10/03/2019 - 07:43

Cung ứng tín dụng theo chuỗi giá trị lúa gạo 

 

Vụ lúa đông xuân 2018-2019, cùng với các địa phương khác ở ĐBSCL, TP Cần Thơ đã chủ động triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân trồng lúa. Với sự vào cuộc của thành phố, sự tham gia của các Ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, đến ngày 6-3, trên 95% sản lượng lúa trên địa bàn thành phố đã được tiêu thụ, một số doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết đây được xem là một thành công lớn của thành phố trong việc hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. 

- Ngày 4-3-2019, NHNN ban hành Văn bản số 1289/NHNN-TD Về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực ĐBSCL. Ngày 6-3, dưới sự chủ trì của UBND TP Cần Thơ, NHNN Chi nhánh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã họp với 3 huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất là Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh để rà soát lại tình hình tiêu thụ lúa gạo. Kết quả có trên 95% sản lượng lúa thu hoạch đã được tiêu thụ. So với thời điểm đầu vụ giá lúa đã tăng từ 200-500 đồng/kg tùy loại và ước tính sau khi trừ chi phí nông dân có lời hơn 30%. Như vậy là sang tuần đầu tháng 3, lúa gạo tại Cần Thơ không còn nhiều, sản lượng thu hoạch toàn vụ ước tính khoảng 570.000 tấn lúa hàng hóa tương ứng với diện tích sản xuất 81.000ha.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả giải ngân vốn tín dụng của các ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu gạo đến nay?

- Qua rà soát của NHNN Chi nhánh, lãi suất cho vay thu mua lúa gạo hiện nay được các NHTM trên địa bàn áp dụng theo mức lãi suất cho vay thương mại thuộc lĩnh vực ưu tiên nhưng không quá 6%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây được xem là mức lãi suất thấp hơn chi phí vốn do các NHTM huy động từ dân cư. Tại 6 NHTM có tỷ lệ cho vay thu mua lúa gạo cao trên địa bàn thành phố cho thấy, mức giải ngân của ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong tháng 2 là 3.392 tỉ đồng, tăng hơn 240 tỉ đồng so với tháng 1-2019. Trong đó có 4 ngân hàng cho biết doanh nghiệp thu mua lúa gạo vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp. Tổng hạn mức tín dụng còn lại là 745,6 tỉ đồng. Do đó, đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, nếu có hợp đồng thu mua, có đầu ra, có khả năng tiêu thụ, chứng minh được với ngân hàng là phương án mua lúa gạo dự trữ có hiệu quả thì có thể được giải ngân nhanh chóng.

Tuy sản lượng lúa gạo tại Cần Thơ không còn nhiều, song nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ còn thu mua lúa gạo ở các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… Do đó, hạn mức tín dụng còn lại sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động kế hoạch thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Thu hoạch lúa ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Thu hoạch lúa ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Sự vào cuộc của ngành ngân hàng đã thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL, song nhiều ý kiến cho rằng việc tạm trữ lúa gạo chỉ giải quyết khó khăn nhứt thời trong điều kiện đầu ra gặp khó khăn. Ông có hiến kế gì trong việc cung ứng tín dụng góp phần giải quyết căn cơ bài toán chuỗi giá trị lúa gạo, đảm bảo thu nhập cho nông dân?

- Thực tế cho thấy, từ năm 2015-2016, Chính phủ không còn triển khai Chính sách tạm trữ với hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ. Bởi đây là biện pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm lương thực chính của quốc gia nhưng là sự can thiệp phi thị trường khi các FTA do Việt Nam ký kết đã có hiệu lực. Vụ lúa đông xuân 2018-2019, Chính phủ đã có sự vào cuộc bằng cách thông báo tăng thu mua Dự trữ Quốc gia và thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời để phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Cùng với đó sự chủ động điều tiết về vốn của các NHTM lớn cho doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo như Vietcombank, Agribank, Vietinbank… cũng hạn chế tình trạng chần chờ của một số doanh nghiệp hay một bộ phận thương lái có tâm lý mua lúa chậm để chờ giá lúa xuống thấp.

Trong 2 năm 2017-2018, nông dân ở ĐBSCL trúng mùa được giá và một số nơi đã xảy ra tình trạng nông dân chủ động bán cho thương lái bên ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp. Đến vụ đông xuân năm nay, ở thời điểm đầu vụ cận Tết do chưa có các đơn hàng xuất khẩu tập trung lớn, doanh nghiệp có tâm lý chậm thu mua chờ diễn tiến thị trường. Do đó, vấn đề liên kết cung ứng tín dụng theo chuỗi giá trị lúa gạo đã được nhấn mạnh nhiều lần và thể hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ lẫn NHNN. Hiện nay ở Cần Thơ có một số doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, cung ứng giống, phân thuốc và bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường và làm rất hiệu quả.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn, NHNN về cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu những tổn thất và thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết