Trung tâm Công nghệ Phần mềm Đại học Cần Thơ (CUSC - Cantho University Software Center) là trung tâm phần mềm đầu tiên của vùng ĐBSCL. Trong suốt 20 năm thành lập và phát triển, tập thể CUSC không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, sản xuất và gia công phần mềm; cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Tập thể cán bộ, viên chức của CUSC. Ảnh: CTV
Ngay từ những năm cuối của thế kỷ 20, Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ đã nhận thấy cần phát triển một Trung tâm Công nghệ phần mềm nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng về phần mềm ứng dụng và đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp cho vùng ĐBSCL. Năm 2000, Trường Đại học Cần Thơ đã đầu tư cải tạo nhà A1 - Khu III, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc thành lập Trung tâm Công nghệ Phần mềm của trường.
Tháng 3-2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập CUSC, với nhiệm vụ chính là đào tạo, cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp và sản xuất, phát triển phần mềm, tư vấn giải pháp và ứng dụng CNTT... Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ đề cử giám đốc và điều động cán bộ cho trung tâm. Ngay từ ngày thành lập, Ban Giám đốc Trung tâm đã phát triển một số phần mềm ứng dụng, tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu các tập đoàn đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp ở Mỹ, Anh, Singapore, Ấn Độ và cuối cùng chọn một trong các tập đoàn của Ấn Độ làm đối tác để đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp. Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Trưởng Khoa CNTT và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm đã sang Ấn Độ tham quan các tập đoàn chuyên đào tạo lập trình viên, trước khi đi đến quyết định chọn Tập đoàn Aptech.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, với phương châm “Chất lượng là hàng đầu”, các hoạt động của CUSC tuân thủ tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2015. Trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, CUSC đã tạo ra nhiều sản phẩm CNTT nổi bật và triển khai thành công tại thị trường trong nước, bao gồm phần mềm và giải pháp cho Chính phủ điện tử, ngành Giáo dục và Y tế. Các sản phẩm và giải pháp đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong cả nước như CGATE: Phần mềm Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; CUSC-ISOO: Phần mềm ISO điện tử; CUSC-UIIS: Hệ thống tích hợp thông tin Quản lý đào tạo; CUSC-PORTAL: Cổng thông tin điện tử; CUSC-HIS: Phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện; CUSC-SEDP: Hệ thống thông tin tổng hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó CGATE, CUSC-UIIS, CUSC-HIS và CUSC-PORTAL là các sản phẩm phần mềm được ưu tiên mua sắm theo Thông tư 01/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp tại CUSC luôn được đảm bảo với quy trình “Đào tạo - Sản xuất phần mềm - Thực tiễn”, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được tham gia thực tập, trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm làm phần mềm thực tế trong quá trình học. Tính đến năm 2020, chương trình đào tạo CNTT chuẩn quốc tế: Lập trình viên Quốc tế - Aptech và Mỹ thuật Đa phương tiện Quốc tế - Arena tại CUSC đã đào tạo 16.851 sinh viên và luôn được các nhà tuyển dụng nhân sự CNTT đánh giá cao.
Cũng trong năm 2020, CUSC tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Aptech cung cấp chương trình đào tạo mới: Chuyên viên phân tích dữ liệu (CPIDA), Trí tuệ nhân tạo và Máy học - ACNPro đáp ứng các xu hướng mới của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
CUSC nhiều năm liền được vinh danh là “Đơn vị đào tạo xuất sắc nhất” và “Đơn vị đạt chất lượng đào tạo xuất sắc nhất” do tập đoàn Aptech Ấn Độ trao tặng; đồng thời có 3 lần đạt giải Trí Tuệ Việt Nam ĐBSCL; 9 lần đạt giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao tặng; Top 9 Doanh nghiệp triển vọng trong lĩnh vực gia công phần mềm; Top 40 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam; 2 giải thưởng Chuyển đổi số; Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc trong nhiều năm; 43 giấy khen, giải thưởng do các đơn vị trong và ngoài nước trao tặng.
Sinh viên CUSC đạt nhiều thành tích khi tham gia các cuộc thi tin học, CNTT trong và ngoài nước như kỳ thi tay nghề TP Cần Thơ, “XML Super Star for ASEAN” do Tập đoàn IBM tổ chức, Cuộc thi công nghệ Techtrons, ASEAN Youth Video Contest, Halography Race Contest, 100 Hrs Creative Marathon, Creative Challengers...
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc CUSC, cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ, cùng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và năng động, CUSC trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị, từ sở, ban, ngành đến các trường học, bệnh viện và doanh nghiệp trong, ngoài nước”. Hiện tại, trung tâm có hơn 750 khách hàng tại Việt Nam và một số quốc gia Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Phần Lan, Canada…
Lãnh đạo CUSC cho biết: Mỗi sự ra đời đều mang trong mình một sứ mệnh và ý nghĩa riêng biệt. CUSC thành lập, có sứ mệnh “Xây dựng một môi trường năng động, sáng tạo vì sự phát triển nền công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin vùng ĐBSCL và Việt Nam”. Với phương châm của CUSC bằng “Niềm tin - Đam mê - Trách nhiệm”, tập thể CUSC nỗ lực xây dựng đơn vị có vị thế, đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp phần mềm Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Từ nền tảng 20 năm phát triển, tập thể CUSC tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường năng động, sáng tạo vì sự phát triển nền công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT vùng ĐBSCL và Việt Nam. CUSC đang hướng đến trở thành đơn vị xuất sắc của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đem đến dịch vụ và sản phẩm phần mềm mang lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần đưa CNTT của vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, tiến bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
NG.NGÂN