiếc bánh làm ra, chú Sái gởi gắm cả tâm huyết. Theo chú Sái, hầu hết món ăn hay bánh cổ truyền dân tộc Hoa thường có nhiều công đoạn, công thức chế biến. Chẳng hạn như: nước lèo phải có đầy đủ nguyên liệu rau củ, tôm khô và đường phèn; bánh củ cải làm từ củ cải trắng bào nhuyễn, vắt ráo… Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm nghề chăm chút, khéo léo vận dụng kinh nghiệm đúc kết nhiều năm. Chú chia sẻ: “Mỗi ngày, lợi nhuận từ quán điểm tâm khoảng 150.000 đồng. Đối với việc làm bánh, tuy chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng nhưng nguồn thu nhập khá ổn định. Dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi làm trên 600 chiếc bánh thập cẩm, lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng. Các món bánh khác được khách hàng đặt thường xuyên, nguồn thu ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng”.
Với nhiều loại bánh cổ truyền trước đây người Hoa làm vào dịp lễ Tết nhưng giờ lại trở thành nghề nuôi sống gia đình. Gia đình chị Trương Tiểu Linh (hội viên phụ nữ, ngụ khu vực 3, phường Tân An, quận Ninh Kiều), nhiều năm gắn bó nghề bánh cổ truyền người Hoa. Cô Hứa Ngó, mẹ chị Linh, đã dẫn dắt và truyền nghề cho chị. Chị Linh cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 7-8 năm làm bánh. Trước đây chủ yếu làm để người trong nhà dùng. Về sau, gia đình tôi bắt đầu nhận làm theo đơn hàng của khách; đa phần nhận làm bánh cho các quán ăn”. Hiện gia đình chị Linh nhận làm nhiều loại bánh khác nhau, như: hồng đào (còn gọi là bánh lá liễu), bao tiều, hẹ, đùm, há cảo chay và mặn, tổ, mặn,… Dành tâm huyết cho những món bánh truyền thống dân tộc, gia đình chị Linh luôn chăm chút để đạt khẩu vị đậm đà và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Linh chia sẻ: “Làm bánh cực và công phu, cầu kỳ. Đơn cử như món bánh bao, bột phải nhồi với sữa tươi tạo hương vị thơm ngon. Mỗi khi có đơn hàng làm bánh, cả gia đình phải thức làm từ 3 giờ sáng, để khoảng 7 – 8 giờ sáng kịp giao hàng cho khách. Tuy làm bánh vất vả nhưng giá thành mỗi loại rất rẻ, khoảng 5.000 – 12.000 đồng/bánh. Bánh ngon, giá rẻ nên khách hàng của gia đình chị Linh không chỉ ở quận Ninh Kiều mà còn quận Bình Thủy, quận Ô Môn… Gia đình chị Linh đảm nhận làm bánh cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân An những dịp lễ hội bánh dân gian do thành phố tổ chức. Theo chị Linh, dịp lễ Tết hoặc rằm, khách hàng đặt bánh làm không xuể. Mỗi tháng, gia đình chị Linh bán ít nhất khoảng 700 bánh các loại, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng. Đặc biệt, món bánh há cảo chay được khách hàng ưa chuộng, đặt trên 500 bánh dịp rằm hàng tháng. Lúc cao điểm, gia đình chị phân công mỗi người mỗi việc như: nêm nếm, làm bột, canh lò hấp… nhịp nhàng, trôi chảy. Tuy vất vả nhưng cả nhà đều vui, vì bánh truyền thống chất chứa tâm tình người làm.
Chị Nguyễn Thị Mai Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều, toàn quận có 1.227 hội viên dân tộc Hoa; trong đó, có 66 chị làm bánh truyền thống. Thời gian qua, Hội LHPN quận thành lập mô hình làm bánh dân gian để hỗ trợ hội viên nói chung và hội viên dân tộc Hoa nói riêng. Chị Hồng cho biết: “Hội tập trung hỗ trợ các gia đình có nhu cầu vay vốn; đồng thời, tiếp tục tìm đầu ra sản phẩm, giúp hội viên có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định”.
Với nghề làm bánh truyền thống, không chỉ giữ lửa, bảo tồn hương vị quê hương, các gia đình người Hoa tạo nguồn thu nhập ổn định, kinh tế không ngừng phát triển.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN