* Phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23-5, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật cư trú đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú. Cụ thể như, nghiêm cấm giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương được sửa đổi, bổ sung theo hướng: đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. Thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú khi thay đổi chỗ ở hợp pháp giảm từ 24 tháng xuống còn 12 tháng...
Thẩm tra dự án này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và phải bám sát tinh thần của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn cho rằng các nội dung này chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm đã nêu trong Tờ trình.
Theo Tờ trình do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm 36 dự án luật; bổ sung và điều chỉnh tiến độ của 13 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; bổ sung 06 dự án luật và 02 dự án pháp lệnh, 01 dự án nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung đầu tư, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời, đề nghị Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa có đầy đủ hồ sơ; không đưa ra xem xét những dự án luật, pháp lệnh dù đã có trong chương trình nhưng không bảo đảm tiến độ về thời gian trình cũng như chất lượng của dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào cuối năm 2013, năm 2014 cần ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc sắp xếp tiến độ cụ thể của các dự án cần có sự cân nhắc trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm trước đây và sự cần thiết ban hành, tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ với Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để thực hiện nhiệm vụ mới.
Tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều 23-5, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ và việc bổ nhiệm chức vụ này đối với ông Đinh Tiến Dũng.
Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.
Tiếp đó, với 85,94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để nhận nhiệm vụ mới. Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.
Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng.
Cuối giờ chiều, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc phê chuẩn chức vụ Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng.
Dự kiến, sáng 24-5, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng và thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
Thanh Hòa - Quang Vũ (TTXVN)