05/11/2012 - 22:01

Cử tri đề nghị quy định trách nhiệm khi thực hiện Đề án giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên

Góp ý về việc triển khai thực hiện đề án giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên của Bộ Y tế, nhiều cử tri đặt vấn đề: Trong trường hợp bệnh viện tuyến dưới không đủ điều kiện chuyên môn điều trị cho bệnh nhân, nhưng không cho phép chuyển lên tuyến trên, nếu xảy ra biến chứng hoặc tử vong trách nhiệm của bệnh viện như thế nào? Cử tri đề nghị Bộ Y tế quy định rõ chế tài với bệnh viện tuyến dưới nhằm đảm bảo công bằng cho người bệnh. Công văn trả lời của Bộ Y tế, như sau:

Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2012-2016 đã được Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2012. Mục tiêu tổng quát của Đề án là "Từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện cả khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các khoa ung bướu, ngoại - chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản, nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP HCM góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh".

Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể như sau:

- Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP HCM đang quá tải nghiêm trọng.

- Nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện đang trong tình trạng dưới tải.

- Giảm thời gian và lưu lượng người bệnh chờ khám cùng một thời điểm tại khoa khám bệnh của các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng.

-Tăng số giường bệnh trong phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho 5 chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, ngoại-chấn thương chỉnh hình, sản, nhi.

Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án đề ra các giải pháp, như sau:

-Hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP HCM thuộc 5 chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, ngoại-chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh.

-Bảo đảm cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị theo các chuyên khoa cho các bệnh viện vệ tinh trên cơ sở năng lực chuyên môn của một số bệnh viện.

- Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh để từng bước giảm người bệnh chuyển từ bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên và tiếp nhận người bệnh từ tuyến trên về điều trị; bao gồm: Đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh; tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

-Tăng cường công tác đào tạo, chỉ đạo và chuyển giao kỹ thuật thông qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn để đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho các chuyên khoa từ bệnh viện tuyến huyện trở lên; luân phiên, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật trọn gói cho tuyến dưới…

Việc lo ngại của cử tri là không thuộc Đề án này. Tuy nhiên, để giám sát về chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang ngày càng hoàn thiện các văn bản quy định về giám sát hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, có chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ để chẩn chỉnh công tác chuyên môn.

 

Chia sẻ bài viết