30/07/2017 - 17:05

Cựu chiến binh giúp nhau làm vườn

Từ chỗ đất vườn toàn cây tạp, không mang lại hiệu quả kinh tế, Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền hợp sức giúp nhau cải tạo từng khoảng ao, mảnh vườn. Qua đó, Tổ hợp tác làm vườn của tập thể CCB ngày một phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình hội viên.


Nhơn Thành là một trong 3 ấp có Tổ hợp tác làm vườn của Hội CCB xã Nhơn Nghĩa, với 28 thành viên, sinh sống dọc kinh Bàu Lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Huyền, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Nhơn Thành, thời chiến, vùng này bị giặc càn quét dữ dội, đất vườn bỏ hoang, mọc đầy cây tạp. Khi hòa bình lập lại, nhiều gia đình quen làm thuê kiếm sống, không canh tác đất nhà.

Năm 2005, Chi hội CCB ấp đề xuất thành lập Câu lạc bộ (CLB) trồng rau màu gồm 16 thành viên, với mục tiêu định hướng người dân cải tạo vườn tạp, trồng rau màu các loại, tạo việc làm tại chỗ, cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, điều kiện đi lại khó khăn, chủ yếu chờ thương lái chạy ghe tới ruộng mua rau màu nên bà con bị ép giá liên miên. Trước tình hình đó, năm 2012, Chi hội CCB tiếp tục đề xuất đổi tên CLB trồng rau màu thành CLB làm vườn, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ CLB với 21 thành viên canh tác 14,7 ha vườn ban đầu, nay phát triển thành Tổ hợp tác làm vườn với 28 thành viên, canh tác 28 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu là nhãn và các loại cây có múi.

Ông Lương giới thiệu vườn cam mật đang cho trái sum suêÔng Lương giới thiệu vườn cam mật đang cho trái sum suê. 

Ông Lê Quang Lương, Chủ nhiệm Tổ hợp tác, từng là hộ nghèo của ấp. Với định hướng của Hội CCB các cấp, ông cùng các thành viên tích cực cải tạo vườn. Kết quả, 10 công đất vườn phủ kín 450 gốc ổi và 300 gốc cam các loại, thu nhập cải thiện rõ rệt.  

Ông Lương cho biết: “Trước đây, nhiều gia đình tổ viên thuộc diện nghèo, cận nghèo, trong đó, có 2 gia đình CCB.

Đến nay, tất cả gia đình đều có thu nhập khá hơn trước rất nhiều. Với mô hình làm vườn, Tổ hợp tác tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 70 lao động”.

Ông Lê Văn Việt, trước đây, không tận dụng được đất vườn, trong khi nhà đông con, cả nhà phải làm thuê chạy ăn từng bữa.

Với sự động viên của Tổ hợp tác, ông Việt dành thời gian và vốn liếng cải tạo vườn, canh tác 4 công ruộng lúa và 6 công vườn trồng cóc, cam, xoài, chanh không hạt. Kinh tế gia đình ông Việt nhanh chóng ổn định, thoát nghèo năm 2012.

Năm 2017, ông Việt chuyển 3 công đất vườn sang trồng dưa hấu, vừa trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận 3 vụ dưa khoảng 150 triệu đồng.

Đối với ông Huyền, là CCB thương binh 4/4, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, ông là một trong những hộ đi đầu cải tạo vườn, trồng cam mật và chanh không hạt, sau xen canh thêm cây hạnh. Hiện ông chuẩn bị trồng thêm 400 gốc nhãn edor, hàng chục gốc cam mật, tiếp tục cải thiện thu nhập. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, mô hình làm vườn của nhiều tổ viên gặp khó khăn, do Tổ hợp tác chưa tính toán đầu ra nông sản. Điều này dẫn đến tình trạng còn thương lái ép giá; một số loại trái cây, như: cam sành, ổi… liên tục mất giá.

Đó là chưa kể, một số tổ viên trồng cây nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng, đang cần được hỗ trợ chuyển đổi cây trồng khác.

Ông Lê Quang Lương, Chủ nhiệm Tổ hợp tác, đã trồng thay thế ổi bằng cây cam mật; dự kiến đặt thêm 600-700 gốc đu đủ, mong muốn sớm có nguồn thu, tiếp tục đầu tư vườn cây ăn trái.

Ông Lương cho biết: “Bên cạnh việc thường xuyên tạo điều kiện để tổ viên tham gia tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao nghề trồng cây ăn trái, Tổ hợp tác có quỹ hùn vốn giúp nhau làm vườn.

Tuy nhiên, nguồn vốn này không nhiều, chúng tôi  mong tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm Ngân hàng Chính sách Xã hội để có điều kiện cải tạo vườn tốt hơn”.

Trước mắt, Tổ hợp tác dự kiến khuyến khích các tổ viên chiết cành giống cây ăn trái giá trị cao như: nhãn edor, cam mật, hạnh,… sạch bệnh, hỗ trợ các thành viên còn lại với giá ưu đãi hơn thị trường và được trả sau. 

Đường vào ấp Nhơn Thành từng ngày thay da đổi thịt với những vườn cây ăn trái sum suê, xanh tốt.

Tuy nhiên, để Tổ hợp tác phát triển bền vững, tạo việc làm hiệu quả cho lao động, thời gian tới, rất cần ngành chức năng địa phương hỗ trợ định hướng giống cây trồng, đầu ra nông sản và vốn vay ưu đãi. 

Bài, ảnh: Mỹ Tú 

Chia sẻ bài viết