25/06/2011 - 10:22

Cứu cháu tôi với !

Bà Võ Thị Thạnh, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, năm nay đã 87 tuổi, mắc bệnh thoái hóa khớp gối, tai điếc… nhưng hằng ngày vẫn làm lụng kiếm tiền nuôi cháu kêu bằng bà cóc. Cháu bà là Võ Thị Huyền bị bệnh thalassemia (bệnh huyết học, phải thường xuyên truyền chế phẩm máu) đã 6 năm nay. Cả hai bà cháu đều bệnh nhưng không có tiền thang thuốc. Nhiều hôm trong nhà không còn gạo để ăn, nói gì đến tiền trị bệnh…

Trong phòng bệnh, bà Thạnh run run chống gậy đi gom đồ đạc chuẩn bị xuất viện. Huyền tuy còn mệt vì mới xuất viện nhưng cũng cố gắng gom đồ tiếp bà. Đồ đạc của hai bà cháu chỉ có mùng, mền, ít quần áo, bình thủy, ly… tất cả đều cũ. Một bệnh nhân ở cùng phòng bệnh với Huyền kể: “Mấy ngày trời mà Huyền chỉ mặc một bộ đồ duy nhất. Thấy tội quá, tui kêu vợ mua cho nó một bộ”. Huyền có hai bộ đồ nhưng một bộ chật quá mà bụng to nên mặc không vừa. Bệnh nặng nhưng không có tiền nên mỗi ngày hai bà cháu ăn cơm từ thiện. Các bệnh nhân cảm thương cho tình cảnh của hai bà cháu mà chia sớt đồ ăn. Một người nuôi bệnh kể: “Hôm Huyền nhập viện đến 16 giờ chiều mà hai bà cháu chưa có gì trong bụng. Tụi tui thấy tội quá mới chạy mua ít thức ăn cho hai bà cháu”.

 Bà Võ Thị Thạnh đang chăm sóc em Huyền ở bệnh viện.

Huyền bị bệnh thalassemia đã 6 năm nay. Tuy 17 tuổi nhưng nhìn Huyền còm nhom, nhỏ thó như đứa trẻ 9-10 tuổi. Tròng mắt Huyền vàng như nghệ, da ửng vàng, bụng trướng to... Do không có tiền nên chỉ khi nào bệnh trở nặng, chảy máu chân răng thì Huyền mới đi bệnh viện truyền chế phẩm máu. Mỗi năm, Huyền đi bệnh viện 4-5 lần. Mỗi lần tốn khoảng vài trăm ngàn đồng tiền viện phí, đi lại, ăn uống (do Huyền có bảo hiểm y tế của nhà nước cấp) nhưng đây cũng là số tiền mà hai bà cháu dành dụm lâu lắm mới có. Bà Thạnh năm nay đã 87 tuổi, bệnh tật hành hạ nhưng hàng ngày, bà vẫn đi làm cỏ vườn chuối, nấu cơm nước, giặt giũ… Nguồn sống duy nhất của hai bà cháu là hai bờ chuối, mỗi tháng thu nhập 50.000 - 100.000 đồng. Hai bà cháu sống chủ yếu nhờ gạo của Hội Chữ thập đỏ xã cấp và tiền trợ cấp của nhà nước 360.000 đồng/tháng. Hai bà cháu sống rất tằn tiện, mỗi tháng chỉ dám ăn cơm với thịt, cá 1-2 lần, còn lại chỉ ăn cơm với rau luộc chấm chao. Nhiều hôm hết gạo, hai bà cháu phải đi xin gạo ăn.

Nhắc đến cha mẹ, Huyền chỉ biết khóc. Huyền kể: “Con nghe mọi người kể cha chết khi mẹ mang bầu con. Khi sanh con ra hơn 1 tháng tuổi, mẹ định bỏ con vào thau thả trôi sông, bà cóc (bà Thạnh) ở cùng xóm, thấy tội quá mới đem con về nuôi”. Theo lời Huyền, bà cóc là bà cô của bà ngoại em. Bà cóc mua sữa bò cho Huyền uống, những hôm không có tiền, bà bồng Huyền đi khắp xóm xin bú thép. Cứ thế, Huyền lớn lên trong tình thương yêu của bà Thạnh. Bà bị đau khớp đã nhiều năm nhưng ít khi đi khám bệnh vì tiền đi đò đến trạm y tế xã 8.000 đồng, tiếc tiền bà không đi, cố gắng chịu đựng để dành tiền thang thuốc cho Huyền.

Bác sĩ điều trị của Huyền cho biết: “Huyền bị bệnh thalassemia, bệnh huyết học phải thường xuyên truyền chế phẩm máu. Do gia đình không có tiền đi lại, ăn uống nên Huyền không đi truyền máu thường xuyên, bệnh tình khá nặng. Gần đây, lách Huyền to, cần phải phẫu thuật cắt lách thì bệnh tình mới khá hơn được”. Bác sĩ cho Huyền xuất viện về chích ngừa rồi hai tuần sau lên tiến hành phẫu thuật. Một người nữ nuôi bệnh cùng phòng, mắt ngấn nước kể: “Tui nghe bà cụ nói về quê để xin UBND xã xem có cách nào giúp chi phí phẫu thuật, tiền đi lại... không? Nếu không, chắc đành để Huyền ở nhà, sống ngày nào hay ngày ấy”.

Bà Thạnh bị lảng tai nên khi tôi hỏi chuyện, bà cứ cầm tay tôi thều thào nói: “Cứu cháu tôi với cô ơi! Tội nghiệp nó, từ lúc chào đời cho tới giờ nó chưa sống được ngày nào sung sướng. Sao số nó khổ quá!”. Trong những lời kể đứt quãng, bà không hề nhắc đến bản thân mình.

Rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa giúp em Huyền có tiền trị bệnh cũng là để an ủi những ngày cuối đời của bà Thạnh.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết