13/10/2021 - 07:08

Đảm bảo an toàn trong sản xuất và sinh hoạt khi triều cường, thiên tai xuất hiện 

Từ tháng 9 đến nay, TP Cần Thơ xuất hiện các đợt triều cường vào những ngày rằm và đầu các tháng 8, 9 (âm lịch) mực nước lên cao nhưng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, một số tuyến đường giao thông có cốt nền thấp vẫn bị ngập; ở các quận, huyện vùng ven nước cũng lên đồng. Dự báo đỉnh triều năm 2021 sẽ lên cao vượt báo động 3 (2m) vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 tới, công tác ứng phó ngập lụt đô thị, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp đang được TP Cần Thơ tập trung thực hiện.

Triều cường lên cao

Đường giao thông khu vực Hồ Búng Xáng ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều bị ngập do triều cường đầu tháng 10-2021.

Đường giao thông khu vực Hồ Búng Xáng ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều bị ngập do triều cường đầu tháng 10-2021.

Anh Nguyễn Văn Thái, ở khu vực 3 (Hồ Búng Xáng), phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Năm nay, đến đầu tháng 9 âm lịch triều cường mới bắt đầu lên cao, tuyến đường dọc theo bờ hồ bị ngập. Những năm trước, mùa này vào dịp đầu và giữa các tháng 8, 9 âm lịch là nước ngập lênh láng cả khu vực. Gia đình tôi vẫn trang bị đầy đủ vật dụng để ngăn nước chảy tràn vào nhà khi triều cường lên cao trong những con nước sắp tới”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, triều cường trên sông Hậu và các sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ lên cao vào các ngày 6, 7, 8-10, mực nước dao động ở mức từ 1,72-1,83m. Các khu vực trũng thấp, ven sông, rạch bị ngập do triều cường, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân… Còn tại vùng nông thôn thuộc các quận, huyện, mực nước trên sông, rạch bắt đầu lên cao, tràn ngập vào đồng ruộng vừa thu hoạch lúa thu đông. Ông Phan Văn Hải, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Năm nay nước thượng nguồn đổ về ít, kết hợp triều cường lên không cao nên nước vào đồng ruộng còn thấp. Ngay thời điểm này, bà con tranh thủ mở đồng đón nước để vệ sinh đồng ruộng, hứng lấy phù sa, tẩy rửa mầm bệnh, chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất lúa đông xuân 2021-2022 sắp tới”.

Đến ngày 9-10, nông dân TP Cần Thơ đã thu hoạch lúa thu đông trên 51.000ha, năng suất bình quân 5,53 tấn/ha. Đến giữa tháng 10 này, phần lớn diện tích lúa thu đông cơ bản thu hoạch xong. Riêng ở khu vực Bắc Cái Sắn (thuộc huyện Vĩnh Thạnh) còn khoảng 2.000ha lúa thu đông muộn sẽ thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 11-2021. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, nước thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa, triều cường tràn vào ruộng đã thu hoạch lúa thu đông 2021. Sở đã yêu cầu ngành Nông nghiệp các quận, huyện vận động nông dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới. Trong đó, ruộng lúa đã thu hoạch cần trục xới đất, đưa nước vào ruộng, nhấn chìm rơm rạ, xử lý chế phẩm sinh học giúp rơm rạ mau phân hủy để giảm ngộ độc hữu cơ, tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng trước khi xuống giống lúa đông xuân 2021-2022”.

Tiếp tục ứng phó

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ nhận định: Từ nay đến cuối năm 2021, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông còn khoảng 6-8 cơn, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng nước ta. Nhiều khả năng trong tháng 1-2022 vẫn còn xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, lũ năm 2021 ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10 này. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2021 còn diễn biến phức tạp, khu vực ĐBSCL cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn; giông, lốc xoáy, sấm sét, triều cường dâng cao... ảnh hưởng đến khu vực trong các tháng cuối năm 2021.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cho biết: Dự báo mực nước cao nhất năm 2021 có khả năng ở mức 2,1-2,2m (vượt báo động 3 là 0,1-0,2m). Đây là đỉnh triều cao nhất năm xuất hiện trên sông Hậu tại TP Cần Thơ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11-2021. Các khu vực trũng thấp, ven sông, đường giao thông có cốt nền thấp tiếp tục bị ngập do triều cường, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão xuất hiện để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn; kịp thời đề xuất với lãnh đạo chủ trương, biện pháp ứng phó với thiên tai; đồng thời tổng hợp tình hình phòng, chống thiên tai trong phạm vi phụ trách để báo cáo với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố theo quy định. Các quận trung tâm thành phố chủ động phương án phân luồng giao thông, tổ chức giăng biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập sâu, tuyến đường giao thông cặp sông rạch, nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường. Quận Ninh Kiều quản lý tốt van ngăn triều tại các cống, bọng để hạn chế nước triều từ sông theo các đường cống chảy ngược vào thành phố gây ngập nghẹt đô thị…

Ở các quận, huyện ngoại thành ngoài việc tranh thủ mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa còn tăng cường công tác bảo vệ hoa màu, vườn cây ăn trái. Nông dân nên thăm vườn thường xuyên để cảnh giác với tình hình ngập úng, mưa lũ bất thường; kiểm tra phát hiện các cây bị ngập có triệu chứng vàng lá, rễ bị thối cần sử dụng thuốc trừ bệnh tưới xung quanh vùng rễ, tăng cường sức chống chịu của cây đối với các yếu tố bất lợi. Đối với vườn đang ngập nước khi vỡ bờ bao hoặc do mưa lớn kéo dài, nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp (vì khi dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy giúp rễ hô hấp), nhanh chóng bơm rút nước hạ mực nước trong vườn đến mức thấp nhất. Nếu cây đang ra hoa, trái hay tược non thì nên tỉa hoặc cắt bỏ hết tược non và đợt hoa, trái này để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh làm lay động gốc ảnh hưởng đến rễ cây khi bị ngập... Sau khi nước rút cần xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực nước trong vườn. Dùng cào răng xới nhẹ mặt đất bằng để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng cho rễ cây dễ tiếp nhận oxy; dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất cho cây phát triển...

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “UBND, ban chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện cần tăng cường rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê bao, bờ bao, cống, đập, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết