08/10/2013 - 21:46

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà chiến lược quân sự vĩ đại

(TTXVN)- Những ngày này, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới và dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ca ngợi Đại tướng là một "nhà chiến lược quân sự vĩ đại", "một biểu tượng của lòng dũng cảm và tính cương trực" song luôn giữ tinh thần "khiêm tốn, giản dị và giàu lòng bác ái".

Trước mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam, Tổng thống nước CH Algeria Abdelaziz Bouteflika đã gửi điện chia buồn tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó nhấn mạnh tên của Đại tướng - người anh hùng quân đội của nền độc lập Việt Nam và là người đã khiến cho thực dân Pháp hoảng loạn ở Điện Biên Phủ - "sẽ vẫn mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân Algeria". Trong bức điện của mình, Tổng thống Bouteflika viết: "Việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời là một nỗi mất mát to tớn không chỉ đối với các bạn, những người Việt Nam mà còn đối với cả chúng tôi, những người Algeria. Công lao to lớn của Đại tướng đối với nền độc lập của Việt Nam và sự thống nhất đất nước là một di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam hiện nay và trong tương lai cần giữ gìn và bảo tồn". Tổng thống Bouteflika cũng bày tỏ lòng tiếc thương, đồng thời khẳng định "lịch sử sẽ ghi nhận những cống hiến của Đại tướng trong suốt cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam".

Ngày 28-4-2005, tại Hà Nội, đồng chí Raul Castro, Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng Cuba, đến chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sang thăm Việt Nam. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN) 

Trong khi đó, chiều ngày 7-10, các nhà lãnh đạo đảng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào đã gửi điện chia buồn tới các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Bức điện có đoạn viết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà cách mạng dũng cảm, kiên cường, trung thành với sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân Việt Nam, là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là Đại tướng đầu tiên của Việt Nam, là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế kính trọng và yêu quý vì sự quả cảm và tài ba trong chỉ huy chiến đấu đánh thắng ngoại xâm, đem độc lập hoàn toàn về cho nhân dân Việt Nam anh em. Đồng chí là người đã luôn đóng góp tích cực, to lớn vào việc vun đắp, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào". Ban chấp hành T.Ư Đảng NDCM Lào cũng cho biết sẽ cử Đoàn Đại biểu cấp cao do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly Saynhasone làm Trưởng đoàn sang Việt Nam dự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thủ tướng Thongsinh Thammavong và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị sẽ đến Sứ quán Việt Nam tại Lào để viếng Đại tướng.

Đồng bào từ khắp nơi trong cả nước đã tới số nhà 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội) để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN

* Phóng viên TTXVN tại La Habana đã phỏng vấn nữ nhà báo nổi tiếng Cuba Marta Rojas, người đã từng nhiều lần tới Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sát cánh cùng các chiến sĩ quân giải phóng để truyền tải thông tin về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam tới người dân ở Cuba và Mỹ Latinh. Nữ nhà báo lão thành này đã vô cùng xúc động khi nhắc tới "người anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam và bà tâm sự rằng, cũng như nhiều người Cuba khác đã có dịp được gặp gỡ và nghe Đại tướng nói chuyện, bà cảm thấy như mình vừa mất đi một người thân. Qua những câu chuyện của Đại tướng về chiến tranh ở Việt Nam cũng như niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh, nhà báo Cuba nhận thấy ông là người hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của đối phương, nhưng đồng thời cũng luôn bình thản, tự tin vào sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc và đó chính là vũ khí giúp vị tướng huyền thoại này đánh bại những đối thủ hùng mạnh nhất.

Người dân Thái Nguyên tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 8-10, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước Bàn thờ đặt tại nơi ở và làm việc của Đại tướng ở Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa.

Bảo Biên trước đây thuộc xã Định Biên Thượng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1954), Bảo Biên được chọn làm một trong những điểm trung tâm của căn cứ địa Trung ương. Đặc biệt, địa điểm đồi Đỏn Mỵ, xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Quân ủy và Bộ tổng Tư lệnh xây dựng các kế hoạch quân sự quan trọng trình lên Thường vụ Trung ương Đảng, Hồ Chủ Tịch phê duyệt, chỉ huy và chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Không chỉ có Bảo Biên, trên mảnh đất ATK Định Hóa, nhiều địa danh lịch sử đã ghi dấu những ngày vị tổng tư lệnh làm việc trong những tháng năm kháng chiến như xóm Đồng Chùa - xã Đồng Thịnh, xóm Khẩu Hấu - xã Điềm Mặc, xóm Bảo Biên - xã Bảo Linh…

Trong sự xúc động, nhớ thương Đại tướng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã căn dặn cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương hãy biến đau thương thành hành động, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, ra sức tôn tạo, bảo vệ tốt các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn; đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với lòng mong mỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần Đại tướng về thăm lại xã Bảo Linh nói riêng và ATK Định Hóa nói chung.

Lan Anh (TTXVN)

Trong con mắt của nữ nhà báo kỳ cựu này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những là một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, một nhà hoạt động chính trị đầy trách nhiệm, mà ông còn là một con người khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, giàu lòng bác ái. Bà khẳng định Đại tướng là một tấm gương lớn đối với các thế hệ Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới bởi những đóng góp lớn lao của ông đối với sự nghiệp giải phóng ở Việt Nam, và cũng là nguồn cổ vũ, khích lệ đối với các phong trào cách mạng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh vì sự nghiệp chính nghĩa.

m Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore cùng ngày, ông Chia Teck Keng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Singapore, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gọi ông là "thần tượng" của tất cả những người trong lực lượng vũ trang. Nhớ lại cuộc gặp giữa Đại tướng với cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Singapore tại Hà Nội năm 1995, ông Keng cho biết qua những câu chuyện của Đại tướng về quân sự cũng như quan niệm của Đại tướng về chiến tranh ở Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã thực sự ấn tượng bởi đường lối lãnh đạo và năng lực của Đại tướng trong việc tiến hành chiến tranh cũng như năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập và dân chủ. Theo ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại sức mạnh và tính kiên cường cho đất nước cùng những bài học vô cùng giá trị cho các thế hệ trẻ về tính hy sinh và tinh thần trách nhiệm phục vụ đất nước Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Singapore đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người "đóng vai trò cốt lõi trong cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam". Trước đó, ngày 6-10, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong các ngày vừa qua, các nhật báo hàng đầu của Singapore như "The Straits Times", "Today" và mạng tin lớn của Singapore như Channel News Asia đã đăng nhiều bài viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "nhà chiến lược quân sự", "kiến trúc sư của những chiến công quân sự" và "vị Tướng huyền thoại" của Việt Nam. Truyền thông Singapore cũng đăng tải nhiều bài viết và ảnh về hàng nghìn người dân Việt Nam xếp hàng vào thắp hương viếng Đại tướng tại nhà riêng của ông.

Bài học quân sự từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, những ngày này, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Quân chủng đặc công, Bộ Tư lệnh Hải quân xúc động, thương nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thiếu tướng Mai Năng chính là người đã nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy giải phóng Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Thiếu tướng Mai Năng kể: “Từng được gặp Đại tướng nhiều lần khi ông về thăm Quân chủng Hải quân và đơn vị. Đại tướng gặp ai cũng ân cần, gần gũi chứ không hề có khoảng cách giữa một vị Đại tướng và một người chiến sĩ bình thường”.

Là một người gắn bó với binh nghiệp gần 50 năm, trực tiếp chỉ huy trận đánh “Cát Bi rực lửa”, tham gia nhiều công tác trong quân đội, chỉ huy bộ đội đặc công tham gia giải phóng Trường Sa năm 1975, Thiếu tướng Mai Năng cho biết, bài học quân sự lớn nhất ông học từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải rành rẽ chiến trường, đánh đâu chắc thắng tới đó.

Tháng 3-1954, khi đó Thiếu tướng Mai Năng làm nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị đánh giải phóng sân bay Cát Bi, chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất của thực dân Pháp ở bắc Đông Dương thời bấy giờ. Xung quanh sân bay gồm 78 đồn bốt, tháp canh chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày. Các phương án phòng vệ khác cũng hết sức chặt chẽ. Để đánh một pháo đài kiên cố như vậy, ông phải mật phục 36 lần để “lọt” vào hệ thống phòng thủ của quân Pháp. Sau khi cùng đồng đội mật phục, hiểu rành rẽ căn cứ địa và xây dựng thế trận lòng dân, đội quân trinh sát báo cáo về Tỉnh ủy Kiến An và tiến hành đánh chiếm sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954, tiêu diệt 60 máy bay, cắt đứt sự chi viện bằng đường hàng không của địch cho Điện Biên Phủ.

Trong lần chỉ huy giải phóng Trường Sa, Thiếu tướng Mai Năng tiếp tục ứng dụng bài học rành rẽ chiến trường. Ông kể tiếp: “Năm 1975, tôi là Đoàn trưởng đặc công Hải quân nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cấp trên. Chỉ thị nêu rõ: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”. Tuy nhiên, lúc đó có một vấn đề khó là anh em chưa thuộc hết các đảo. Khoảng cách giữa các đảo với nhau và giữa các đảo và đất liền rất xa nhau. Tôi đề xuất phương án đánh từng đảo một, đánh chắc thắng đảo này tiến tới đảo khác với tinh thần “thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa” như bức điện mật Đại tướng chỉ thị cho các đơn vị trong cuộc tổng lực giải phóng miền Nam . Chỉ từ 14-29/4/1975, Đoàn đặc công hải quân đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Nén xúc động, Thiếu tướng Mai Năng nói: “Phải vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự mất mát lớn của Đảng, của đất nước. Nhưng tôi tin, Đại tướng mong mỗi người trong chúng ta nén đau thương để cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước cường thịnh. Đó chính là nén nhang thơm chúng ta thành kính dâng lên Đại tướng - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người dành trọn cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân Việt Nam”.

Minh Thu (TTXVN)

Chia sẻ bài viết